Chính quyền Biden duy trì quy định chống công nghệ Trung Quốc của ông Trump

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch cho phép duy trì một quy định từ thời người tiền nhiệm Donald Trump nhằm chống lại các mối đe dọa công nghệ của Trung Quốc và quy định này sẽ có hiệu lực vào tháng tới.

Không “mềm mỏng” với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ “bắt tay” với Đài Loan, Nhật, Hàn trong cung ứng công nghệ để loại Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Theo Wall Street Journal, quy định trên được từng được đề xuất vào tháng 11 năm ngoái, nhằm cho phép Bộ Thương mại cấm các giao dịch kinh doanh liên quan đến công nghệ mà Bộ xác định là gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Đây là một phần trong nỗ lực bảo đảm chuỗi cung ứng của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Phản ứng trước thông tin trên, các công ty trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, tài chính và các ngành công nghiệp khác của Mỹ lại cho rằng quy tắc này có thể kìm hãm sự đổi mới và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Đại diện của các công ty trong các ngành này bày tỏ hy vọng rằng quy tắc này sẽ bị hoãn áp dụng khi chính quyền tiến hành xem xét rộng rãi chính sách của Mỹ đối với công nghệ Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của WSJ cho biết, hiện nay chính quyền Joe Biden đang có kế hoạch tiếp tục duy trì quy định từ cuối tháng 3 sắp tới. Các quan chức của Washington lo ngại rằng việc trì hoãn hoặc thay đổi quy định sẽ dẫn tới hiểu lầm về cách tiếp cận của chính quyền mới đối với Trung Quốc, thậm chí, Nhà Trắng sẽ nhận phải các nghi ngờ rằng họ đang tỏ ra “mềm mỏng” đối với Trung Quốc.

Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết các quan chức quản lý đã báo hiệu với cộng đồng doanh nghiệp rằng họ sẽ không thực thi quy tắc một cách quyết liệt. Điều đó có thể làm giảm tác động, mặc dù các đại diện doanh nghiệp nói rằng quy tắc này vẫn sẽ khiến các công ty - đặc biệt là các công ty nhỏ hơn - chịu chi phí tuân thủ mới đáng kể và sự không chắc chắn. Một người khác quen thuộc với vấn đề này cho biết chính quyền đã không nói rằng họ sẽ kìm hãm việc thực thi quy tắc.

Theo một đại diện của Bộ Thương mại, cơ quan này sẽ tiếp tục nhận phản hồi của công chúng về quy tắc cho đến ngày 22/3. Sau đó, quy định trên sẽ có hiệu lực. Hiện, phía Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bất kì bình luận nào.

Lo ngại của các doanh nghiệp

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cấm kinh doanh với một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Huawei Technologies. Ảnh: Getty

Theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, quy định trên, một khi có hiệu lực, có thể ảnh hưởng đến 4,5 triệu doanh nghiệp Mỹ thuộc mọi quy mô. Theo đó, các doanh nghiệp này phải được chính phủ cho phép mua hàng và giao dịch liên quan đến công nghệ phức tạp.

Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng quy định và tiến hành giám sát chặt chẽ đối với các giao dịch công nghệ liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này, mạng và hoạt động vệ tinh, hoạt động lưu trữ dữ liệu lớn, phần mềm kết nối internet, công nghệ được sử dụng trong máy tính tiên tiến, máy bay không người lái, hệ thống tự trị hoặc robot tiên tiến,... Tuy nhiên, quy tắc có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các doanh nghiệp.

Vào đầu tháng 1 vừa qua, ngay trước khi hết nhiệm kỳ Tổng thống, ông Donald Trump đã ký một lệnh cấm giao dịch tài chính với 8 công ty phần mềm Trung Quốc, bao gồm cả Alipay.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã cáo buộc phía Washington phân biệt đối xử bất công đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và cố gắng tận dụng khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc để gây áp lực buộc các doanh nghiệp nước ngoài phớt lờ và vận động hành lang chống lại các hạn chế của Mỹ.

Việc cho phép quy định này tiếp tục có thể báo hiệu thêm rắc rối cho các doanh nghiệp Mỹ, vốn ngày càng bị cuốn vào giữa nỗ lực của Washington nhằm đối đầu với Trung Quốc về các chính sách kinh tế của họ và sự trả đũa của Bắc Kinh đối với các động thái của Mỹ.

Trong năm ngoái, chính quyền của ông Trump đã ban hành lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ làm ăn với một số gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc , từ nhà sản xuất viễn thông Huawei Technologies Co. đến các nền tảng như WeChat.

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận những rủi ro do công nghệ từ Trung Quốc và các quốc gia đối thủ khác gây ra và sự cần thiết phải giải quyết chúng, bao gồm ăn cắp tài sản trí tuệ, dữ liệu sức khỏe và thông tin tài chính cá nhân, cũng như theo dõi vị trí của người dân Mỹ và thực hiện hoạt động gián điệp của công ty từ bên trong nước Mỹ.

Tuy nhiên, họ lo lắng rằng quy định mới đặt quá nhiều trách nhiệm trong việc giảm thiểu những rủi ro đó cho các công ty, cùng với các chi phí tiềm ẩn phát sinh như việc họ sẽ phải thay thế một số thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Tổng chi phí nhằm tuân thủ quy định trên có thể lên tới 52 tỷ USD trong năm đầu tiên sau khi thực hiện, theo ước tính của Bộ Thương mại, với chi phí hàng năm lên tới 20 tỷ USD.

Hàng chục nhóm kinh doanh, bao gồm một số tập đoàn công nghệ hàng đầu, đã gửi ý kiến thúc giục chính quyền thu hẹp quy mô hoặc hoãn áp dụng quy định trên. Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-quyen-biden-duy-tri-quy-dinh-chong-cong-nghe-trung-quoc-cua-ong-trump-post121094.html