Chinh phục thị trường trong tỉnh

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất và chế biến nông sản và sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực “làm mới” sản phẩm, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, để khai thác và chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh.

Doanh nghiệp chủ động

Chủ động tiếp cận thị trường, đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP đang là hướng đi của các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và chế biến. Như doanh nghiệp tư nhân Nani, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), sản xuất sản phẩm “Mật ong sạch Nani”. Với quy mô 300 đàn ong được nuôi trên rừng tại các huyện miền núi thuộc 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Phước, sản lượng mật thu được từ 10 - 15 tấn/năm, nên thời gian đầu, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Đại diện DN tư nhân Nani Nguyễn Hữu Thế cho biết, dù sản phẩm được tinh chế từ mật của những đàn ong nuôi, nhưng năm 2017, “Mật ong sạch Nani” chưa được thị trường quan tâm. Nguyên nhân là, thời điểm ấy, một bộ phận lớn người tiêu dùng trong tỉnh vẫn ưa chuộng mật ong rừng tự nhiên. Tuy nhiên, với quyết tâm khai thác và chinh phục thị trường trong tỉnh, DN nỗ lực xây dựng niềm tin với người tiêu dùng qua chất lượng sản phẩm. Đó là lựa chọn vùng nuôi đàn ong an toàn, đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sơ chế và chế biến sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Năm 2020, “Mật ong sạch Nani” là sản phẩm đầu tiên của TP.Quảng Ngãi được gắn sao OCOP. Tận dụng cơ hội này, DN tích cực tham gia các sự kiện kết nối, quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng trong tỉnh qua các kênh tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đến nay, sản phẩm khẳng định vị thế vững chắc tại thị trường Quảng Ngãi, từng bước vươn ra thị trường ngoài tỉnh, với sản lượng tiêu thụ từ 1 - 1,5 tấn/tháng.

Sản phẩm "Mật ong sạch Nani" ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản phẩm "Mật ong sạch Nani" ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong khi đó, sản phẩm “Trứng gà ác Nam Trinh” của anh Đỗ Quý Nam, ở xã Đức Tân (Mộ Đức), cũng được người tiêu dùng trong tỉnh tin dùng. Anh Nam chia sẻ, tôi bắt đầu nuôi gà ác đẻ trứng từ năm 2018, với quy mô ban đầu 500 con. Nhận thấy tiềm năng tiêu thụ của mặt hàng này còn lớn, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô đàn, gắn với xây dựng thương hiệu “Trứng gà ác Nam Trinh”. Đến nay, tổng đàn gà hơn 4.000 con, cho từ 15 - 20 nghìn quả/tháng, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.

Ngoài việc bán lẻ và cung ứng cho bạn hàng tại các chợ, anh Nam tích cực tham gia các chương trình, hội chợ quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, sau khi sản phẩm được gắn sao OCOP vào cuối năm 2022 và được cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở NN&PTNT cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn,

“Trứng gà ác Nam Trinh” được siêu thị Co.opmart hợp đồng tiêu thụ, với số lượng bình quân 2.000 quả/tháng. “Sắp đến, tôi cũng sẽ tham gia chương trình kết nối cung - cầu do Sở NN&PTNT tổ chức, để tìm hiểu và tiếp cận nhu cầu, điều kiện của các nhà phân phối, cũng như thị trường. Từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất và cung ứng phù hợp”, anh Nam nói.

Ngành chuyên môn đồng hành

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 204 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao (17 sản phẩm đạt 4 sao và 187 sản phẩm đạt 3 sao) của 128 chủ thể, gồm 21 DN, 33 hợp tác xã và 74 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh.

Để hỗ trợ nông sản, sản phẩm OCOP khai thác và lan tỏa ra thị trường, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm, kết nối và gắn kết giữa các nhà sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng trong tỉnh.

Trong đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN xây dựng và thực hiện các chuỗi nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Vì vậy, đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh đã có 58 chuỗi an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được cơ quan chuyên môn cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đặng Tấn Thương cho hay, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, chi cục đã tổ chức hỗ trợ đào tạo cho các cơ sở sản xuất, DN nhỏ và vừa ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP nói riêng, nông sản nói chung.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chủ các cơ sở sản xuất những mặt hàng chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm hiện đang gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm tại các cửa hàng tiện ích hay siêu thị. Vì vậy, chi cục tham mưu Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu, dự kiến vào cuối tháng 10/2024, tạo cơ hội để các nhà sản xuất, phân phối gặp nhau, nhằm tìm hiểu và tiếp cận các điều kiện, quy định trong việc cung ứng, tiêu thụ. Qua đó, tạo thuận lợi cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, góp phần kích cầu tiêu dùng trong tỉnh.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202410/chinh-phuc-thi-truong-trong-tinh-2fd52cb/