Chính phủ phải giải trình rõ về nguồn vốn cho sân bay Long Thành

Chiều nay 8-6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Một trong những thiết kế sân bay Long Thành được đánh giá cao

Một trong những thiết kế sân bay Long Thành được đánh giá cao

Theo ghi nhận chung, nhiều ĐBQH bày tỏ đồng tình công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư cần đi trước một bước để đảm bảo sớm có mặt bằng sạch đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cảng. Tuy nhiên, hầu hết ĐB đều băn khoăn không biết lấy tiền đâu ra để phục vụ cho việc tái định cư.

ĐBQH Vũ Trọng Kim (nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)

5.000 tỷ đồng chúng ta bố trí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho việc giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành là từ ước lượng ban đầu. Bây giờ Chính phủ có những tính toán cụ thể nên 5.000 tỷ đồng không giải quyết được vấn đề gì. Phải cần tới con số ít nhất như đã tính toán lại là 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 1 lần. Nếu chúng ta giải phóng nhiều lần, nhiều chính sách thì sẽ gây tâm lý chờ đợi chính sách sau có thể hay hơn chính sách trước của người dân.

Vấn đề là tiền đâu? Sẽ phải tính toán nhiều cách huy động nhưng trái phiếu Chính phủ, vốn vay để giải quyết trong giai đoạn này là những phương án có thể làm. Đã nói tới sân bay là phải nói tới mặt bằng, mà mặt bằng thì không thể nham nhở từng giai đoạn. Tiêu chí kỹ thuật phải liên hoàn, đồng bộ. Vì thế, nhất định phải giải phóng mặt bằng một lần và phải chủ động nguồn vốn. Chính phủ sẽ phải tìm nguồn, phải đề xuất rõ ra Quốc hội chứ không phải đẩy ra Quốc hội tìm nguồn.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương

Về nguồn vốn cho dự án sân bay Long Thành từ Quốc hội khóa 13 Chính phủ đã trình ra Quốc hội rất rõ ràng. Nguồn vốn lớn nhất là từ xã hội hóa, tiếp đến là vốn ODA, còn lại là ngân sách nhà nước với tỷ lệ thấp nhất. Vì thuyết trình như thế nên Quốc hội khóa 13 mới chấp thuận làm sân bay Long Thành vì đó là đầu tư sinh lời để tạo động lực phát triển cho cả vùng Nam bộ rộng lớn, trong đó có đầu tàu TPHCM. Đến Quốc hội khóa 14, các ĐB tiếp tục băn khoăn về nguồn vốn cho dự án này là điều hợp lý, vì thế Chính phủ cần phải tiếp tục giải trình cho ĐBQH rõ.

Riêng về vốn giải phóng mặt bằng, về nguyên tắc thì phải do Nhà nước bỏ ra. Chính phủ nếu giải phóng một lần với 23.000 tỷ đồng thì rất khó khá thi vì ngân sách Nhà nước hiện nay quá chật hẹp. Vì vậy, phải cân đối từ nguồn ngân sách, từ thực tế cũng như bảo đảm hiệu quả sử dụng cao nhất để làm. Theo tôi sử dụng đến đâu thì giải phóng mặt bằng đến đó, không nên giải phóng một lần vì chúng ta không đủ kinh phí, mặt khác nếu thu hồi rồi để đó mà không sử dụng ngay thì lãng phí, kể cả dân có thể lấn chiếm trở lại. Trong tình hình hiện này, tôi nghĩ là không thể có kinh phí để giải phóng mặt bằng một lần. Ai cũng muốn nhưng không thể. Nói thì dễ nhưng làm thì khó.

Nhưng nếu thu hồi nhiều lần thì có khó khăn là dễ dẫn đến khiếu kiện của dân vì những chêch lệch giá bồi thường trước sau. Vì thế quan trọng là cách làm, nếu chúng ta làm chặt chẽ, khách quan thì dân sẽ không thắc mắc. Chẳng hạn khi đã nhận đền bù thì người dân phải cam kết không khiếu kiện.

ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn,Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Long An:

Chính phủ trình Quốc hội tách việc giải phóng mặt bằng là dự án thành phần trong dự án sân bay quốc tế Long Thành là hợp lý. Nhưng theo báo cáo sơ bộ của UBND tỉnh Đồng Nai, cần khoảng 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án này. Trong khi Nghị quyết của Quốc hội chỉ phê chuẩn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho việc này là 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, Chính phủ phải có phương án, lộ trình huy động vốn cụ thể trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 4 để xem xét tính khả thi rồi triển khai mới đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng từ nay đến 2019.

Tôi ủng hộ chủ trương của Chính phủ đề xuất thu hồi đất đất một lần để hạn chế phát sinh kinh phí, tránh khiếu kiện của người dân. Nếu chúng ta thu hồi mặt bằng từng phần thì mỗi năm giá đất một khác. Nếu quyết tâm thu hồi 1 lần với 5.000 ha thì ngoài việc bảo đảm nguồn vốn, Chính phủ phải có giải pháp hạn chế tái lấn chiếm của người dân và chống để đất hoang hóa.

Bộ Giao thông Vận tải gửi báo cáo giải trình

Theo Bộ GTVT, thảo luận tại tổ, đại biểu đề nghị làm rõ lý do việc tăng kinh phí giải phóng mặt bằng từ 18 ngàn tỷ lên 23 ngàn tỷ đồng.

Báo cáo giải trình cho biết, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có thông báo thu hồi đất nên kinh phí mới ở mức khái toán. Kinh phí tăng là do biến động giá đất từ 2015 - 2017 tăng 1.843 tỷ đồng; áp dụng theo khung chính sách và một số cơ chế đặc thù trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng 2.032 tỷ đồng… Phản hồi băn khoăn về việc kinh phí giải phóng mặt bằng có tiếp tục phát sinh nữa hay không , Bộ Giao thông Vận tải khẳng định tổng mức khái toán trên 23 ngàn tỷ đồng là cơ bản phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và đã có dự phòng cho các phát sinh.

Về yêu cầu làm rõ phương án huy động và sử dụng nguồn vốn còn thiếu như thế nào (vì vốn trung hạn mới bố trí 5.000 tỷ đồng), Bộ khẳng định, vốn giải phóng mặt bằng chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước. Một phần vốn này có thể hoàn trả dần cho ngân sách nhà nước từ việc cho thuê quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ với ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng. Thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư và khai thác kinh doanh quỹ đất tái định cư ước tính khoảng 4.000 tỷ.

"Đặc biệt, sau khi phương án giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng cụ thể, sẽ xác định được tổng kinh phí chính thức làm căn cứ để Thủ tướng tiếp tục báo cáo Quốc hội việc xem xét, cân đối, bổ sung và bố trí vốn cho dự án", báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ. Nói cách khác, nếu được Quốc hội đồng ý, Chính phủ sẽ đề nghị bổ sung vốn cho dự án này.

PHAN THẢO - ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/chinh-phu-phai-giai-trinh-ro-ve-nguon-von-cho-san-bay-long-thanh-449099.html