Chính quyền địa phương 2 cấp: cải cách thể chế sâu rộng
Ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được vận hành tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước. Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về tổ chức bộ máy, nhân sự và quy trình vận hành, các địa phương bước vào giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng. Không chỉ là một thay đổi về tổ chức, đây còn là một bước cải cách thể chế sâu rộng, tác động đến cách thức vận hành của cả hệ thống chính quyền.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội - Chi nhánh số 8 hướng dẫn người dân xã Quang Minh, Hà Nội làm thủ tục hành chính Ảnh: Phạm Hùng
Mô hình làm việc gắn liền với đời sống người dân
Tại trụ sở Công an xã Thường Tín mới, công dân Nguyễn Văn Thành là người đầu tiên đến làm thủ tục đăng ký xe. Ông cho biết: “Tôi có nhờ con cháu tìm hiểu trước về thủ tục đăng ký xe, nhưng càng nghe càng thấy phức tạp. Chỉ đến khi trực tiếp làm việc với cán bộ Công an xã mới thấy mọi việc đơn giản hơn nhiều. Không chỉ tôi mà mọi người dân sáng nay đến làm thủ tục liên quan đến xe máy đều có chung nhận xét như vậy. Mô hình làm việc của Công an xã gắn liền với đời sống người dân. Sự cởi mở của các anh chị Công an xã giúp tôi thêm cảm tình, tự tin tìm tới mỗi khi có công việc cần".
Trung tá Tạ Quốc Khánh – Trưởng Công an xã Thường Tín – chia sẻ: “Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi chính thức tiếp nhận công dân đến làm thủ tục đăng ký xe theo mô hình mới. Trên thực tế, công tác tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ đã được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, nhờ vậy buổi làm việc đầu tiên diễn ra suôn sẻ, nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Không chỉ hôm nay, mà mỗi ngày làm việc đều là cơ hội để chúng tôi thể hiện sự thân thiện, tận tâm phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.
Với địa giới mới, không ít người dân còn bỡ ngỡ. Lực lượng Công an xã luôn sẵn sàng hướng dẫn, đảm bảo việc kê khai và tiếp nhận hồ sơ diễn ra thuận tiện, nhanh chóng, đúng quy định theo địa bàn hành chính mới.
Tại Công an phường Tây Hồ, Thiếu tá Lê Anh Thế – Phó Trưởng Công an phường – cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ đều phấn khởi khi được thực hiện nhiệm vụ trong một mô hình tinh giản, hiện đại và chính quy hơn. Đây là chủ trương lớn, nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng cao. Tất cả công dân đến làm thủ tục đều được hướng dẫn tận tình, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, nhanh chóng và thuận tiện nhất”.
Sau khi sáp nhập từ 9 phường, Công an phường Tây Hồ hiện có 3 trụ sở, phục vụ người dân trong các lĩnh vực như đăng ký, quản lý cư trú, cấp căn cước công dân, cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện, thu hồi và giao nộp vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đăng ký và cấp lại giấy phép lái xe, tiếp nhận tin báo – tố giác tội phạm…
Cuộc chuyển giao mang tính cách mạng
Trước những thay đổi, ông Trần Văn Việt – người dân xã Phúc Sơn, Hà Nội, xúc động chia sẻ: “Mô hình chính quyền địa phương mới có bước chuyển mình lịch sử: từ ba cấp xuống còn 2 cấp. Đây không chỉ là một quyết sách hành chính mà còn là dấu mốc quan trọng, khép lại chặng đường của cấp huyện, mở ra một giai đoạn mới cho cấp xã – nơi gần dân, hiểu dân và vì dân”.
Ông Trần Văn Việt cho rằng, chính quyền 2 cấp giờ đây gánh vác nhiều nhiệm vụ lớn. Những quyền hạn từng thuộc cấp huyện giờ chuyển về cấp xã, thể hiện sự tin tưởng lớn lao vào đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Chính quyền cấp xã chính là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước, đảm bảo phục vụ kịp thời, hiệu quả nhu cầu chính đáng của Nhân dân, góp phần gìn giữ bình yên và phát triển bền vững từng vùng quê, góc phố. “Đây là một cuộc chuyển giao mang tính cách mạng thực sự – một cuộc kiến tạo có tầm vóc thời đại, hướng tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ý Đảng hòa cùng lòng dân đã tạo nên sức mạnh đồng thuận đưa đất nước tiến lên phía trước” - ông Trần Văn Việt chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Sơn Phan Văn Sự cho biết: “Đây là ngày đặc biệt, có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình phát triển của địa phương. Việc tổ chức lại chính quyền theo mô hình 2 cấp là nhu cầu tất yếu nhằm tái định vị không gian phát triển, gắn kết về lịch sử, văn hóa và địa lý, tạo nên một thực thể hành chính – kinh tế đủ lớn để mở rộng phát triển, nâng cao năng lực quản trị, có sức cạnh tranh mạnh, sẵn sàng hội nhập sâu với khu vực và thế giới.”
Theo ông Phan Văn Sự, mô hình mới hướng đến hình thành chính quyền số, quản trị số, đô thị thông minh và vùng kinh tế tích hợp. Các giao dịch hành chính sẽ được xử lý nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đúng theo tinh thần “cái mới phải tốt hơn cái cũ”.
“Nhân dân phải được phục vụ tốt hơn, đó là chiến lược xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Việc tinh gọn bộ máy không chỉ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn để tập trung nguồn lực đất đai, dân số, không gian quy hoạch, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững” – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Sơn nhấn mạnh.
Ghi nhận từ các địa phương cho thấy, ngay từ khi vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, hoạt động thường ngày tại cấp xã, phường đã có những chuyển biến rõ rệt. Mọi công việc đều được thực hiện trên tinh thần phục vụ người dân thuận tiện nhất.
Bộ máy chính quyền mới chủ động, linh hoạt trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất. Các thủ tục như sao y, chứng thực, khai sinh, khai tử, hay hồ sơ hành chính liên thông giữa xã, phường và cơ quan cấp thành phố đều được thực hiện kịp thời, đúng quy định, hạn chế tối đa phiền hà…
Việc vận hành mô hình chính quyền 2 cấp không chỉ là thay đổi cơ cấu tổ chức mà còn là biểu hiện cụ thể của quá trình hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia – từ quản lý sang phục vụ, từ chỉ đạo sang trao quyền. Ngày đầu vận hành mô hình mới đã cho thấy sự chuyển biến tích cực từ thể chế đến thực tiễn. Bộ máy chính quyền không còn chồng chéo, người dân không còn “chạy lòng vòng” và cán bộ công chức xác định rõ ràng hơn trách nhiệm của mình. Đó là những tín hiệu đáng mừng về một nền hành chính tiến bộ, hiện đại, hiệu quả và vì dân.