Chính quyền 'bật đèn xanh' cho Công ty Anh Việt Hương nhờn luật?
Ngang nhiên chiếm đất làm khai trường khai thác đá và kho chứa vật liệu nổ, bị phát hiện nhưng cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm dẫn đến sai phạm kéo dài khiến cho doanh nghiệp 'nhờn luật'.
Toàn cảnh mỏ đá của Công ty Anh Việt Hương tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Ảnh: QD
Ngang nhiên chiếm đất
Công ty TNHH Anh Việt Hương được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản để khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) vào tháng 11/2014. Diện tích khu vực khai thác khoảng 30.000m2, khai trường 10.000 m2, thời hạn khai thác 25 năm.
Năm 2015, doanh nghiệp này xin thuê hơn 12.000m2 để mở rộng khai trường. Hiện trạng khu đất xin mở rộng phần lớn là đất lúa của các hộ gia đình tại địa phương và một phần đất do UBND xã Xuân Phúc quản lý.
Theo quy định, để được phép sử dụng diện tích mở rộng khai trường, Công ty Anh Việt Hương phải được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, công ty này đã tự thỏa thuận bồi thường với các hộ dân rồi tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ cho việc khai thác mỏ đá. Vào thời điểm tháng 3/2015, diện tích lấn chiếm của Công ty Anh Việt Hương là 3.000m2, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt 10 triệu đồng với hành vi: chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Sau khi nộp phạt, tháng 6/2016, công ty này được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương mở rộng khai trường với diện tích 12.495m2. Toàn bộ diện tích trên chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất nhưng Công ty Anh Việt Hương vẫn tiếp tục san lấp mặt bằng, xây nhà điều hành, nhà ở công nhân và sử dụng làm khai trường.
Công ty Anh Việt Hương đã tự thỏa thuận chuyển nhượng đất lúa với các hộ dân rồi san lấp, xây dựng các công trình phục vụ khai thác mỏ (khung màu đỏ). Ảnh: QD
Tương tự như việc tự ý sử dụng đất trái phép tại khu vực xin mở rộng khai trường, ngay vị trí bên cạnh, Công ty Anh Việt Hương cũng ngang nhiên chiếm 800m2 đất trồng cây hằng năm để làm kho chứa vật liệu nổ công nghiệp. Cũng với chiêu thức cũ là tự thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng từ các hộ gia đình, cá nhân rồi xây công trình để phục vụ khai thác mỏ. Đến tháng 7/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa mới chấp thuận chủ trương xây dựng kho chứa vật liệu công nghiệp nhưng nhiều năm sau đó, doanh nghiệp này vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được bàn giao đất. Đáng chú ý, mặc dù, kho vật liệu nổ công nghiệp hoạt động trên khu đất trái phép nhưng Sở Công thương Thanh Hóa vẫn tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá.
Ngoài vi phạm tại 2 khu đất nêu trên, Công ty Anh Việt Hương còn tự ý đổ đất, đá, san lấp mặt bằng phần đất giáp với khu đất mở rộng khai trường. Hành vi trên đã bị UBND xã Xuân Phúc xử phạt 3 triệu đồng vào năm 2018.
Xử phạt xong, "hợp thức hóa" cho sai phạm
Liên tục trong nhiều năm, Công ty Anh Việt Hương chiếm đất trái phép với tổng diện tích lên tới hơn 13.000m2, từng bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Xuân Phúc phát hiện, xử phạt nhưng hoạt động khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng của doanh nghiệp này vẫn diễn ra bình thường trên chính các khu đất vi phạm. Mãi đến năm 2020, sau khi có đơn tố cáo của công dân, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa mới vào cuộc tổng kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, để cho tình trạng vi phạm của doanh nghiệp kéo dài dẫn đến hết thời hiệu xử xử phạt theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nên UBND tỉnh Thanh Hóa không thể áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền mà chỉ có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Làm việc với UBND xã Xuân Phúc, đại diện cơ quan này cung cấp cho phóng viên Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty TNHH Anh Việt Hương. Theo đó, hành vi chiếm 12.495 m2 đất nông nghiệp vi phạm Điểm 2 Khoản 3 Điều 14, Nghị định số 91/2019 ngày 19/11/2019 của Chính phủ có khung phạt từ 120 triệu đến 300 triệu đồng. Nhưng do đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định nên doanh nghiệp chỉ phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là nộp số lợi bất hợp pháp do hành vi chiếm đất, số tiền 55.038.000 đồng.
Đối với khu đất làm kho vật liệu nổ công nghiệp, Công ty Anh Việt Hương bị xử phạt 15 triệu đồng và nộp số lợi bất hợp pháp 1.341.000 đồng.
Vi phạm kéo dài nhưng xử phạt xong Công ty Anh Việt Hương đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm kho chứa vật liệu nổ công nghiệp. Ảnh: QD
Như vậy, trong khoảng 5 năm chiếm đất với diện tích hơn 1,3 ha để xây dựng công trình, sử dụng làm khai trường và kho chứa vật liệu nổ, tổng số tiền bị xử phạt của 3 cơ quan là UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND xã Xuân Phúc đối với doanh nghiệp vi phạm là hơn 80 triệu đồng.
Việc buông lỏng quản lý đất đai đã được cơ quan chức năng xác định rõ nhưng chỉ có 2 cá nhân là Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc bị kỷ luật khiển trách và công chức địa chính xã này bị cảnh cáo từ năm 2015.
Tháng 10/2020, sau khi kiểm tra và xử phạt được 4 tháng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cho phép Công ty Anh Việt Hương chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thuê đất đối với diện tích 800m2 từng nhiều năm được doanh nghiệp này sử dụng trái phép làm kho vật liệu nổ.
Nhắc lại vụ vi phạm của Công ty Anh Việt Hương, ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc tỏ vẻ ngán ngẩm: “Các ông ấy tự mua đất của dân lên xã chuyển thủ tục sang tên rồi tự ý san lấp đất đá xuống đất lúa làm khai trường. Năm ngoái Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra xử phạt”.
Khai trường hoạt động chui?
Sau khi hoàn thành việc nộp tiền xử phạt vào Kho bạc nhà nước, Công ty Anh Việt Hương đã lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng khai trường đối với diện tích 12.495 m2 đất nông nghiệp đã lấn chiếm trước đó. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu đối với đề xuất của doanh nghiệp.
Kết quả, mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND huyện Như Thanh đều thống nhất đồng ý cho doanh nghiệp được mở rộng khai trường nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư không đồng ý. Lý do: Vị trí các khu đất đề nghị thực hiện dự án được chia thành nhiều khu riêng biệt, chưa tập trung, liền thửa, gây lãng phí đất đai, không đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; số liệu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp chưa thống nhất, không có cơ sở để khẳng định việc đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định.
Trên cơ sở báo cáo tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tháng 1/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký văn bản chưa đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng khai trường khai thác đá vôi tại xã Xuân Phúc của Công ty Anh Việt Hương.
Đến thời điểm này (8/2021), UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép Công ty Anh Việt Hương được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với dự án mở rộng khai trường. Ảnh: QD
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND huyện Như Thanh chỉ đạo UBND xã Xuân Phúc quản lý chặt chẽ việc sử dụng khu đất đề xuất đầu tư dự án; dừng các hoạt động trên khu đất đến khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thuê đất theo quy định.
Văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tạm dừng hoạt động trên khu đất từ tháng 1/2021 nhưng trên thực tế, nhiều tháng qua, Công ty Anh Việt Hương vẫn sử dụng diện tích lấn chiếm để làm khai trường.
Diện tích đất chưa được chấp thuận chủ trương dự án mở rộng khai trường vẫn được doanh nghiệp sử dụng để phục vụ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng. Ảnh: QD
Nguồn tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa xác nhận, đến thời điểm này (8/2021), UBND tỉnh vẫn chưa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xin mở rộng khai trường khai thác đá của Công ty Anh Việt Hương. Nguồn tin trên cũng cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động tại mỏ đá của Công ty Anh Việt Hương trong thời gian tới.
Ngày 14/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ: công tác quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: còn một số dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng đất sai mục đích, không hiệu quả, chưa được xử lý dứt điểm, kịp thời; quản lý quỹ đất công ích tại một số xã, phường, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn còn xảy ra nhưng phát hiện, xử lý chưa kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý về quản lý, sử dụng đất đai chưa được thực hiện thường xuyên...