Chính quyền 2 cấp: Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo
Theo chuyên gia, ĐBQH 'sắp xếp lại giang sơn' không chỉ để đất nước 'gọn gàng' hơn, mà để khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn.
Chính quyền phục vụ gần dân, sát dân nhất
Ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tổ chức hệ thống chính trị.
Đánh giá về sự thay đổi mang ý nghĩa lịch sử với Người Đưa Tin, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, trong 80 năm qua tính từ năm 1945 đến nay, trong hệ thống tổ chức chính quyền ở Việt Nam không còn tổ chức cấp huyện.
"Qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện một cách bài bản, quyết liệt, dân chủ và khoa học, các đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy đã được triển khai trong thời gian ngắn nhưng khẩn trương. Đến ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức đi vào vận hành", ông Dĩnh nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.
Theo ông, qua phản ánh từ các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Đặc biệt, ở cấp xã, sau khi mô hình mới đi vào vận hành, bước đầu cho thấy kết quả tích cực. Việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công cho người dân diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cuộc "sắp xếp lại giang sơn" lần này đã tạo dư địa cho các địa phương có không gian phát triển. Cùng với đó, phát huy được lợi thế của các vùng kinh tế, các nguồn lực, đặc biệt là về đất đai và nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển.
"Việc không tổ chức cấp huyện, chỉ còn chính quyền địa phương 2 cấp cũng giúp giảm chi phí hành chính, thu gọn lại theo hướng tinh gọn", ông Dĩnh nói.
Theo ông Dĩnh, cấp xã được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, được đầu tư cả về tổ chức bộ máy và con người. Điều này, giúp cấp xã gần dân, sát dân hơn, tạo điều kiện để cấp xã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong thực hiện công tác quản lý Nhà nước cũng như giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nhờ đó, phục vụ nhân dân tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và thuận lợi hơn.

Chuyên gia cho rằng, cần lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả cũng như hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức (Ảnh: Hữu Thắng).
Nhấn mạnh đây là một mô hình mới, nhiệm vụ, chức năng cũng như yêu cầu của cấp xã hiện nay rất là lớn, quyền hạn cũng rất lớn, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng quá trình vận hành ban đầu chắc chắn khó tránh khỏi khó khăn. Do đó, cần tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, cũng phải tiếp tục rà soát, sát hạch.
"Vừa sát hạch lại vừa sàng lọc đội ngũ cán bộ cấp xã để ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của chính quyền địa phương cấp xã - một chính quyền phục vụ gần dân, sát dân nhất, phục vụ nhân dân tốt hơn", ông Dĩnh nói và cho rằng lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả cũng như hiệu quả làm việc của chính quyền cấp xã và đội ngũ cán bộ, công chức.
"Hy vọng trong thời gian tới, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tiếp tục được vận hành một cách hiệu quả, bảo đảm phát huy đầy đủ hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn", ông Dĩnh bày tỏ.
Để người dân có thể "chấm điểm" bộ máy trực tiếp
Đánh giá thêm, ĐBQH Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho biết, ngày 1/7/2025 đánh dấu thời khắc lịch sử khi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành trên toàn quốc một dấu mốc không chỉ mang tính hành chính, mà còn thể hiện bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển đất nước.
"Với tôi, đây không đơn thuần là việc "gộp nhỏ thành lớn", mà là cách chúng ta sắp xếp lại giang sơn để mở ra không gian phát triển mới, tạo dư địa để các địa phương cất cánh mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn", ông Sơn nói.
Theo đại biểu, việc tinh gọn bộ máy đi kèm với phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực rõ ràng sẽ giúp các địa phương có thêm công cụ và quyền lực để chủ động khai thác tiềm năng đặc biệt là những lĩnh vực có tính đặc thù, có thế mạnh vượt trội.
Du lịch, văn hóa, công nghiệp sáng tạo những lĩnh vực vốn đòi hỏi sự linh hoạt và bản sắc thì nay sẽ có điều kiện để "bật lên" nếu được trao quyền đúng mức.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn.
Ông kỳ vọng chính sự tái cấu trúc này sẽ giúp địa phương đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số điều mà trước đây khó hình dung khi vẫn còn bộ máy cồng kềnh, rườm rà, ngắt quãng.
Để đạt được điều đó, các cấp lãnh đạo cần làm ngay một số việc, trước hết là ổn định bộ máy mới, không chỉ ổn định về tổ chức mà còn ổn định tâm lý, tư duy của đội ngũ cán bộ. Không thể dùng tư duy cũ để vận hành mô hình mới.
Cùng với đó, phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch phát triển vùng, xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diện tích mới, dân số mới, nguồn lực mới.
Đồng thời, cần ban hành các cơ chế đặc thù cho từng vùng, như vùng ven biển khác miền núi, vùng công nghiệp khác khu du lịch để các địa phương phát huy tối đa thế mạnh của mình.
Song song với đó, theo ông Sơn, một bộ máy mới chỉ có thể thực sự vì dân khi nó được đặt trong một hệ thống giám sát nghiêm minh, có sự tham gia thực chất của người dân.
"Giám sát không chỉ đến từ Quốc hội, HĐND mà còn phải đến từ mặt trận, đoàn thể, từ báo chí và nhất là từ chính người dân những người đang thụ hưởng (hoặc không được thụ hưởng) chính sách", ông Sơn cho hay.
Do đó, đại biểu cho rằng cần phát huy vai trò của công nghệ, chuyển đổi số trong giám sát, như minh bạch hóa ngân sách, quy trình ra quyết định, đánh giá cán bộ bằng dữ liệu số, khảo sát xã hội học… để người dân có thể "chấm điểm" bộ máy một cách trực tiếp, công bằng.
"Sắp xếp giang sơn không chỉ để đất nước "gọn gàng" hơn, mà để khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn. Muốn vậy, phải thay đổi tư duy, nâng cao năng lực hành động và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Bộ máy mới không phải để dễ quản lý hơn mà để phục vụ tốt hơn đó mới là mục tiêu cao nhất của cải cách", đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.