Chính quyền Australia thua kiện vụ tạm giữ tay vợt Novak Djokovic
Novak Djokovic đã được Tòa án liên bang Australia tại thành phố Melbourne phán quyết giành phần thắng trong vụ kháng cáo quyết định hủy thị thực nhập cảnh. Tuy nhiên, chưa rõ Novak Djokovic có được cấp lại thị thực nhập cảnh để thi đấu tại Australian Open 2022 vào ngày 17/1 tới hay không.
Trong phán quyết vừa đưa ra vào chiều tối ngày hôm nay theo giờ địa phương, thẩm phán Anthony Kelly của Tòa án liên bang Australia tại thành phố Melbourne cho biết, Novak Djokovic giành phần thắng trong vụ kháng cáo quyết định hủy thị thực nhập cảnh của anh của Bộ Nội vụ Australia. Phán quyết nêu rõ, Novak Djokovic phải được thả ra khỏi khách sạn tạm giam ngay lập tức và chính quyền liên bang Australia phải trả phí cho vụ kiện.
Thẩm phán Anthony Kelly cũng yêu cầu tất cả vật dụng cá nhân trong đó có hộ chiếu phải được trả lại cho Novak Djokovic.
Theo truyền thông Australia Djokovic sẽ được chuyển đến một địa điểm ở vùng Đông Nam của thành phố Melbourne.
Mặc dù chính quyền liên bang Australia đã thua trong vụ kiện này song hiện đến nay vẫn chưa rõ Novak Djokovic có thể được cấp lại thị thực nhập cảnh hay không và vì vậy cũng chưa thể rõ liệu Djokovic có thể tham gia thi đấu tại giải Australia Mở rộng 2022 hay không.
Luật sư Christopher Tran của Bộ trưởng Nội vụ Australia cho biết, chính phủ sẽ thực hiện quyết định của tòa nhưng đồng thời cho hay Novak Djokovic vẫn có thể bị hủy thị thực nhập cảnh.
Thẩm phán Anthony Kelly nói rằng, nếu thông qua một Bộ trưởng khác để hủy thị thực nhập cảnh của Novak Djokovic thì tay vợt này có thể không được đến Australia trong vòng 3 năm tới.
Trước khi tuyên Novak Djokovic thắng kiện, Thẩm phán tòa án liên bang Australia tại thành phố Melbourne Anthony Kelly đã cho phép tay vợt số 1 thế giới được rời khỏi khách sạn mà anh đã được đưa đến tạm giữ và cách ly từ hôm 6/1 vừa qua.
Cũng trong phiên tòa ngày hôm nay, luật sư Nick Wood cho biết, Novak Djokovic kháng cáo quyết định hủy thị thực nhập cảnh của Lực lượng kiểm soát biên giới Australia vì cho rằng quyết định này là không logic, không hợp lý hoặc không hợp lý về mặt pháp lý và Djokovic đã không được đối xử công bằng về mặt thủ tục.
Luật sư của Djokovic cho biết, anh đáp ứng các tiêu chí để được hưởng quyền miễn trừ cách ly vì không tiêm vaccine ngừa Covid-19 do đã bị nhiễm bệnh vào tháng 12. Các luật sư trích dẫn lời khuyên của Nhóm Cố vấn kỹ thuật tiêm chủng Australia trong đó cho biết “những người bị mắc Covid-19 có thể hoãn tiêm chủng đến 6 tháng sau khi bị bệnh như một lý do để có thể được hưởng quyền miễn trừ tạm thời do “bệnh lý nghiêm trọng”.
Khi nhập cảnh tại sân bay Melbourne, Djokovic cũng đã yêu cầu có thêm thời gian để liên hệ với luật sư và Liên đoàn Tennis Australia nhưng yêu cầu này không được đáp ứng và quyết định hủy thị thực của Djokovic được đưa ra trước khi anh có thể cung cấp thêm các thông tin.
Đồng thời, trước khi lên máy bay đến Australia, Novak Djokovic cũng đã nộp đơn xin nhập cảnh vào Australia và đơn này đã được Bộ Nội vụ Australia đã phê duyệt với điều kiện là không phải cách ly khi đến Australia.
Trong khi đó, luật sư Christopher Tran của Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews khẳng định, tại Australia, việc đã từng mắc Covid-19 không phải là sự chống chỉ định đối với việc tiêm vaccine. Luật sư Chritopher Tran trích dẫn lời khuyên của Nhóm Cố vấn kỹ thuật tiêm chủng Australia cho biết, “những người có xác nhận từ phòng thí nghiệm về tình trạng nhiễm bệnh trong quá khứ có thể bắt đầu tiêm chủng… ngay sau khi không còn bị nhiễm trùng có triệu chứng”. Vì lý do này, Luật sư của Bộ trưởng Nội vụ Australia cho rằng, cho dù đã từng mắc Covid-19 nhưng Novak Djokovic vẫn có thể tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh./.