Chính phủ yêu cầu tăng cường kiểm tra, không để tình trạng đầu cơ, găm hàng gây thiếu hụt xăng dầu
Chính phủ ban hành Nghị quyết 130/NQ-CP, trong đó chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, tránh tình trạng đầu cơ gây thiếu hụt xăng dầu.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở hoạt động không đúng quy định
Chính phủ ban hành Nghị quyết 130/NQ-CP Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022, trong đó nêu rõ thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, gia tăng khả năng suy thoái kinh tế; cạnh tranh chiến lược và xung đột quân sự tại một số khu vực tiếp tục gay gắt...
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV năm 2022 và năm 2023.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp, chương trình cụ thể để hỗ trợ thông tin, kết nối thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.
Đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ. Cùng Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn cung, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong và ngoài nước để có giải pháp điều tiết sản xuất trong nước phù hợp; phối hợp lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, biên giới để tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình xuất nhập khẩu thịt lợn, tránh phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý 7/12 doanh nghiệp, dự án kém hiệu quả
Tại Nghị quyết số 130/NQ-CP, Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với 7/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại; trước mắt hoàn thiện ngay phương án xử lý 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất theo kết luận của Ban cán sự đảng Chính phủ tại cuộc họp ngày 20/9/2022 để báo cáo Bộ Chính trị, khẩn trương đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2022 phương án xử lý dứt điểm, rõ ràng, cụ thể đối với Dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 29/8/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nghiên cứu, đầu tư các dự án lớn, có tác động lan tỏa phát triển kinh tế địa phương và cả nước. Tập trung chỉ đạo, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) của các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023), không để dịch bùng phát trở lại. Theo dõi chặt chẽ các dịch bệnh mới phát sinh để có giải pháp ứng phó hiệu quả, không để "dịch chồng dịch". Kịp thời khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh; chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu, trong đó lưu ý các địa bàn chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan liên quan nghiên cứu phương án, lộ trình tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... phù hợp trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, người dân.
Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh việc rà soát, triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2022.
Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy hoạch theo quy định, trong đó các bộ, cơ quan liên quan sớm cho ý kiến đối với các quy hoạch để các địa phương có cơ sở hoàn thiện, trình thẩm định và trình phê duyệt bảo đảm tiến độ theo đúng kế hoạch tại văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia đang gặp vướng mắc tại các địa phương.
Quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân, người lao động, doanh nghiệp; rà soát các chính sách đang thực hiện để đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền việc kéo dài hoặc điều chỉnh phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.
PV