Chính phủ Pháp sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Thủ tướng Michel Barnier trở thành thủ tướng Pháp đầu tiên bị lật đổ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.

Ngày 4-12, các nghị sĩ Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Pháp Michel Barnier phải từ chức và chính phủ của ông sụp đổ.

Tổng cộng có 331 nghị sĩ, chủ yếu là từ liên minh các đảng cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN), bỏ phiếu ủng hộ. Như vậy với 331 phiếu thuận vượt qua đa số cần thiết là 288 phiếu, ông Barnier trở thành thủ tướng Pháp đầu tiên bị lật đổ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.

Ông cũng là thủ tướng Pháp có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử, chỉ vài tháng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Barnier lãnh đạo một chính phủ thiểu số từ tháng 9 sau một cuộc bầu cử sớm.

Theo Hiến pháp Pháp, ông Barnier hiện cần phải nộp đơn từ chức cho Tổng thống Macron. Đơn từ chức sẽ được tự động coi là đã được chấp thuận, theo Tân Hoa Xã.

Trước mắt, nội các của ông Barnier sẽ phục vụ với tư cách chính phủ lâm thời cho đến khi Tổng thống Macron bổ nhiệm lãnh đạo mới.

Ông Michel Barnier (phải, hàng đầu) khi mới được bổ nhiệm, tham dự lễ bàn giao tại Khách sạn Matignon ở Paris, Pháp, vào ngày 5-9. Ảnh: Henri Szwarc/Tân Hoa Xã

Ông Michel Barnier (phải, hàng đầu) khi mới được bổ nhiệm, tham dự lễ bàn giao tại Khách sạn Matignon ở Paris, Pháp, vào ngày 5-9. Ảnh: Henri Szwarc/Tân Hoa Xã

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra sau khi ông Barnier qua mặt quốc hội để thúc đẩy thông qua dự luật tài trợ an sinh xã hội. Khi đó, các đảng đối lập cảnh báo sẽ tìm cách lật đổ chính phủ của ông Barnier.

Phát biểu với các nhà lập pháp Pháp trước cuộc bỏ phiếu, ông Barnier đã bảo vệ quyết định của mình nhằm thúc đẩy thông qua ngân sách an sinh xã hội năm 2025.

Ông Barnier nói với các nhà lập pháp rằng ông "không sợ hãi" nhưng cảnh báo việc loại bỏ ông sẽ khiến "mọi thứ trở nên khó khăn hơn". Ông Barnier cáo buộc phe cực hữu "đe dọa chính trị".

Cho rằng Pháp đang rơi vào tình trạng thâm hụt khổng lồ, ông Barnier khẳng định: "Thực tế này vẫn còn đó, nó sẽ không biến mất chỉ bằng phép màu của một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Thực tế này sẽ nhắc nhở bất kỳ chính phủ nào, bất kể đó là chính phủ nào".

Ngay sau khi có thông báo về kết quả của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, cựu lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen cho biết bà không coi cuộc bỏ phiếu này là một "chiến thắng".

Bà Marine Le Penói với truyền hình Pháp TF1: "Lựa chọn mà chúng tôi đã đưa ra là để bảo vệ người Pháp". Bà khẳng định rằng "không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp này".

Sau vụ bỏ phiếu bất tín nhiệm, Pháp đang đứng trước nguy cơ kết thúc năm mà không có một chính phủ ổn định hay ngân sách cho năm 2025.

Kênh tin tức Pháp BFMTV đưa tin Tổng thống Pháp sẽ đề cử một thủ tướng mới "trong vòng 24 giờ tới". Tổng thống Macron dự kiến có bài phát biểu trước toàn dân vào cuối ngày 5-12 về diễn biến mới trên chính trường.

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-phu-phap-sup-do-sau-cuoc-bo-phieu-bat-tin-nhiem-196241205064528324.htm