Chính phủ Mỹ bắt đầu đàm phán về nâng trần nợ công

Ngày 10/5, chính phủ Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán chi tiết về việc nâng trần nợ 31.400 tỷ USD - một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden tiến hành cuộc họp đầu tiên sau 3 tháng với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Điện Capitol - tòa nhà của Quốc hội Mỹ tại Washington. Ảnh: Reuters

Điện Capitol - tòa nhà của Quốc hội Mỹ tại Washington. Ảnh: Reuters

Bế tắc trong các cuộc đàm phán về nâng mức trần nợ công của Mỹ đang khiến Phố Wall lo lắng, trong khi khiến chi phí bảo hiểm nợ của chính phủ Mỹ lên mức cao kỷ lục. Trong ngày 10/5, việc Bộ Tài chính Mỹ thông báo biên lai thuế của chính phủ trong tháng 4 ghi nhận xu hướng giảm cùng việc chi tiêu cao hơn càng khiến việc đàm phán về nâng mức trần nợ của Quốc hội Mỹ thêm khẩn cấp.

Theo Reuters trích dẫn bà Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban phi lợi nhuận về Ngân sách Liên bang Mỹ: "Nếu các nhà lập pháp cần một hồi chuông cảnh tỉnh, thì đây chính là nó”. Bà nhận định doanh thu thuế suy giảm chính là loại tin tức mà chính phủ không muốn nghe nhất lúc này. Tháng 4 là một trong số ít lần Kho bạc ghi nhận thặng dư nhưng khoản thặng dư 176 tỷ USD gần như không có tác dụng gì khi chính phủ Mỹ vay 4,2 tỷ USD/ngày trong năm tài chính này.

Đặc biệt, những bất đồng sâu sắc và áp lực cạnh tranh giữa cắt giảm chi tiêu và tăng thuế càng khiến tình hình thêm cấp bách.Thời gian đàm phán là tương đối eo hẹp để có thể giúp chính phủ Mỹ tránh một vụ vỡ nợ lịch sử - một sự kiện có khả năng gây bất ổn kinh tế quốc gia và có thể xảy ra sớm nhất là sau ngày 1/6.

Trong nhiều tháng, đảng Dân chủ kêu gọi nâng mức trần nợ mà không đi kèm các điều kiện cắt giảm chi tiêu. Ngược lại, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện cho biết sẽ không đồng ý bất kỳ khoản vay bổ sung nào mà không có thỏa thuận cắt giảm chi tiêu trong tương lai.

Tuy nhiên, sự thỏa hiệp trong một số lĩnh vực đã bắt đầu xuất hiện sau cuộc họp tại Nhà trắng ngày 9/5 giữa đại diện đảng Dân chủ là Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy.

Cụ thể, Reuters cho biết ông Biden ra dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của đảng Cộng hòa trong việc thu lại các khoản tiền cứu trợ Covid-19 chưa sử dụng trị giá dưới 80 tỷ USD. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng nhấn mạnh vào việc thúc đẩy cấp phép cho các dự án năng lượng bằng cách đặt ra các mốc thời gian tối đa.

Trước mắt, các trợ tá của Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số của Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số Thượng Viện Mitch McConnell dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhau chiều ngày 10/5, ngày 11/5 và cả trong ngày 12/5 với Tổng thống Joe Biden.

Một số nhà lập pháp cũng bày tỏ sự lạc quan về cuộc đàm phán, ví dụ như Dân biểu đảng Cộng hòa Frank Lucas. Ông cho rằng đảng Cộng hòa tại Hạ viện khó có thể giành được phạm vi cắt giảm ngân sách mong muốn nhưng có thể tìm ra một giải pháp trung gian để làm chậm lại mức tiêu xài được ông miêu tả là “hoang phí” của đảng Dân chủ.

Bất chấp việc đạt được tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán, việc thông qua luật tại Hạ viện và Thượng viện đều có liên quan tới các quy trình tốn thời gian. Những người phản đối bất kỳ thỏa thuận nào đều có thể trì hoãn hơn nữa các quy trình vốn đã phức tạp này.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chinh-phu-my-bat-dau-dam-phan-ve-nang-tran-no-cong-post21482.html