'Chính phủ và các bộ, ngành sẽ đồng hành cùng DNNVV trong sân chơi thương mại EVFTA'
Đây là thông điệp của Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân muốn gửi đến Chính phủ tại Hội nghị 'Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA' do Bộ Công thương phối hợp với VINASME tổ chức sáng 05/6/2020. Sự kiện do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đồng chủ trì.
Tại hội nghị quy mô lớn diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) và trực tuyến tại các điểm cầu ở 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thay mặt cộng đồng DNNVV, Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân đã có bài phát biểu quan trọng trước hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn Hà nội và địa phương lân cận.
Chủ tịch Nguyễn Văn Thân khẳng định: Đây là một hội nghị có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và 97%/800.000 doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, làm chao đảo hầu hết các nền kinh tế như hiện nay, thì việc ký kết hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu và đi vào thực thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế nước ta cũng như các nền kinh tế của Liên minh Châu Âu. Các nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan trong suốt gần 10 năm đàm phán là vô cùng to lớn và điều này khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển kinh tế của Đất nước, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, tập trung mọi nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế của nước ta đi lên, từ một đất nước chậm phát triển.
Theo người đứng đầu VINASME, nhìn từ góc độ của các DNNVV đối với các cơ hội mà EVFTA sẽ mang lại cùng với các khó khăn, thách thức mà khi thực thi Hiệp định, doanh nghiệp phải đối mặt.
Về cơ hội, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Qua đây chúng ta thấy EVFTA mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp khi cho đến thời điểm hiện nay, EU mới chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 42% dòng thuế của hàng hóa Việt Nam vào EU. Và theo nội dung cam kết của EU được thể hiện trong Hiệp định, thì sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ), với thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ sau một lộ trình ngắn (07 năm).
"VINASME nhìn nhận, đây sẽ là một điều kiện vô cùng thuận lợi, một sự đột phá mới, mở ra cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá hàng hóa xuất khẩu khi so sánh với giá của các quốc gia trong khu vực, khi họ xuất khẩu các sản phẩm của họ sang thị trường EU", ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Ngoài ra, EVFTA cũng tạo thuận lợi về thu hút thêm đầu tư từ các nước EU, tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN khi tham gia các chuỗi cung ứng, tạo lợi thế cạnh tranh trong khối ASEAN...
Chủ tịch VINASME đánh giá, cơ hội mang lại từ EVFTA là rất lớn, nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV khi tham gia Hiệp định này cũng không hề nhỏ. Muốn thực thi một cách hiệu quả, theo đúng các nội dung cam kết trong các điều khoản của Hiệp định, nhìn từ góc độ của các DN cũng như các DNNVV Việt Nam sẽ có hàng loạt những khó khăn, thách thức đặt ra khi thực thi Hiệp định.
"Như chúng ta đã biết, EVFTA sẽ là một sân chơi thương mại giữa EU và Việt Nam, nói đến sân chơi thì điều không thể tránh khỏi là sẽ có người thắng và người thua. Do vậy, sẽ có rất nhiều thay đổi đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp vì rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải thay đổi và thậm chí một số doanh nghiệp có thể sẽ không tồn tại, nếu như không thay đổi và thích ứng kịp thời khi tham gia thực thi Hiệp định", ông Nguyễn Văn Thân nói.
Theo Chủ tịch VINASME, những thách thức điển hình cho các doanh nghiệp Việt Nam khi EVFTA được thực thi gồm thách thức về rào cản kỹ thuật, sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU, thách thức trước các biện pháp phòng vệ thương mại, thách thức từ cạnh tranh nguồn lao động.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin thị trường EU cũng như các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường tiềm năng này; Các doanh nghiệp Việt Nam chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU; và đặc biệt các DNNVV thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Bước vào thực thi EVFTA, các doanh nghiệp không khỏi lúng túng, trăn trở, vì nguồn vốn rất hạn chế, trong khi các điều kiện theo quy định của EVFTA về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa... là rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn.
Với những thách thức, khó khăn trên, Chủ tịch VINASME đã đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các DNNVV tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của EVFTA:
Một là, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách; đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với các quy định của EVFTA, giúp doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực thi hiệu quả hiệp định.
Hai là, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành hữu quan triển khai tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về nội dung của hiệp định cho các doanh nghiệp, giúp họ trang bị đầy đủ kiến thức để tự tin tham gia thị trường. Chúng tôi biết Bộ Công Thương đang mở các khóa tập huấn về Hiệp định EVFTA, vì thế chúng tôi đánh giá đây là việc làm cần thiết và hết sức ý nghĩa.
Ba là, Chính phủ cần tăng cường nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi để triển khai các dự án trong khuôn khổ hiệp định EVFTA.
Bốn là, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực quản trị, điều hành.
Năm là, Chính phủ cần cắt giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án đầu tư công để doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm cơ hội thử sức và đầu tư phát triển.
Sáu là, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp.
Thứ nhất: Nên phát hành trái phiếu nhiều hơn nữa liên quan tới các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản quý như vàng bạc, đá quý.
Thứ hai: Sớm ban hành cơ chế thí điểm có giám sát (sandbox) cho các hoạt động fintech, bao gồm hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending);
Bảy là, Chính phủ cần tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Chúng ta cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Thân cho biết, những kiến nghị trên như là một trong những ý kiến đóng góp, nhằm tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan nhanh chóng đưa ra các chính sách và giải pháp tích cực, phù hợp để cộng đồng DNNVV tận dụng kịp thời các lợi thế, thực thi Hiệp định EVFTA có hiệu quả, mang đến lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó cũng tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân, cũng như tạo điều kiện cho họ đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Chủ tịch VINASME bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc rằng, "Chính phủ và các bộ, ngành cũng sẽ đồng hành cùng cộng đồng DNNVV chúng tôi trong sân chơi thương mại EVFTA, với vai trò chủ đạo, sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn, rào cản, tận dụng các cơ hội do Hiệp định mang lại, thực thi hiệu quả các quy định của EVFTA, qua đó góp phần đưa kinh tế đất nước phục hồi và phát triển".