Chính phủ ra nghị định phạt nặng hành vi khai thác cát lậu
Theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành, hành vi khai thác cát, sỏi trên sông, hồ gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ có thể bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng và phạt tới 200 triệu đồng nếu không có giấy phép khai thác, phạt 300-500 triệu đồng nếu khai thác quá độ sâu được phép.
Nghị định nêu rõ, khi khai thác cát ở lòng sông có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 50% đến dưới 100% hoặc vượt từ 0,5ha đến dưới 1ha và vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 2m đến dưới 5m thì bị phạt từ 100 - 300 triệu đồng; phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100% trở lên hoặc vượt từ 1ha trở lên và vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 5m trở lên.
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng khi khai thác vượt dưới 15% so với công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt dưới 5.000 tấn.
“Nếu khai thác vượt quá công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 15% đến dưới 25% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 5.000 tấn đến dưới 10.000 tấn thì bị phạt 10 - 20 triệu đồng”, Nghị định nêu rõ.
Theo đó, phạt từ 20 - 30 triệu đồng khi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 25% đến dưới 50% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 5.000 tấn đến dưới 10.000 tấn. Khi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 50% đến dưới 100% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 10.000 tấn đến dưới 20.000 tấn thì bị phạt 30 - 50 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh; thu hồi cát, sỏi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng không đăng ký khối lượng nạo vét, khối lượng cát có thể thu hồi với UBND cấp tỉnh nơi có hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch.
Đối với hành vi khai thác cát để làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với khối lượng khai thác từ 50m3 trở lên mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng.
Đối với hành vi khai thác khi giấy phép khai thác đã hết hạn hoặc khai thác trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác bị phạt từ 50-70 triệu đồng.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tại buổi làm việc của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với lãnh đạo TP.Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch TP.Hà Nội cho biết, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong khai thác cát, sỏi trái phép trên sông rất khó khăn do tàu thuyền di chuyển từ tỉnh, thành phố này sang địa bàn khác khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Bên cạnh đó, việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính (tàu hút cát) gặp nhiều khó khăn do nơi để phương tiện quá xa nơi kiểm tra, xử lý; việc tịch thu phương tiện một số vụ khó thực hiện do các phương tiện này là nơi cư trú của gia đình đối tượng. Đồng thời, chưa có thông tư hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nên khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, rất khó để xử lý trách nhiệm hình sự “cát tặc”. Năm 2016, Công an TP.Hà Nội bắt giữ hơn 200 vụ nhưng chỉ truy tố được 1 vụ, do chưa có quy định rõ ràng về hậu quả. Hơn nữa, phương tiện của công an rất nghèo nàn, việc khai thác cát trái phép lại diễn ra ở ranh giới các tỉnh, thành phố nên rất khó xử lý rành mạch.
Nói tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, dù khai thác ban ngày hay ban đêm, cát vẫn phải tập trung đưa lên bờ. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là quản lý chặt chẽ các bến tập kết và việc kinh doanh cát trên bờ. Thời gian tới, lãnh đạo TP.Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt theo đúng các kế hoạch và giải pháp đã đề ra.
“Tại một số nơi, người dân đã phải tự thành lập tổ tự quản để gác, chống lại hiện tượng khai thác cát trái phép. Để nhân dân tự tổ chức đội tự vệ như vậy là một điều thiếu sót. MTTQ Việt Nam phải vào cuộc cùng dân chiến đấu với nạn "cát tặc", bởi Mặt trận là những người gần dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân và không thể để người dân đơn độc, tự tổ chức chống lại hiện tượng cát tặc”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.