Chinh phục Salar de Tara, sa mạc cao nhất thế giới

Từ San Petro de Atacama, một thành phố nhỏ nằm phía bắc thủ đô Santiago của Chile, xe chúng tôi theo đường cao tốc 27 chạy về hướng đông để đến Salar de Tara – sa mạc ở độ cao nhất trên trái đất.

Cao tốc 27 nối liền ba nước Chile, Bolivia và Argentina, cũng là con đường ngang qua những ngọn núi lửa nổi tiếng của dãy Andes.

Còn San Petro de Atacama là điểm bắt đầu cho một số tour du lịch khám phá Atacama – vùng hoang mạc rộng lớn trải dài dọc Peru và Chilê, nổi tiếng với những hồ muối, cát và nham thạch.

Licancabur – núi lửa nổi tiếng và đẹp nhất dọc đường 27 cao đến 5.920m. Ngọn núi lạnh buốt, khô rang và chịu bức xạ tia cực tím rất mạnh này được coi là ngọn núi linh thiêng của người dân vùng Atacama.

Phong cảnh kỳ ảo trên một cung đường

Các địa điểm khảo cổ – có thể là một tháp canh thời tiền sử – đã được tìm thấy trên sườn dốc và trong miệng núi lửa. Licancabur tuy nhỏ và trên đỉnh không có nhiều tuyết nhưng lại có một vóc dáng cân đối, nổi bật giữa không gian, vây quanh nó có rất nhiều núi lửa khác.

Phố mua sắm cho du khách ở San Petro de Atacama.

Phố mua sắm cho du khách ở San Petro de Atacama.

Đứng từ Moon Valley nhìn về Licancabur in dấu trên nền trời xanh thẫm quả là một hình ảnh tuyệt đẹp. Dưới chân Licancabur là một dòng sông nhỏ do tuyết tan chảy lững lờ theo chiều thoai thoải của hoang mạc.

Cả một khu vực khô cằn trở nên sinh động nhờ có dòng nước chảy qua. Những đám cỏ lẫn với rêu xanh là nơi các đàn chim, bầy vịt trời vùng Atacama tụ về đây tắm lội, tìm kiếm thức ăn – một hình ảnh thật lạ lẫm giữa hoang mạc.

Salar de Tara chỉ cách San Petro de Atacama hơn trăm cây số. Vượt qua chân núi Licancabur là đã đi được khoảng nửa đường.

Khung cảnh ấn tượng quanh núi lửa Licancabur.

Khung cảnh ấn tượng quanh núi lửa Licancabur.

San Petro de Atacama – điểm bắt đầu cho một số tour du lịch khám phá Atacama.

San Petro de Atacama – điểm bắt đầu cho một số tour du lịch khám phá Atacama.

Nằm trên độ cao 4.860m, Salar de Tara được xem là một “cao nguyên sa mạc” cao nhất ở Atacama, cũng là cao nhất thế giới. Đó là một trở ngại cho những ai không chịu đựng được độ cao vì càng lên cao, oxy càng loãng khiến nhiều người dần dần cảm thấy nhức đầu, khó thở.

Đường đến Salar de Tara. Ảnh: Lonely Planet.

Đường đến Salar de Tara. Ảnh: Lonely Planet.

Cảnh quan kỳ lạ trong rừng quốc gia Los Flamencos.

Cảnh quan kỳ lạ trong rừng quốc gia Los Flamencos.

Salar de Tara có diện tích 740km2, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Los Flamencos National Reserve của Chile. Vì môi trường chung quanh Salar de Tara được bảo vệ khá kỹ, cũng chưa bị khai thác du lịch nhiều nên ngoại trừ các vệt đường mòn do xe chạy qua và dấu vết do những người đi bộ đường dài (hiking) để lại, chúng tôi không thấy bất kỳ sinh hoạt buôn bán nào nơi đây.

Cảnh quan kỳ lạ ở sa mạc Nam Mỹ

Hình ảnh đầu tiên của Salar de Tara cho chúng tôi những ấn tượng lạ lùng, đó là những tảng đá cao sừng sững trên một vùng sa mạc hết sức rộng lớn.

Chúng không nằm gần nhau, và được tạo hóa tạc thành vô vàn hình thù, tha hồ cho du khách thả hồn theo trí tưởng tượng của mình. Lạ mắt nhất là tảng đá trông như một thạch trụ, cao đến 30m, được người địa phương gọi là tượng đá Packaramon.

Atacana – một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới.

Atacana – một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới.

Từ Packaramon, xe còn phải chạy khoảng 25km mới đến điểm xuống đi bộ vào khu vực hồ muối Salar de Tara. Thường thì nói đến sa mạc người ta hình dung ngay đến các đồi cát nóng bỏng da với ánh nắng mặt trời gay gắt ban ngày và cái lạnh cắt da ban đêm. Nhưng khu vực sa mạc Salar de Tara không có đồi cát, chỉ toàn sỏi đá, một phần được hình thành từ núi lửa.

Tôi nhặt được một viên đá obsidian (đá vỏ chai) màu đen tuyền còn nguyên vẹn để làm kỷ niệm của chuyến đi. Thuở xa xưa thổ dân sống trên hoang mạc thường đẽo gọt đá obsidian thành các loại vũ khí sắc bén như búa rìu, đầu lao để tự vệ hay đi săn bắn.

Đi bộ dọc theo dãy núi Cathedral de Tara.

Đi bộ dọc theo dãy núi Cathedral de Tara.

Để vào hồ muối Salar de Tara, du khách nếu có đủ sức khỏe được khuyên nên xuống xe và đi bộ dọc theo dãy núi Cathedral de Tara để thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên ngoạn mục. Dãy núi dài Cathedral de Tara dài gần 3km với những ngọn núi liền kề nhau, trông giống như các tháp nhọn nhà thờ, có lẽ vì thế người ta mới đặt tên như vậy (cathedral là nhà thờ, giáo đường).

Nhà thờ nhỏ giữa hoang mạc Atacama.

Nhà thờ nhỏ giữa hoang mạc Atacama.

Dãy Cathedral de Tara chạy dài vào đến tận hồ muối mà khi chúng tôi đứng lên trên một điểm cao, có thể nhìn các đoàn người li ti di chuyển dưới chân dãy núi và xa xa là hồ muối Salar de Tara. Hình ảnh tuyệt đẹp này cho thấy sự khác biệt về không gian cảnh quan giữa hồ muối Salar de Tara và các hồ muối khác của khu vực Atacama.

Những con đà mã và lạc đà vicunã cắm cúi ăn cỏ bên bờ hồ.

Những con đà mã và lạc đà vicunã cắm cúi ăn cỏ bên bờ hồ.

Tưởng chừng giữa hoang mạc khô cằn, chỉ có núi, sỏi đá và hồ muối cạn, không sinh vật nào có thể sinh sống được, thế nhưng đi lần xuống gần hồ muối chúng tôi bắt gặp các đàn llama và lạc đà vicunã đang thơ thẩn kiếm ăn.

Llama là loại lạc đà nhỏ không bướu (còn gọi là đà mã), chỉ sống trên độ cao 2.500m, còn lạc đà vicunã được coi là quốc thú của Peru, cả hai được chính quyền Chile bảo vệ nghiêm ngặt, con người không được phép săn bắt, giết hại.

Một thị trấn trên đường đến Salar de Tara.

Một thị trấn trên đường đến Salar de Tara.

Chúng tôi ăn trưa giữa đất trời sa mạc, vừa ăn vừa ngắm nhìn dãy núi bao quanh hồ muối màu nâu nhạt và nổi bật là màu đỏ của dãy Cathedral de Tara; gần hơn là hình ảnh các bầy llama và lạc đà vicunã cắm cúi ăn bên bờ hồ với màu xanh của cỏ, màu trắng của muối, màu vàng của đất, cộng với sắc màu của đàn hồng hạc chuyển động chập chờn trên mặt hồ xanh lam tạo nên một khung cảnh huyền ảo.

Đẹp nhất là lúc đàn hồng hạc tung cánh, chuyển đổi vị trí trên hồ, hình ảnh tưởng chừng như chỉ có trong những câu chuyện thần tiên…

Trần Nguyên Thắng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chinh-phuc-salar-de-tara-sa-mac-cao-nhat-the-gioi-19068.html