Chính phủ Pháp họp khẩn cấp, bàn biện pháp chống dịch Covid-19
Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở Pháp, với số ca nhiễm mới vẫn ở mức rất cao, còn các bệnh viện tiếp nhận thêm 1.307 bệnh nhân vào ngày 26-10, mức cao nhất trong một ngày, kể từ đầu tháng 4. Trước tình hình như vậy, hôm nay, Chính phủ Pháp phải họp khẩn cấp để xem xét biện pháp ứng phó.
Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở Pháp, với số ca nhiễm mới vẫn ở mức rất cao, còn các bệnh viện tiếp nhận thêm 1.307 bệnh nhân vào ngày 26-10, mức cao nhất trong một ngày, kể từ đầu tháng 4. Trước tình hình như vậy, hôm nay, Chính phủ Pháp phải họp khẩn cấp để xem xét biện pháp ứng phó.
Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, các bệnh viện đang điều trị 18 nghìn bệnh nhân do Covid-19, trong đó có 2.770 ca bệnh nặng, tăng hơn 700 trường hợp chỉ sau một tuần. Ngày 26-10, Pháp ghi nhận số người nhập viện cao nhất kể từ ngày 2-4. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng vọt từ 4,5% trong những ngày đầu tháng 9 lên 17,8%.
Sự lây lan của dịch bệnh tiếp tục tăng tốc dù Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh giới nghiêm từ ngày 17-10, có khả năng dẫn tới nguy cơ quá tải nghiêm trọng trong những ngày tới nếu không có biện pháp ứng phó hiệu quả. Vì vậy, tối 26-10, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trì hai cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng trong ngày 27 và 28-10. Thủ tướng Jean Castex cũng gặp đại diện các đảng phái, nhóm nghị sĩ và công đoàn để tham vấn về biện pháp ứng phó làn sóng thứ hai của dịch bệnh.
Quyết định triệu tập các cuộc họp khẩn cấp của được đưa ra sau khi có kiến nghị của các nhà khoa học và chuyên gia của Pháp. Theo đó, chính phủ cần tăng cường biện pháp nghiêm ngặt hơn mới có thể ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh và tránh nguy cơ quá tải của các bệnh viện như hồi đầu năm. Và diễn biến phức tạp hiện nay cho thấy làn sóng thứ hai có thể nghiêm trọng hơn đợt đầu năm.
Số người nhiễm bệnh ở Pháp đã vượt quá mốc một triệu, đứng thứ 5 thể giới và cao nhất ở khu vực EU. Ngày 26-10, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của chính phủ, ông Jean-François Delfraissy nhận định rằng tình hình ở Pháp đã ở mức "rất nghiêm trọng".
Theo ông Jean-François Delfraissy, làn sóng thứ 2 của dịch bệnh đã được dự báo nhưng ập đến quá nhanh và khó kiểm soát chỉ trong vòng hai tuần qua. Số người nhiễm có thể cao hơn nhiều so số kỷ lục 52.010 vào ngày 25-10. Còn Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Pitíe-Salpêtrìere ở Paris cho rằng, không có lựa chọn nào hiệu quả hơn là tái phong tỏa.
Sức ép đối với các bệnh viện ở các vùng "báo động đỏ" ngày càng gia tăng. Tại vùng thủ đô Ile-de-France, các bệnh viện đã triển khai kế hoạch ứng phó làn sóng bệnh nhân, tạm hoãn kế hoạch mổ cho bệnh nhân không mắc Covid-19. Khu hồi sức cấp cứu tại một số bệnh viện trong vùng đã gần như hết chỗ. Còn vùng Grand Est ở phía đông, nơi hứng chịu nặng nề trong đợt dịch trước và một số khu vực khác đã kích hoạt "kế hoạch trắng" để huy động nhân lực và ưu tiên chữa trị bệnh nhân Covid-19.
Hiện, có ba khả năng đang được Chính phủ Pháp xem xét. Thứ nhất, tái phong tỏa toàn quốc, tuy nhiên khó xảy ra vì sẽ tác động vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và tâm lý của người dân. Tiếp đó, phong tỏa cục bộ, ở những nơi dịch bệnh lây lan mạnh và bùng phát trong thời gian gần đây. Biện pháp này vẫn có hạn chế vì dịch bệnh hiện đã lây lan khắp nơi. Cuối cùng là tăng thời gian giới nghiêm và thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt vào hai ngày cuối tuần.
Theo thống kê dịch tễ tại Pháp, các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng hay nhà riêng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự lây lan rất nhanh trong thời gian qua. Kênh truyền hình BFM dẫn lời Giáo sư Gilles Pialoux, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Tenon (Paris) cho rằng, việc truy tìm các trường hợp tiếp xúc ca nhiễm không thể thực hiện được trong mấy tháng qua, có thể từ tháng 8. Đợt dịch thứ 2 ở Pháp có thể nghiêm trọng hơn đợt trước.