Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc bàn giải pháp cấp bách cho phát triển
Chiều 27-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức hội nghị trực tuyến '4 trong 1' giữa Chính phủ với các địa phương.
Hội nghị “4 trong 1” sẽ tập trung bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 4 nội dung: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn cầu. Trong thời gian qua, chúng ta đã chủ động, quyết liệt phòng chống dịch. “Chúng ta đang cố gắng giảm hết mức số người nhiễm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và điều đáng mừng là đến nay chưa có trường hợp tử vong, nhiều người bình phục, xuất viện”, Thủ tướng đánh giá. Chính phủ nêu rõ tinh thần “quyết chiến”, làm mọi biện pháp có thể để ngăn dịch Covid-19. Trong thời gian tới, trước mắt là trong nửa tháng tới và có thể kéo dài thêm, chúng ta phải tập trung mọi sức lực, mọi biện pháp để chống dịch, coi đó là nhiệm vụ số 1 ở nước ta hiện nay.
Thủ tướng vừa dự hội nghị trực tuyến các nước G20, ở đó nguyên thủ các nước đều nhấn mạnh phải vực dậy nền kinh tế sau khó khăn. Hiện các nước G20, các nước châu Á, Đông Nam Á đã có gói kích thích kinh tế. Trong nước, những tháng đầu năm, chúng ta gặp khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở các tỉnh miền Nam, dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm… Đặc biệt, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống xã hội. Với độ mở nền kinh tế lớn, nước ta cũng bị tác động mạnh do dịch. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều rất khó khăn. Cùng với đó, giá dầu thế giới đang giảm, chỉ còn 21 USD/thùng, trong khi dự toán ngân sách Nhà nước năm nay là 60 USD/thùng.
Trước tình hình đó, Thường trực Chính phủ đều có suy nghĩ phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ. Cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn 4 nội dung lớn. Thứ nhất, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch. Đây là lĩnh vực đình đốn lớn nhất, gần như các tập đoàn, tổng công ty, cả tư nhân và nhà nước đều ngừng trệ. Có những doanh nghiệp chỉ có doanh thu 3%-5% so với cùng kỳ quý 1 năm trước. Năm 2020, Việt Nam dự kiến đón khoảng 20 triệu du khách nhưng do dịch, lượng lớn du khách không thể đến Việt Nam trong thời gian qua. Chúng ta phải tìm thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài, phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng, nhất là trong quý 1 năm nay tăng trưởng chỉ khoảng 3,82%, mức thấp nhất cùng kỳ trong 15 năm qua. Thứ hai là về giải ngân vốn đầu tư công. Có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay nhưng 3 tháng đầu năm, số vốn giải ngân thấp. Do đó, cần có chế tài mạnh để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng cho rằng, vai trò của bộ trưởng thế nào, vai trò của chủ tịch UBND các địa phương, các cơ quan, chủ đầu tư phải làm rõ, phải kỷ luật thế nào, điều chuyển vốn ra sao.
Thứ ba là giải quyết vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở nước ta. “Chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách. Biện pháp nào mạnh mẽ hơn, gói hỗ trợ nào để giải quyết vấn đề này”, Thủ tướng nêu vấn đề. Bên cạnh đó, phải ổn định vĩ mô, chống đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo cũng như các vật tư, nhu yếu phẩm khác. Thứ tư là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới những nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Bộ Công an cần có giải pháp không để tình trạng lộn xộn xảy ra.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới, để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch. Không để tình hình quá xấu, rơi vào thế bị động. Ngay sau khi dịch kết thúc, cần phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn có liên quan đã phục hồi mà Việt Nam không chuẩn bị tâm thế thì dễ thất bại.
Hội nghị dự kiến diễn ra ngày 31-3.
Chiều 27-3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia Chay Navuth. Thủ tướng cho biết, đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen về việc ứng phó với Covid-19; Chính phủ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Campuchia một số trang thiết bị y tế tương đương 100.000USD.
Bộ Y tế Việt Nam sẽ hỗ trợ Campuchia một số bộ kít tương đương 5 tỷ đồng để xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Kết quả lớn nhất trong năm qua là Chính phủ hai nước đã ký được văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả về phân giới cắm mốc trên bộ, đồng thời đề nghị phía Campuchia siết chặt kiểm soát biên giới để phòng chống dịch nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa qua biên giới...