Chính phủ sẽ xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, khu công nghiệp.
Sáng 15/10, nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội". Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong chương trình đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành viên Chính phủ đối thoại với đại diện phụ nữ cả nước 15 nội dung về phụ nữ với phát triển kinh tế; phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; phụ nữ và thế hệ tương lai.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hình ảnh người mẹ là biểu tượng cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam, là người nuôi dưỡng, dẫn dắt cảm xúc, hành động và là tượng đài của mỗi chúng ta. Truyền thống tốt đẹp đó luôn được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 8 chữ vàng tặng phụ nữ Việt Nam: Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang.
Thủ tướng nhắc lại cách đây một năm tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nặng nề trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. "Nhìn lại những nỗ lực năm qua, chúng ta tự hào về những kết quả tích cực, ấn tượng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được", Thủ tướng chia sẻ, cảm ơn những nhọc nhằn, lo toan và đóng góp của chị em phụ nữ thời gian qua.
Sau hội nghị đối thoại, Thủ tướng cho rằng các ý kiến thảo luận rất sâu sát, tâm huyết, trách nhiệm, thiết thực, có tính xây dựng cao tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn mang tính đặc thù liên quan đến phụ nữ.
Về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, Thủ tướng chỉ rõ khi nói đến phụ nữ, người ta hay gọi là “phái yếu” bởi sự tinh tế, dịu dàng, nhẹ nhàng và hiền hậu... "Nhưng ẩn sâu trong sự yếu đuối đó, tôi muốn nhấn mạnh sức mạnh mềm, sức mạnh của sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu và vượt qua khó khăn của phụ nữ", Thủ tướng nói.
Hiện số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt trên 26%, nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo cao. Những mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ngày càng được nhân rộng ở các địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Việt Nam đã đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, trong đó có đóng góp quan trọng của phụ nữ.
Thủ tướng khẳng định an sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ.
Các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ phụ nữ thời gian qua góp phần tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ; tạo môi trường để phụ nữ khẳng định mình; công tác phụ nữ và bình đẳng giới có chuyển biến tích cực; phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2031; đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, nhất là Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực thực hiện chiến lược và đề án này. Đồng thời, Hội liên hiệp Phụ nữ cũng đã tăng cường phối hợp, tham gia tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng khẳng định phụ nữ là một thành tố quan trọng để thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Trong phạm vi cả nước, mỗi phụ nữ là hạt nhân thực hiện an sinh xã hội từ sự lan tỏa lòng tốt, yêu thương, giúp đỡ những người cơ nhỡ, tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo...
Đối với vấn đề liên quan đến môi trường sống và an toàn cho trẻ em, Thủ tướng cho rằng đây là nội dung được Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rất quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ trái đất. Bên cạnh đó, hội cũng thực hiện nhiều chương trình thiết thực để tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Trong mỗi gia đình, phụ nữ là nhân tố quan trọng để hướng dẫn cho trẻ em những kỹ năng sinh tồn như bơi lội, phòng chống cháy nổ, tham gia giao thông, học tập, giải trí trên môi trường mạng an toàn, tránh bạo lực gia đình, học đường...
Thủ tướng cũng chỉ rõ tuy vậy còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Định kiến giới và những rào cản về văn hóa, chính sách vẫn ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ. Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới ở một số nơi còn hạn chế.
Theo Thủ tướng, nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất; nhiều chị em làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức còn đối mặt với nhiều rủi ro, thiếu an toàn, khó khăn về nhà ở; nhiều trẻ em thiếu cơ sở trường học, nhà trẻ; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Đặc biệt, môi trường an toàn cho trẻ em chưa thực sự được bảo đảm, nhất là liên quan tới kỹ năng sinh tồn, chống đuối nước, cháy nổ, tai nạn giao thông, bạo lực học đường... Bên cạnh đó, vẫn còn những câu chuyện đau lòng khi bé gái bị xâm hại hoặc phụ nữ bị bạo lực gia đình.
Trên cơ sở phân tích trên, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; cần tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.
Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ.
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học...
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp để đảm bảo chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; cơ chế đặc thù cho cán bộ ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng chính sách mở rộng kết nối giữa hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ. Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó, có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam; phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông; ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố nghiên cứu, báo cáo chủ trương về máy tính cho cán bộ hội cấp cơ sở, đảm bảo phương tiện, điều kiện làm việc trong bối cảnh thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình giáo dục làm cha mẹ; rà soát, đảm bảo đủ chỗ học an toàn cho trẻ mầm non; chú trọng đưa vào chương trình dạy các kỹ năng sinh tồn và tạo môi trường an toàn cho trẻ em. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận khoa học, ứng dụng công nghệ và kỹ năng số, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho các cấp hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp hội trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các chỉ thị của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Vận động phụ nữ tham gia tích cực, thành công phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” và các phong trào, chương trình liên quan.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với phụ nữ; đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với phụ nữ để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.
Phạm Tiếp/TTXVN