Chính quyền Assad sụp đổ: Thế giới lo ngại về kho vũ khí khổng lồ bị bỏ lại

Chính quyền Assad ở Syria bất ngờ sụp đổ khiến cả thế giới chấn động. Vấn đề khiến người ta lo ngại hiện nay là liệu lực lượng đối lập có thể kiểm soát được tình hình hay không.

Hệ thống phòng không S-300 quân đội chính phủ Syria bỏ lại khi tan rã. Ảnh: QQnews.

Hệ thống phòng không S-300 quân đội chính phủ Syria bỏ lại khi tan rã. Ảnh: QQnews.

Kho vũ khí bị bỏ lại là một vấn đề gây lo ngại hàng đầu. Là một trong những quốc gia lớn ở Trung Đông, Syria trước đây được trang bị một số lượng lớn vũ khí tiên tiến do Nga sản xuất như hệ thống tên lửa phòng không S-300, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 và tên lửa đạn đạo chiến thuật SS-21.

Mỹ cũng cáo buộc Syria sở hữu vũ khí hóa học. Sẽ thực sự đáng sợ khi nghĩ đến việc số lượng vũ khí khổng lồ này vượt khỏi tầm kiểm soát rơi vào tay các tổ chức khủng bố hoặc bị tuồn ra chợ đen vũ khí quốc tế.

 Tên lửa đạn đạo chiến thuật SS-21"Scarabs" (tầm bắn 120 km) Syria được Liên Xô cung cấp. Ảnh: QQnews.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật SS-21"Scarabs" (tầm bắn 120 km) Syria được Liên Xô cung cấp. Ảnh: QQnews.

Vì sao Israel thừa cơ ra tay không kích?

Israel dường như là bên đầu tiên thể hiện sự lo ngại. Hôm 8/12, khi lực lượng đối lập tiến vào thủ đô Damascus, các máy bay của Không quân Israel đã thực hiện đòn không kích quy mô lớn vào nhiều mục tiêu ở Syria, với lý do "ngăn chặn các cơ sở này rơi vào tầm kiểm soát của quân nổi dậy".

Trong vòng 24 giờ, không quân Israel đã tiến hành hơn 250 vụ không kích trên khắp Syria - một quy mô chưa từng có. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz ngày 9/12 công khai tuyên bố rằng quân đội Israel sẽ "phá hủy các vũ khí chiến lược hạng nặng trên khắp lãnh thổ Syria, bao gồm tên lửa đất đối không, hệ thống phòng không, tên lửa đất đối đất, tên lửa hành trình, pháo phản lực tầm xa và tên lửa bờ đối hạm…".

 Căn cứ quân sự của Syria bị cháy nổ do máy bay Israel không kích đêm 8/12. Ảnh: QQnews.

Căn cứ quân sự của Syria bị cháy nổ do máy bay Israel không kích đêm 8/12. Ảnh: QQnews.

Trong nhiều năm qua, lực lượng tên lửa đạn đạo do chính quyền Assad sở hữu luôn là cái gai đối với Israel.

Dù năng lực chiến đấu của Không quân Syria yếu và hệ thống phòng không khó có thể đối phó với sự chế áp điện tử của quân đội Israel, nhưng hàng nghìn tên lửa đạn đạo của Syria vẫn luôn là "thanh kiếm" sắc bén treo trên đầu Israel.

Khác với những tên lửa thô sơ tự chế của các tổ chức Hamas hay Hezbollah của Lebanon, quân đội chính phủ Syria được trang bị khoảng 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn "Frog-7" 9K52 LUNA M (tầm bắn 70 km), khoảng 200 tên lửa "Scud-B" (tầm bắn 310 km) và 80 tên lửa "Scud-C" (tầm bắn 600 km) cùng số lượng chưa xác định tên lửa SS-21 "Scarabs" (tầm bắn 120 km).

Mặc dù đây là các loại tên lửa đạn đạo kiểu cũ nhưng hầu hết đều là trang bị tiêu chuẩn từ thời kỳ đỉnh cao của Liên Xô. Hệ thống chống tên lửa "Iron Dome" (Vòm Sắt) của Israel khó chặn được và phải dựa vào các hệ thống “Patriot” hoặc hệ thống chống tên lửa "Arrow" đắt tiền và số lượng có hạn mới có thể đối phó - và cũng không dễ.
Vào năm 2018, Syria đã phóng hai tên lửa SS-21 "Scarab" về phía Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Hệ thống chống tên lửa "David's Sling" của Israel lần đầu tiên tham chiến đã không đánh chặn thành công chúng.

 Các hệ thống phòng không S-300PM2 và Pantsir-1 của Quân đội Syria giờ trở nên vô chủ. Ảnh: QQnews.

Các hệ thống phòng không S-300PM2 và Pantsir-1 của Quân đội Syria giờ trở nên vô chủ. Ảnh: QQnews.

Trong số các mục tiêu quân sự của Syria mà Israel muốn nhắm vào còn có nhiều loại tên lửa phòng không của nước này. Là đồng minh trung thành của Nga trong nhiều năm, Syria được nước này trang bị một hệ thống phòng không tương đối hoàn chỉnh, dù là các tổ hợp phòng không "Sam-2", "Sam-3", "Sam-5" hay "Sam-6" được Liên Xô hỗ trợ trong Chiến tranh Lạnh. Trong những năm gần đây, các tên lửa phòng không "Tor-M1", "Pantsir-S1", "Buk" và S-300 mà Syria nhận từ Nga đều là mối đe dọa đối với lực lượng không quân Israel tấn công xuyên biên giới.

Đặc biệt, vào năm 2018, Nga đã cung cấp cho Syria một số lượng nhất định hệ thống phòng không tầm xa S-300PM2 tiên tiến nhất, có tầm bắn lên tới 250 km. Tờ Times of Israel hồi tháng 5/2022 tuyên bố rằng Không quân Israel đã bị hệ thống phòng không S-300 tấn công lần đầu tiên trong một cuộc không kích vào các mục tiêu ở Syria. Dù máy bay chiến đấu của Israel không bị bắn hạ nhưng Israel thừa nhận "đây là một diễn biến đáng lo ngại”.

 Xe tăng T-62 bị quân chính phủ bỏ lại trên đường. Ảnh: QQnews.

Xe tăng T-62 bị quân chính phủ bỏ lại trên đường. Ảnh: QQnews.

Vì vậy, lợi dụng tình hình nội chiến ở Syria, Israel đã nhắm tới các mục tiêu này ở và tiến hành oanh kích bừa bãi. Các nguồn tin cho biết Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào một cơ sở an ninh và một trung tâm nghiên cứu của chính phủ ở Damascus.

Israel trước đó tuyên bố trung tâm nghiên cứu này được sử dụng để phát triển tên lửa nên các cuộc tấn công tập trung vào việc phá hủy cơ sở hạ tầng của trung tâm dùng để lưu trữ dữ liệu quân sự nhạy cảm, thiết bị và các thành phần tên lửa.

Ngoài ra, trong ngày 8/12 Israel còn tiến hành không kích vào ít nhất 7 mục tiêu ở tây nam Syria, trong đó có căn cứ không quân Haile Halay mà lực lượng chính phủ Syria vừa rút khỏi. Người ta cho rằng một số lượng lớn tên lửa, hệ thống phòng không và đạn dược mà lực lượng quân chính phủ Syria đã bỏ lại khi họ rút đi đều bị Israel phá hủy trong các cuộc không kích.

Một địa điểm khác bị Israel tấn công là sân bay quân sự Mezai phía tây nam Damascus, nơi quân đội Israel ném bom một kho đạn ở đây.

 Một hệ thống radar bị lực lượng nổi dậy thu giữ. Ảnh: QQnews.

Một hệ thống radar bị lực lượng nổi dậy thu giữ. Ảnh: QQnews.

Mỹ lo ngại vũ khí hóa học rơi vào tay khủng bố

Nhưng điều hiển nhiên là vũ khí, trang bị quy mô lớn của Syria không thể bị phá hủy chỉ bằng một số cuộc không kích của Israel.

Hiện nay, truyền thông phương Tây ngày càng lo ngại rằng một khi việc quản lý các kho đạn dược, vũ khí trên khắp đất nước ở Syria vượt khỏi tầm kiểm soát, hậu quả có thể sánh ngang với việc mất đi lượng vũ khí khổng lồ để lại khi Mỹ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan.

Mỹ lo ngại hơn về vấn đề được gọi là “thất tán vũ khí hóa học”. Nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 27/9/2013 yêu cầu Syria phá hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học như chất độc thần kinh và khí clo. Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ và một số nước phương Tây cho rằng chính quyền Assad đã vi phạm các nghị quyết liên quan và bí mật cất giữ một số vũ khí hóa học ở một số địa điểm.

Tờ New York Times tiết lộ rằng các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các địa điểm cất giữ vũ khí hóa học ở Syria để ngăn chúng rơi vào tay các tổ chức khủng bố.

 Báo Mỹ The New York Times đưa tin các cơ quan tình báo Mỹ giám sát các địa điểm lưu giữ, lo ngại việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Ảnh: QQnews.

Báo Mỹ The New York Times đưa tin các cơ quan tình báo Mỹ giám sát các địa điểm lưu giữ, lo ngại việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Ảnh: QQnews.

Thành phần hiện tại của các lực lượng vũ trang đối lập Syria vừa lật đổ chính quyền Assad rất phức tạp và nhiều người trong số đó có cả các tổ chức khủng bố đang “nhân nước đục thả câu”. Điều may mắn là, cho đến lúc này, lực lượng đối lập Syria vẫn hứa sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để giám sát vũ khí hóa học và các địa điểm nhạy cảm, đồng thời đảm bảo rằng “sẽ không sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào bị luật pháp quốc tế cấm”.

Theo QQnews

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chinh-quyen-assad-sup-do-the-gioi-lo-ngai-ve-kho-vu-khi-khong-lo-bi-bo-lai-post180886.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat