Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp thứ 8

Chiều nay 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với tỷ lệ 463/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,07% tổng số đại biểu).

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua nghị quyết

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua nghị quyết

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được trình tại Kỳ họp thứ 8

Theo đó, Quốc hội bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn các dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (tên gọi chính thức của Luật sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định khi xem xét, thông qua dự án Luật);

Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng (báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).

Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024) các dự án: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Điện lực (sửa đổi). (Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp)

Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Cũng trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án: Pháp lệnh Chi phí tố tụng (điều chỉnh về chi phí tố tụng hình sự, chi phí tố tụng dân sự, chi phí tố tụng hành chính và chi phí tố tụng cho Hội thẩm); Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (điều chỉnh công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tính chất là công trình đặc biệt quan trọng về an ninh quốc gia, đồng thời là di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng trong Cụm di tích Lịch sử - Văn hóa Ba Đình).

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 12 luật, 01 nghị quyết. Trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất với đánh giá trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan với tinh thần lập pháp chủ động đã phối hợp chặt chẽ, đề cao trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoàn thành chương trình lập pháp đề ra, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế.

Các vị đại biểu Quốc hội cũng phân tích, làm rõ thêm những bất cập, hạn chế cần được quan tâm khắc phục như: kỷ cương lập pháp chưa nghiêm; vẫn còn hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm yêu cầu; tính "gối đầu" của chương trình thấp, một số dự án trình bổ sung sát với kỳ họp gây khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong một số trường hợp chưa kịp thời; năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật có phần chưa đáp ứng yêu cầu.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục phối hợp với Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật; tiếp tục nghiên cứu đề xuất cải tiến, đổi mới quy trình để nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới" - ông Hoàng Thanh Tùng cho hay

Về tổ chức thực hiện, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị cần bảo đảm tính cân đối về số lượng các dự án được đưa vào Chương trình, tránh tình trạng trong một kỳ họp, một cơ quan phải đảm nhiệm quá nhiều dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, một trong các quan điểm, định hướng lập Chương trình đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trong Tờ trình Quốc hội là việc đưa các dự án vào Chương trình phải chú ý đến khả năng của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra để bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành văn bản.

Tuy nhiên, do yêu cầu cấp thiết của thực tiễn vẫn có trường hợp các dự án, dự thảo được Chính phủ, các cơ quan đề xuất tập trung nhiều trong một số lĩnh vực, dẫn đến một số cơ quan phải chủ trì đảm nhiệm nhiều dự án trong một kỳ họp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, đề xuất dự án, dự thảo đưa vào Chương trình cần lưu ý để hài hòa, hợp lý giữa các lĩnh vực; đồng thời, trong phân công cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh khi cần thiết để cân đối hợp lý số lượng dự án, dự thảo được giao chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý giữa các cơ quan của Quốc hội./.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-quang-cao-tai-ky-hop-thu-8-20240608163200362.htm