Chinh phục ca ghép gan nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam
Gần 10 giờ đồng hồ tìm mọi cách để tìm được sự tương thích về mặt giải phẫu từ lá gan được hiến với cơ thể nhỏ bé của bệnh nhi chỉ chừng chưa đầy 10 kg là cả một kỳ tích của các bác sĩ. Trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tiếp thực hiện hai ca ghép gan cho hai bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, suy gan giai đoạn cuối, trong đó có một ca bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam, chín tháng tuổi, nặng 7,5 kg.
NDĐT - Gần 10 giờ đồng hồ tìm mọi cách để tìm được sự tương thích về mặt giải phẫu từ lá gan được hiến với cơ thể nhỏ bé của bệnh nhi chỉ chừng chưa đầy 10 kg là cả một kỳ tích của các bác sĩ. Trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tiếp thực hiện hai ca ghép gan cho hai bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh, suy gan giai đoạn cuối, trong đó có một ca bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam, chín tháng tuổi, nặng 7,5 kg.
Gần 20 ngày kể từ sau khi chinh phục thêm hai ca ghép gan nhi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thêm một lần nữa tự hào khẳng định được năng lực trong phẫu thuật ghép gan nhi nhỏ tuổi, gặp nhiều phức tạp trong quá trình ghép. Bệnh nhân ghép ngày 24-2 là bé T.H.A (nữ, 20 tháng tuổi, 9,5 kg, quê quán: Phú Thọ) đã được hồi sinh đầy kỳ tích nhờ vào những nỗ lực đầy tuyệt vời của ê-kíp gây mê, phẫu thuật và hồi sức sau mổ của Bệnh viện Nhi Trung ương với sự giúp đỡ của Giáo sư Chin-su Liu cùng các cộng sự đến từ Bệnh viện Veterans General - Đài Loan (Trung Quốc). Bé được nhận gan ghép từ mẹ. Bệnh nhân ghép ngày 26-2 là bé T.G.B (nam, 9 tháng, 7,5 kg, quê quán: Quảng Ngãi), nhận gan ghép từ bố.
Nỗ lực cứu sống những bệnh nhi bé bỏng
Chín tháng tuổi, chỉ nặng 7,5 kg, bé T.G.B bị xơ gan nặng. Cơ thể nhỏ bé, da vàng bủng, gầy gò. Một bé gái khác - T.H.A, dù đã 20 tháng, nhưng cũng chỉ nặng vẻ vẹn 9,5 kg và sức khỏe vô cùng yếu ớt. Cả hai bệnh nhân đều mắc bệnh teo đường mật, gan tiết mật ra nhưng không vào đường mật mà ứ đọng và phá hủy các tế bào gan.
TS, BS cao cấp Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cả hai bệnh nhi đều khởi phát bệnh từ thời kỳ sơ sinh với triệu chứng vàng da kéo dài, lâu dần sẽ dẫn đến xơ gan và suy gan. Cơ thể nhỏ bé phải hứng chịu bệnh cảnh vô cùng nặng nề ngay từ khi lọt lòng là xơ gan nặng mất bù và các biến chứng khác như: nhiễm trùng đường mật tái diễn, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hóa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, suy chức năng gan.
Ngay từ khi chào đời, với bệnh lý này, T.G.B đã được phẫu thuật Kasai (bệnh lý teo mật bẩm sinh) tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh nối khoảng cửa rốn gan với hỗng tràng. Trong khi đó, bé T.H.A cũng đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương can thiệp bằng kỹ thuật Kasai. Tuy nhiên, tình trạng bệnh quá nặng, chức năng gan sau mổ ngày càng suy giảm.
Cuộc sống của các bé và gia đình tưởng như vô vọng. Chỉ có một cách duy nhất để các em được tiếp tục duy trì cuộc sống đó là ghép gan. Thế nhưng, với việc ghép gan nhi, các bác sĩ luôn phải đối mặt với rất nhiều phức tạp.
GS, TS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ghép gan là phẫu thuật khó, ghép gan cho trẻ em là phẫu thuật đặc biệt khó khăn do cấu trúc giải phẫu phức tạp, tình trạng bệnh nền nặng, yêu cầu trình độ cao về phẫu thuật, gây mê hồi sức và chăm sóc trước trong và sau mổ. Mặc dù có nhiều trung tâm ghép gan cho người lớn, nhưng cả nước chỉ có ba bệnh viện: Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi đã thực hiện thành công những ca ghép gan trên trẻ em,đ ê-kíp ặc biệt là các ca ghép khó như ghép gan ở trẻ em nhỏ, trẻ có cân nặng thấp, ghép gan từ người cho không phù hợp nhóm máu… Hiện tại, Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi thực hiện nhiều ca ghép gan nhi nhất.
Vượt qua những thách thức chưa từng có
TS, BS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa và Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - thay mặt ê-kíp trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, khó khăn nhất với trường hợp bệnh nhi T.H.A nằm ở bất thường giải phẫu gan của người mẹ. "Người bình thường chỉ có một tĩnh mạch gan cho phần gan được ghép, nhưng chị M.T.P.D - mẹ bệnh nhi lại có ba tĩnh mạch gan. Chúng tôi phải tạo hình ba tĩnh mạch này thành một để nối với tĩnh mạch gan của người nhận", BS Hiền nói.
Theo TS Nguyễn Ánh Dương, Phụ trách khoa Hồi sức ngoại, sau phẫu thuật, cháu bé xuất huyết khối tĩnh mạch gan. Nếu hồi sức không khéo thì có thể làm cho tắc toàn bộ hệ thống mạch máu trong gan, nguy hiểm cho khối ghép hoặc sẽ tăng chảy máu. “Rất may, các kỹ thuật cao trong phẫu thuật đã khắc phục được dòng chảy trong tĩnh mạch cửa”, BS Dương cho hay.
Với ca bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, BS Hoa cho biết, ghép gan cho bệnh nhi càng nhỏ tuổi, nguy cơ tai biến càng nhiều và biến chứng sau ghép nặng nề. Ghép gan càng nhỏ, đường mật mỏng manh và yếu nên dễ bị dập nát nếu khâu không cẩn thận, động mạch dễ tách, dễ bị vặn xoắn. Với ghép gan nhi, khó khăn trong cả vấn đề ngoại khoa và hồi sức.
Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất - T.G.B, 9 tháng tuổi được các bác sĩ hội chẩn rất nhiều lần để tiến hành ghép gan với phần gan hiến từ bố. Những khó khăn được các bác sĩ dự kiến từ trước là thách thức không nhỏ với cả ê-kíp. Bệnh nhi này có mức độ xơ gan nặng, tĩnh mạch cửa (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Trong mổ, các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bố cháu bé cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép.
Để phẫu thuật thành công cho bé, các bác sĩ phải vô cùng cẩn thận khi lấy mảnh gan ghép ra nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, không gây tổn thương đến phần gan còn lại. Đây là một thách thức về mặt phẫu thuật đã được các bác sĩ vượt qua và phẫu thuật thành công.
Một khó khăn khác là với các bệnh nhi, khẩu kính động mạch gan rất nhỏ, chỉ 2 mm. Do đó, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi phẫu thuật để nối hai đầu động mạch.
Ba ngày tiến hành hai ca ghép, Bệnh viện Nhi Trung ương huy động tới gần 40 y, bác sĩ cùng tham gia vào cuộc lấy, ghép gan từ người cho sống trong suốt 9 giờ ca ghép cho bé T.H.A và gần 10 giờ ghép cho bé T.G.B. Gần 20 ngày sau mổ, hai bé đã được hồi sinh kỳ diệu, đang được theo dõi tại khoa Gan Mật - Trung tâm Tiêu hóa, Gan Mật và Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Gan ghép từ bố, mẹ tương thích với cơ thể hai bé. Về chống thải ghép, BS Nguyễn Phạm Anh Hoa cho biết, nếu như người lớn phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời thì với trẻ con, khả năng dung nạp mảnh ghép tốt hơn người lớn. Vì thế, lượng thuốc chống thải ghép tính theo cân nặng sẽ được giảm dần. Theo các chuyên gia nước ngoài, nếu trẻ ghép sớm, chức năng khối ghép ổn định có một số trẻ có thể bỏ thuốc chống thải ghép.
TS Hoa khẳng định, hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi triển khai được nhiều ca phẫu thuật gan nhi nhất, trong đó có ca nhỏ tuổi nhất Việt Nam. “Mặc dù chúng tôi chưa bảo đảm 100% về kỹ thuật ngoại khoa, mới chỉ đạt khoảng 80%, nhưng chúng tôi đã thực hiện phẫu thuật được những ca ghép gan đặc biệt nhất. Chúng tôi đã thành công trong triển khai những ca ghép gan cấp cứu chỉ chuẩn bị trong 8-10 giờ bằng 100% nhân lực bệnh viện. Chúng tôi cũng đã thực hiện được ca ghép gan khác nhóm máu, tạo hình phức tạp ở những mạch nhỏ”, BS Hoa nói.
Từ ca ghép đầu tiên năm 2005, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép gan thành công cho 18 trường hợp, đa số là các trẻ nhỏ dưới 10 kg. Bệnh viện là một trong những cơ sở y tế thực hiện những ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực Ngoại Nhi. Hai ca ghép gan thành công trong đó có một trẻ chỉ mới 9 tháng tuổi một lần nữa đánh dấu các bước tiến bộ về kỹ thuật ghép tạng và các nỗ lực của bệnh viện trong điều trị các bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo.