Chính phủ nhiều nước xử lý tình trạng hành hung nhân viên y tế trong dịch COVID-19
Hàng nghìn nhân viên y tế trên toàn thế giới đã bị tấn công, lăng mạ và đe dọa trong quá trình họ điều trị bệnh nhân COVID-19. Vậy chính phủ các nước đã có phương hướng giải quyết tình trạng này như thế nào?
Tờ Guardian (Anh) đưa tin các vụ hành hung nhân viên y tế liên quan đến COVID-19 dự kiến tăng trong thời gian tới khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoành hành tại nhiều quốc gia.
Bác sĩ Tlaleng Mofokeng đánh giá: “Các cuộc tấn công sẽ tăng lên khi căng thẳng vì dịch COVID-19 tăng. Đây là điều đáng buồn bởi hiện có tình trạng thiếu nhân viên y tế và thậm chí trong số họ có người tử vong vì COVID-19”. Ngoài ra, các nhân viên y tế có thể đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần từ các vụ tấn công bạo lực.
Bác sĩ Mofokeng cho rằng bạo lực nhắm đến nhân viên y tế không phải là điều mới mẻ nhưng dịch COVID-19 càng phơi bày tình trạng vốn phát sinh từ sự thiếu quan tâm của chính phủ và thiếu đầu tư vào hệ thống y tế công cộng này.
Theo thống kê của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), từ tháng 2 đến tháng 12/2020 đã có ít nhất 848 vụ tấn công nhân viên y tế liên quan đến COVID-19. Ông Maciej Polkowski tại ICRC kể lại một trường hợp có dấu hiệu mắc COVID-19 tại Naples, Italy đã giận dữ vì phải đợi chờ và tấn công bác sĩ cùng y tá. Hậu quả là cả khoa phải đóng cửa trong khi nhân viên y tế được chuyển đi cách ly.
Nhiều khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Ấn Độ và Pakistan đã bị cướp phá trong khi nhân viên y tế bị hành hung. Ở Mexico, một số nhân viên y tế còn bị ném chất tẩy vào người khi đi trên đường. Nhiều nhân viên y tế ở Anh bị lăng mạ khi họ đề nghị bệnh nhân đeo khẩu trang…
Ông Maciej Polkowski bổ sung rằng nhiều người nhà bệnh nhân đã có hành vi bạo lực do không thể thực hiện nghi thức tang lễ cho người thân qua đời vì COVID-19 trước các quy định phòng dịch. Điều này khiến họ ức chế và tấn công nhân viên y tế.
Trước thực trạng này, chính phủ nhiều quốc gia đã quyết định hành động. Ấn Độ đã sửa luật dịch bệnh khẩn cấp để những cá nhân tấn công nhân viên y tế có thể đối mặt với mức án lên tới 7 năm trong tù.
Nhà chức trách Sudan trong khi đó tuyên bố thành lập một lực lượng cảnh sát bảo vệ nhân viên y tế trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Ở Algeria, luật hình sự được sửa đổi để tăng cường bảo vệ đối với các nhân viên y tế đồng thời phạt những cá nhân gây tổn thất cho các cơ sở y tế.
Tại Anh, dự luật tòa án, cảnh sát, tội phạm và xét xử đề xuất tăng hình phạt từ tối đa 12 tháng lên 2 năm tù đối với những người tấn công nhân viên cấp cứu.
Bác sĩ Mofokeng còn đề nghị bổ sung các vụ việc liên quan đến COVID-19 vào nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 2016 đặt nghĩa vụ đối với các quốc gia trong ngăn chặn và xử lý các vụ tấn công nhằm vào nhân viên y tế tại khu vực có xung đột.