Chính phủ yêu cầu tạo thuận lợi xuất nhập cảnh cho du khách quốc tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trong bối cảnh còn nhiều hạn chế sau hơn một năm mở cửa. Nghị quyết nhằm giúp du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Nghị quyết nêu rõ, từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế.

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như hành lang pháp lý cho đầu tư, phát triển du lịch chưa đột phá, chiến lược thị trường chưa linh hoạt, sản phẩm du lịch không đa dạng. Các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch. Hệ thống hạ tầng còn thiếu, không đồng bộ. Chính sách thị thực cũng được đánh giá chưa hợp lý, thời gian lưu trú ngắn.

Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế "còn hạn chế", thiếu nhân lực chất lượng cao. Chuyển đổi số về du lịch "chưa theo kịp yêu cầu phát triển", như việc cấp thị thực cho khách lẻ còn gặp khó khăn.

Chính phủ yêu cầu ngoài thúc đẩy thị trường nội địa, cần đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn. (Ảnh: Phạm Mạnh)

Chính phủ yêu cầu ngoài thúc đẩy thị trường nội địa, cần đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn. (Ảnh: Phạm Mạnh)

Để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch…

Chính phủ yêu cầu các bộ trong đó có Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Kế hoạch Đầu tư, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phối hợp các hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện thực hiện một loạt giải pháp khắc phục.

Cơ cấu lại ngành du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững được đặt lên hàng đầu. Ngoài thúc đẩy thị trường nội địa, cần đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao.

Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi xuất nhập cảnh, đi lại cho khách quốc tế, nghiên cứu mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa).

Về sản phẩm du lịch, Chính phủ yêu cầu tập trung vào các khu du lịch quốc gia, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch qua các hoạt động ngoại giao, sự kiện quốc tế.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu; đa dạng hóa các mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi...

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay (slot) theo hướng sử dụng linh hoạt các slot trong hoạt động khai thác quốc tế, nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; hỗ trợ các hãng hàng không trong việc trao đổi với các nhà chức trách hàng không nước ngoài về việc sử dụng slot bay quốc tế trên cơ sở có đi có lại để tạo điều kiện cho các hãng hàng không phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển du lịch...

Tháng 11/2021, Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế và mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022. Năm 2022, Việt Nam đón hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế và đạt 70% mục tiêu đề ra. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch và bằng 66% so với năm 2019.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với 2022 và bằng 86% so với trước dịch.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chinh-phu-yeu-cau-tao-thuan-loi-xuat-nhap-canh-cho-du-khach-quoc-te-156055.html