Chính quyền 2 cấp ở Lâm Đồng: Vận hành suôn sẻ, không đứt gãy
'Việc vận hành chính mô hình chính quyền 2 cấp dù 'vạn sự khởi đầu nan' nhưng có thể khẳng định bước đầu triển khai rất suôn sẻ, không để xảy ra đứt gãy, gián đoạn' - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Ngày 14/7, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Quang cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Y Thanh Hà Niê K'Đăm - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, sau thời gian vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: hệ thống quản lý văn bản, luồng xử lý và tiếp nhận hồ sơ ở một số địa phương còn bị lỗi; vẫn còn một số nội dung vướng mắc trong việc phân định thẩm quyền xử lý một số trường hợp thông tin chưa đầy đủ tên đơn vị khi nộp hồ sơ trực tuyến v.v...
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương cần tăng cường chia sẻ, đồng bộ dữ liệu và kết nối phần mềm dữ liệu chuyên ngành để hỗ trợ tốt hơn việc thực hiện thủ tục hành chính cho người dân; hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng của tỉnh; giải quyết chính sách nghỉ chế độ theo Nghị định 178, vừa sớm xây dựng lộ trình nâng lương cho cán bộ, công chức để thu hút và giữ chân người có năng lực, chuyên môn; sửa đổi Nghị định 170/2025/NĐ-CP, cho phép UBND cấp xã được tuyển dụng công chức trên cơ sở quy chế do UBND tỉnh ban hành.

Ông Y Thanh Hà Niê K'Đăm - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng báo cáo tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười cũng cho biết, việc bàn giao hồ sơ, tài sản, con dấu, con người giữa các cơ quan hành chính liên quan trong quá trình chuyển đổi mô hình cơ bản đã hoàn thành.
Ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số, họp không giấy tờ đang được triển khai thực hiện đồng bộ.
Về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, trang thiết bị của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp xã mới cơ bản được bảo đảm. Đồng thời, tỉnh đã có phương án bố trí lưu trú cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh Đắk Nông (cũ) và Bình Thuận (cũ) khi điều chuyển công tác về tỉnh Lâm Đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười phát biểu.
Cần lắng nghe người dân
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng ghi nhận sau hơn hai tuần chính thức triển khai, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại Lâm Đồng đã đi vào vận hành suôn sẻ, trơn tru, không phát sinh vấn đề lớn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Theo Phó Thủ tướng, Lâm Đồng đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương về tổ chức, vận hành bộ máy mới. Các công việc, nhiệm vụ được duy trì thường xuyên, thông suốt, không đứt gãy; hoạt động hành chính đang dần ổn định, nề nếp và ngày càng tiến bộ hơn. Công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp được triển khai theo đúng kế hoạch, yêu cầu đặt ra.
"Việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp dù 'vạn sự khởi đầu nan' nhưng có thể khẳng định bước đầu triển khai rất suôn sẻ, không để xảy ra đứt gãy, gián đoạn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để vận hành tốt hơn, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các cấp chính quyền phải luôn cầu thị, chủ động, sáng tạo; phải dự báo trước các khó khăn, thách thức để kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả. Đặc biệt, cần lắng nghe người dân, nhất là trong tổ chức và vận hành các trung tâm phục vụ hành chính công để phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn.
“Trung tâm hành chính công ở xã, phường là nơi thể hiện bộ mặt chính quyền cơ sở, là nơi người dân tiếp xúc trực tiếp với Nhà nước. Phải tập trung đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực cho các trung tâm này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng rà soát, bố trí lại trụ sở làm việc sau sắp xếp, sử dụng hiệu quả các cơ sở dôi dư. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phân bổ hợp lý nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong bộ máy hai cấp.
Cũng trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, cần quyết liệt khắc phục những hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - lĩnh vực hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng cân đối, huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng trường bán trú cho học sinh, theo đúng chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ.