Chính phủ tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chính phủ vừa có Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ vừa có Nghị quyết số 82/NQ-CP ban hành về Chương trình hành động của Chính phủ.
Chương trình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, liên tục và lâu dài từ trung ương tới địa phương và trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Chương trình hành động cũng hướng tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt; Tiếp tục kiến tạo môi trường tiêu dùng an toàn, bền vững, củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào Đảng, Nhà nước và xã hội, góp phần tạo nền tảng cho một xã hội tiêu dùng hạnh phúc và thịnh vượng.
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: (1) Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; (2) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, xác định rõ vai trò, đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông; (4) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; (5) Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (6) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.
Không để lưu thông hàng hóa không bảo đảm chất lượng
Để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng, Chính phủ yêu cầu và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát, hạn chế không để lưu thông trên thị trường hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và thanh tra các sở, ngành tại địa phương trong việc thanh kiểm tra, giám sát các lĩnh vực, địa điểm kinh doanh có nhiều hoạt động kinh doanh, tiêu dùng; xác định, triệt phá các đường dây, tổ chức cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; tăng cường đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh các vụ án hình sự liên quan đến các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xây dựng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ chế để đẩy mạnh việc thành lập và hoạt động của các tổ chức kiểm định, nhất là các tổ chức tư, thực hiện hoạt động phân tích, kiểm định, đánh giá về chất lượng hàng hóa, dịch vụ; tăng cường việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm soát chặt chẽ các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhất là các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hàng năm, ban hành chương trình, kế hoạch tổng thể về thanh tra, kiểm gia, giám sát và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; tăng cường kiểm soát, hạn chế không để lưu thông trên thị trường những hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không an toàn, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; xây dựng cơ chế khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương tích cực phản ánh, thông tin kịp thời đến cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện những hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng đang lưu thông trên thị trường…