Chính phủ Pháp công bố chi tiết cải cách hưu trí, đình công vẫn tiếp tục
Các công đoàn tại Pháp vẫn tiếp tục ra lời kêu gọi người lao động đình công và biểu tình sau khi Thủ tướng công bố chi tiết dự thảo cải cách hưu trí.
Chi tiết dự luật cải cách hưu trí gây nhiều tranh cãi trong xã hội Pháp chính thức được Thủ tướng Pháp Édouard Philippe công bố trong ngày 11/12, sau 6 ngày giao thông tại nhiều thành phố lớn tại Pháp bị tê liệt vì các hoạt động đình công và biểu tình.
Nhằm xoa dịu sự phản đối của các tổ chức công đoàn, dự thảo cải cách hưu trí được chính phủ Pháp công bố đã có nhiều nhân nhượng. Cụ thể, cải cách hưu trí mới sẽ chỉ áp dụng với những người sinh sau năm 1975 thay vì tính từ những người sinh từ năm 1963 như trước. Ngoài ra, chính phủ Pháp cũng sẽ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu hợp lệ như hiện nay là 62 chứ chưa kéo dài đến 64 tuổi, nhưng chính phủ Pháp sẽ đưa ra các biện pháp để khuyến khích người dân Pháp làm việc lâu hơn.
Một chủ đề khác vốn bị giới công đoàn chỉ trích rất nhiều là việc xóa bỏ các chế độ hưu trí đặc biệt, như công nhân trong ngành đường sắt, ngành khai thác mỏ, cũng được chính phủ Pháp cam kết thực hiện từng bước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Édouard Philippe khẳng định, chính phủ Pháp sẽ theo đuổi đến cùng việc xây dựng một hệ thống hưu trí phổ quát cho tất cả mọi lao động để có thể áp dụng từng bước từ năm 2025 và hoàn thiện vào năm 2037.
“Việc áp dụng một hệ thống hưu trí phổ quát đồng nghĩa với việc xóa bỏ 42 chế độ hưu trí khác, trong đó có cả chế độ đặc biệt cho một số ngành nghề lao động. Tôi biết rất nhiều lao động làm việc trong ngành đường sắt quốc gia cũng như trong các công ty vận tải phản đối mục tiêu này. Nhưng đây là trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống mà đã được người dân Pháp lựa chọn trong cuộc bầu cử tháng 5/2017, cũng như là trọng tâm trong các cam kết của các nghị sĩ trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 6/2017”, Thủ tướng Édouard Philippe nói.
Ngay sau khi Thủ tướng Pháp công bố chi tiết kế hoạch cải cách hưu trí mới, giới công đoàn tiếp tục đưa ra chỉ trích gay gắt. Lãnh đạo nhiều công đoàn lớn như CGT, FO, FSU hay CFDT cho rằng các biện pháp mà chính phủ Pháp đưa ra là bất công, mập mờ và khiến tất cả các lao động phải chịu thiệt thòi.
Ngay trong tối 11/12, một lời kêu gọi tổng đình công mới trên toàn quốc vào ngày 17/12 tiếp tục được đưa ra và lần đầu tiên sau 10 năm, nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi công đoàn tại Pháp.
Diễn biến này có thể khiến cho cuộc sống của người dân Pháp tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những ngày tới. Từ 1 tuần qua, giao thông công cộng tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt tại thủ đô Paris bị đình trệ nghiêm trọng khi có đến gần 90% số chuyến tàu và xe bus ngừng hoạt động./.