Chính phủ Mỹ hy vọng khống chế được dịch COVID-19 từ ngày 1/6
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, DC ngày 24/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
* COVID-19: Bờ Biển Ngà và Bolivia xác nhận các ca tử vong đầu tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/3 thông báo sẽ kéo dài việc thực hiện chỉ thị "giãn cách xã hội" tới ngày 30/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 tại Mỹ.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng cho biết số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ lên tới mức cao nhất trong 2 tuần tới.
Theo ông, giai đoạn đỉnh của dịch sẽ rơi vào lễ Phục sinh 12/4. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng bày tỏ hy vọng nước Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi từ ngày 1/6.
Ông cũng cho biết sẽ có một thông báo "quan trọng" vào ngày 31/3 về kế hoạch và chiến lược của chính phủ. Cũng theo Tổng thống Mỹ, việc gia hạn chỉ thị "giãn cách xã hội" đến ngày 30/4 để làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19, vốn khiến gần 140.000 người Mỹ bị nhiễm cũng như hơn 2.400 ca tử vong.
Trước đó, Tổng thống Trump cho biết ông đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp "giãn cách xã hội". Tuy nhiên, tuyên bố này của ông vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các thống đốc bang, giới chuyên gia cũng như giới chức y tế.
Cũng trong ngày 29/3, giới lập pháp Mỹ cho biết đang lên kế hoạch thảo luận dự luật thứ 4 nhằm giúp các công ty có vốn cũng như trả lương cho hàng triệu người lao động sau khi đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ trị giá hơn 2.000 tỉ USD nhằm đối phó với dịch COVID-19.
Theo giới lập pháp Mỹ, cần phải đưa nhiều dự luật nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, bởi hiện nay vẫn chưa thể xác định mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng.
Dự kiến Thượng viện Mỹ sẽ trở lại làm việc vào ngày 20/4 trong khi Hạ viện Mỹ cũng sẽ có kỳ nghỉ kéo dài, song các hạ nghị sĩ cho biết có thể trở lại làm việc sớm hơn tùy thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ trong vài tuần tới.
Việc lên kế hoạch thảo luận dự luật hỗ trợ thứ 4 được các nhà lập pháp đưa ra trong bối cảnh số người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 21/3 tăng đột biến, lên tới hơn 3 triệu người từ dưới 300.000 người.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các hiệp hội thương mại và chính phủ các tiểu bang hiện cũng đang kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang bởi theo họ gói hỗ trợ trước đó mặc dù là bước đi tốt nhưng không đủ để duy trì nền kinh tế nếu như dịch bệnh kéo dài tới cuối tháng 4.
* Ngày 29/3, các nước Bờ Biển Ngà và Bolivia đã thông báo các ca tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bộ trưởng Y tế Bờ Biển Ngà Eugene Aka Aouele không nêu chi tiết về độ tuổi hay giới tính của trường hợp trên, song cho biết cơ quan chức năng xác nhận bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 sau khi khám nghiệm tử thi. Ông Aouele cũng thông báo nước này đã ghi nhận thêm 25 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 165 ca.
Tổng thống Alassane Ouattara đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngày 23/3 vừa qua, áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau và đóng cửa biên giới, trường học, nhà hàng và quán bar nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, Chính phủ lâm thời Bolivia cho biết nước này đã có trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19 tại bang miền Đông Santa Cruz, đồng thời ghi nhận tổng số ca dương tính với virus SARS-Cov-2 trên cả nước là 81 người.
Theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Bolivia Anibal Cruz, ca tử vong nói trên là một phụ nữ 78 tuổi, bị lây nhiễm từ người thân trở về từ nước ngoài.
Santa Cruz là bang có số bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất Bolivia, với 44 trường hợp. Chính quyền Bolivia hôm 17/3 cũng bắt đầu áp dụng lệnh cách ly trên toàn quốc tới ngày 15/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan khó kiểm soát của dịch bệnh. Trước đó, Syria cũng ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19.
Cùng ngày, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã ban bố lệnh giới nghiêm hoàn toàn trong 2 tuần tại thủ đô Abuja và Lagos - thành phố lớn nhất nước này - để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Trong tuyên bố được phát trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Buhari đã yêu cầu người dân bắt đầu chấp hành lệnh giới nghiêm từ 23 giờ ngày 29/3 (theo giờ địa phương).
Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi, với khoảng 200 triệu người. Đến nay, cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận 97 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, chủ yếu ở Abuja và Lagos, và 1 ca tử vong.
Tại Iran, truyền thông địa phương ngày 29/3 dẫn nguồn tin tư pháp cho biết quốc gia này đã phóng thích tạm thời khoảng 100.000 tù nhân khỏi các trại giam nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã quyết định kéo dài thời gian cho hoạt động phóng thích tù nhân đến ngày 20/4 tới. Như vậy, số tù nhân được thả hiện đã tăng gần gấp đôi so với mức 54.000 người vào đầu tháng 3.
Iran là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với hơn 38.000 ca nhiễm và hơn 2.600 ca tử vong. Cho đến nay, đã có khoảng 12.400 bệnh nhân phục hồi và được xuất viện tại Iran.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)