Chính quyền địa phương 2 cấp: Đổi mới, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân
Ngày 1/7, mô hình chính quyền 2 cấp các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Lạng Sơn vận hành suôn sẻ, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bà Lê Thị Hồng Lam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tân An, thành phố Cần Thơ kiểm tra hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường sáng 1/7/2025. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ngày 1/7, các địa phương trên cả nước đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo thông suốt, đồng bộ.
Cán bộ phấn khởi, nhiệt tình
102 xã, phường của tỉnh Đồng Tháp đã chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Qua ghi nhận tại các xã, phường, đội ngũ nhân sự, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phần mềm dùng chung đã được chuẩn bị, sắp xếp chu đáo trong tháng 6. Nhờ đó, ngày đầu vận hành đầu tiên diễn ra thông suốt, đồng bộ.

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Mỹ Ngãi (tỉnh Đồng Tháp) vào ngày 1/7. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Thạnh Thủy Cao Tấn Hiệu cho biết, Ủy ban Nhân dân xã đã hoàn thành xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công và bố trí công chức ở 5 quầy tiếp nhận hồ sơ của người dân từ ngày 1/7.
Các phòng chuyên môn của Ủy ban Nhân dân xã đã chuẩn bị phòng làm việc, bảng tên, khánh tiết đầy đủ, phân công công việc cụ thể cho từng các bộ, công chức, chuyên viên sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Nhờ chủ động sắp xếp chuẩn bị chu đáo nên hôm nay, Trung tâm đã đón tiếp người dân đến làm thủ tục thuận lợi.
Ông Võ Văn Châu (người dân xã An Thạnh Thủy) phấn khởi chia sẻ, việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp đất nước phát triển và phục vụ người dân tốt hơn. Bên cạnh đó, việc phân quyền cho cấp xã giải quyết thủ tục hành chính giúp người dân giảm thời gian, chi phí đi lại.
Tại phường Mỹ Tho - một đơn vị hành chính trung tâm, cán bộ, công chức đều sẵn sàng phục vụ với ý thức "lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo công việc." Người dân khi đến làm các thủ tục hành chính đều được tiếp nhận, xử lý nhanh và tận tình.
Ông Ngô Huỳnh Quang Thái, Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Tho cho biết, việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính ở Trung tâm hành chính công của phường được vận hành thông suốt. Cán bộ, công chức phường làm việc với tinh thần phấn khởi, nhiệt tình.
Ông Hồ Quang Minh đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Mỹ Trà để thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai. Ông cho biết, việc giải quyết thủ tục hành chính ở đây diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.
Nếu người dân có vấn đề nào chưa rõ, sẽ có người của Trung tâm hướng dẫn, giải đáp nhanh chóng. Giờ đây, việc làm giấy tờ tiện lợi hơn vì chỉ cần nộp hồ sơ ngay Trung tâm phục vụ hành chính công của phường, đỡ mất thời gian.
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Mỹ Ngãi, xác định Trung tâm là diện mạo của phường nên địa phương quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Sáng 1/7, cán bộ, công chức của Trung tâm phấn khởi bắt đầu công việc mới, cố gắng tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho người dân nhanh chóng, thuận tiện. Bước đầu, Trung tâm hoạt động thuận lợi, thông suốt.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị, trong không gian phát triển mới, hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân, hiểu dân hơn, chăm lo, phục vụ người dân tốt hơn. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ then chốt cho các cán bộ, đảng viên trong quá trình công tác.
Nỗ lực phục vụ người dân
Tỉnh Tây Ninh đã chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Dù bước đầu còn không ít khó khăn, vướng mắc, các địa phương cấp xã đã và đang nỗ lực tháo gỡ để đảm bảo hoạt động thông suốt, đặc biệt trong tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính cho người dân.
Trong ngày đầu vận hành mô hình mới, tại xã biên giới Hòa Hội, người dân đến làm thủ tục đều được hướng dẫn tận tình, chu đáo. Ông Đặng Bá Thư (ngụ xã Hòa Hội) cho biết, ông được sự hướng dẫn tận tình nên việc làm thủ tục diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

Cán bộ, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trong ngày đầu vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Ông đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, thái độ phục vụ chu đáo của đội ngũ cán bộ, đồng thời kỳ vọng chính quyền mới tiếp tục gần dân, lắng nghe dân và giải quyết công việc minh bạch, hiệu quả.
Chị Võ Thị Thúy Ngân (cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Hòa Hội) chia sẻ, việc đưa vào vận hành mô hình mới gắn với trung tâm hành chính công hiện đại, số hóa đặt ra yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ. Mỗi người không chỉ phải nắm vững chuyên môn, xử lý hồ sơ chính xác mà còn phải nhanh chóng nắm bắt công nghệ, tận tình hướng dẫn, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả phục vụ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Hội Nguyễn Đồng Dũng nêu rõ, việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được địa phương triển khai nghiêm túc, bài bản theo đúng lộ trình. Xã đã khẩn trương chuẩn bị và đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo bộ máy mới vận hành thông suốt.
Mô hình tinh gọn sẽ là cơ hội để chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm vững chắc an ninh biên giới.Là trung tâm hành chính của tỉnh, các bộ phường Long An nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới ngay trong ngày đầu vận hành mô hình mới.
Đặc biệt, Trung tâm phục vụ hành chính công của phường đang tích cực tháo gỡ khó khăn ban đầu để đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả. Ông Võ Hồng Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Long An cho biết, phường đã nhanh chóng sắp xếp, ổn định bộ máy nhân sự để đảm bảo hoạt động hiệu quả theo mô hình mới.
Nhân sự tại Trung tâm được chọn lọc kỹ lưỡng, tập huấn các quy trình mới để sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ của người dân. Đặc biệt, cách thức nộp hồ sơ “phi địa giới hành chính” đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Việc giải quyết các thủ tục hành chính sẽ được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của phường thực hiện xuyên suốt, đảm bảo không gián đoạn.
Dù bước đầu còn không ít khó khăn, đặc biệt là trong việc thay đổi thói quen của một bộ phận cán bộ và người dân, song hầu hết mọi người đều vui mừng, phấn khởi. Bởi với họ, đây không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính mà còn là dấu mốc lịch sử, mở ra kỳ vọng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Anh Võ Anh Phong (người dân phường Long An) cho rằng đây là bước đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Ngày đầu anh đến giải quyết thủ tục hành chính tại Ủy ban Nhân dân phường Long An khá thuận tiện.
Người dân được hướng dẫn tận tình. Với cơ chế một cửa, một cửa liên thông, người dân sẽ tiếp cận được các dịch vụ hành chính một cách minh bạch, nhanh chóng, tiện lợi hơn. Đây là một bước chuyển mình quan trọng, không chỉ đổi mới về mô hình tổ chức mà còn là đổi mới trong tư duy phục vụ nhân dân...
Cần Thơ trong ngày đầu “sắp xếp lại giang sơn”
Ngay từ 6 giờ sáng 1/7, hơn 500 ngôi chùa, cơ sở thờ tự ở thành phố Cần Thơ đã gióng lên những hồi chuông cầu Quốc thái dân an, mừng ngày “sắp xếp lại giang sơn” mở ra cơ hội cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Ngay trong ngày đầu tiên chính thức đi vào hoạt động bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Hội đồng Nhân dân thành phố họp phiên đầu tiên để thông qua các Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố, một số tờ trình dự thảo của các cấp. Đồng thời, 103 phường, xã cũng tiến hành kỳ họp đầu tiên để công bố Nghị quyết các cấp, công bố nhân sự mới, thông qua các chương trình hoạt động của đơn vị thời gian tới.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân An, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Để bộ máy cấp cơ sở hoạt động vận hành hiệu quả, từ trước khi hợp nhất, các địa phương đã vận hành thử hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền.
Tại địa bàn Sóc Trăng trước ngày hợp nhất, từ ngày 24/6, toàn bộ 43 xã, phường vận hành thử nghiệm bộ máy… Nhờ đó, ngay ngày đầu chính thức vận hành tại các địa phương, mọi hoạt động diễn ra tốt đẹp, nhất là tại các Trung tâm phục vụ hành chính công - nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân đều diễn ra thuận lợi.
Trung tâm phục vụ hành chính công và các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện vận hành các thủ tục hành chính như: trích lục hộ tịch; đính chính giấy chứng nhận đã cấp lần đầu còn sai sót… Tại các điểm tiếp dân đều có hệ thống camera giám sát; bố trí khu vực tiếp nhận, phục vụ cá nhân, tổ chức tự chủ động số hóa giấy tờ hoặc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cung cấp wifi miễn phí…
Theo bà Trần Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phú Lợi, thành phố Cần Thơ (khu vực thành phố Sóc Trăng trước đây), công việc của Trung tâm phục vụ hành chính công rất lớn, bộ thủ tục hành chính công cấp phường phải giải quyết lên tới 294 thủ tục các loại ở 12 lĩnh vực.
Điều này đòi hỏi cán bộ, công chức phải nắm vững, am hiểu rộng để giải quyết nhanh chóng kịp thời cho người dân. Từ khi vận hành thử trước khi sáp nhập 1 tuần, mỗi ngày có khoảng 200 người dân đến giải quyết công việc tại Trung tâm.
Riêng trong nửa buổi sáng ngày 1/7 đã có gần 100 người dân đến giải quyết các thủ tục liên quan đến giấy tờ đất đai, xe cộ… Theo Nghị quyết của Quốc hội, thành phố Cần Thơ - được hợp nhất trên cơ sở gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang - có diện tích tự nhiên 6.360,83 km2; quy mô dân số 4.199.806 người.
Số lượng đơn vị hành chính trực thuộc là 103 xã, phường (gồm 31 phường và 72 xã, trong đó thực hiện sắp xếp 95 đơn vị hành chính cấp xã, giữ nguyên trạng không sắp xếp 8 đơn vị hành chính cấp xã).
Ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, với việc hợp nhất này, thành phố sẽ có không gian rộng lớn, cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn. Đây không chỉ là một đô thị lớn, mà còn là trái tim của Đồng bằng sông Cửu Long.
Với sự đồng lòng của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, "thủ phủ" miền Tây hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước và là cực tăng trưởng quan trọng dẫn dắt cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh.”
Vận hành đồng bộ, khẩn trương, nhịp nhàng
Trong ngày đầu tiên đi vào hoạt động theo mô hình mới, hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại tỉnh Lạng Sơn vận hành trơn tru, đồng bộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh Lạng Sơn sau sắp xếp có 61 xã, 4 phường. Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Chi Lăng, khoảng 7 giờ ngày 1/7, cán bộ viên chức, chuyên viên thuộc 9 bộ phận đã có mặt đầy đủ. Ngay sau đó, nhân dân đến làm thủ tục khá đông và đến khoảng 11 giờ cùng ngày đã có gần 100 lượt người đến giải quyết thủ tục hành chính.

Đến 11 giờ ngày 1/7, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã đón gần 100 lượt công dân đến giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Chị Vũ Thu Huyền, chuyên viên bộ phận chứng thực bản sao từ bản chính cho biết, đây là một bộ phận có đông công dân đến làm thủ tục. Người dân ở đây làm nghề buôn bán và sản xuất nông nghiệp nên thường đến sớm để tranh thủ về đi làm.
Lãnh đạo Trung tâm phục vụ hành chính công xã Chi Lăng đã quán triệt tinh thần sẵn sàng phục vụ, thân thiện, hiệu quả, hiện đại, khoa học và trách nhiệm nên tất cả cán bộ chuyên viên phải có mặt ở cơ quan trước khi người dân đến làm thủ tục.
Khu vực quầy số 4 giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai luôn có số lượt người đến làm việc trong ngày đông nhất. Anh Mông Thanh Sang, cán bộ Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại xã Chi Lăng cho hay, dù có sự chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương nhưng mọi thủ tục về đất đai vẫn được giải quyết theo đúng quy định, không bị ảnh hưởng hoặc gián đoạn.
Việc bố trí cán bộ giải quyết thủ tục về đất đai ngay tại khu vực làm việc ở Trung tâm phục vụ hành chính công xã rất thuận tiện, đỡ mất công, thời gian đi lại của nhân dân.
Anh Vi Quang Hiển ở xã Chi Lăng chia sẻ, trước đây, người dân trong xã đi làm các thủ tục liên quan đến đất đai phải đi qua ít nhất 3 nơi, nhưng nay chỉ cần đến Trung tâm phục vụ hành chính công xã, không phải tốn thời gian đi lại.
Ông Lâm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Chi Lăng thông tin, theo tinh thần xây dựng chính quyền phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc, xã đã bố trí Trung tâm phục vụ hành chính công tại khu vực rộng, phòng có điều hòa, đầy đủ bàn ghế cho công dân chuẩn bị hồ sơ. Tất cả các bộ phận đều có biển chỉ dẫn, số điện thoại của cán bộ phụ trách.
Trung tâm niêm yết công khai danh mục các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; đặt bảng hướng dẫn cụ thể quy trình đăng nhập hệ thống, các bước tiến hành giải quyết thủ tục hành chính bằng tài khoản định danh VNeID.
Nội dung nào người dân không hiểu, không biết làm, cán bộ sẽ giúp đỡ, hỗ trợ... Trong ngày đầu làm việc theo mô hình mới, từ 7 giờ ngày 1/7, xã Chi Lăng đã tổ chức các cuộc họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã, họp Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân xã để giải quyết các công việc cấp bách, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng Trần Thanh Nhàn chia sẻ, sau sắp xếp xã có diện tích rộng, hơn 80km2, dân số trên 28.000 người. Xã đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn, yêu cầu cán bộ công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm; tuyệt đối không để chậm trễ, gián đoạn việc thực thi công vụ.
Không khí làm việc tại các phòng chức năng và Trung tâm phục vụ hành chính công ở xã Nhân Lý cũng diễn ra hết sức khẩn trương, nghiêm túc, nhịp nhàng. Ông Long Văn Nhân, Bí thư Đảng ủy xã thông tin, mọi công việc ngay từ buổi sáng của ngày làm việc đầu tiên theo mô hình mới hoàn toàn thông suốt.
Theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, xã đã có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt xã đã có quá trình vận hành thử nghiệm, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm nên khi đi vào vận hành chính thức chưa phát sinh vấn đề từ thực tiễn.
Thành phố Huế: Vận hành mô hình mới không phát sinh vướng mắc lớn
Ngày 1/7, ngày đầu tiên chính quyền hai cấp đi vào hoạt động, không khí làm việc tại Trung tâm hành chính công các phường, xã của thành phố Huế diễn ra nghiêm túc và khẩn trương; quá trình vận hành mô hình mới diễn ra suôn sẻ, không phát sinh vướng mắc lớn.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công của các phường mới, thuộc trung tâm của thành phố Huế như Thuận Hóa (1 Lê Viết Lượng), Phú Xuân (394 Đinh Tiên Hoàng) ghi nhận đông đảo người dân đến thực hiện thủ tục hành chính.
Tại phường Phú Xuân mới, hầu hết các quầy tiếp nhận hồ sơ Tư pháp, Địa chính-Môi trường, Xây dựng... thường xuyên kín chỗ ngồi. Các nhân viên hỗ trợ liên tục hướng dẫn người dân điền thông tin, kiểm tra giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ.
Ông Nguyễn Viết Bằng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phú Xuân cho biết, được hình thành từ việc sáp nhập của 6 phường cũ, Phú Xuân là một trong hai phường có quy mô dân số lớn nhất thành phố Huế, với hơn 130.000 người, diện tích khoảng 10,73km2.
Đến nay, cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ mô hình hành chính công tại phường đã được hoàn thiện, đầy đủ nhân lực đảm bảo giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Đặc biệt, phường đã bố trí tăng cường các cán bộ, nhân viên nhằm hướng dẫn người dân thủ tục tiếp nhận và kê khai số hóa. Đối với các thủ tục liên quan thuế, phường sẽ xem xét, kiểm tra hệ thống liên kết Thuế thành phố Huế để sớm phục vụ nhu cầu hành chính của người dân.
Ông Nguyễn Phúc Vinh, người dân trú tại phường Phú Xuân mong muốn, trong thời gian tới, phường sẽ bố trí thêm nhân lực, cán bộ tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công, đồng thời tăng cường số hóa các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận hồ sơ cho người dân. Bởi sau hợp nhất, lượng hồ sơ sẽ tăng cao nhưng mỗi lĩnh vực chỉ có một cán bộ tiếp nhận, tạo nên áp lực lớn cho họ trong quá trình làm việc về sau.
Còn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Kim Long (87 Phạm Thị Liên), mọi hoạt động diễn ra khá thuận lợi. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kim Long Đồng Sỹ Toàn cho hay, từ ngày 28/6, trung tâm đã vận hành thử nghiệm, trên cơ sở đó ghi nhận và khắc phục các vướng mắc.
Đối với một số máy móc, thiết bị sau khi tiếp nhận chưa đáp ứng đủ nhu cầu thủ tục hành chính, thời gian tới, phường sẽ có kế hoạch sửa chữa, trang bị thêm, nâng cấp đường truyền để xử lý kịp thời phục vụ nhân dân. Đến nay, tất cả các thủ tục cơ bản đang được đáp ứng, chưa có phát sinh nào dẫn đến việc trả hồ sơ.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình, để quá trình vận hành được thông suốt, từ đầu giờ sáng 1/7, Ủy ban Nhân dân thành phố đã kết nối trực tuyến với 40 trung tâm hành chính công cấp xã nhằm rà soát, kiểm tra, hồi đáp các ý kiến, vấn đề xảy ra từ cơ sở.
Dù xảy ra một số vấn đề, trục trặc liên quan đến kĩ thuật nhưng cơ bản đã được khắc phục ngay. Để đảm bảo cho người dân được giao dịch các dịch vụ công thuận lợi nhất, các địa phương hoạt động hết công suất, trách nhiệm của mình, trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Đến 10 giờ ngày 1/7, toàn thành phố Huế đã tiếp nhận khoảng 330 hồ sơ hành chính từ tất cả phường, xã.
Cùng với cả nước, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức được khởi động, đi vào vận hành đồng loạt ở tỉnh Điện Biên. Dù phải đối mặt với những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới như giao thông cách trở, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng chính quyền các xã vẫn đang nỗ lực với tinh thần phục vụ nhân dân, quyết tâm vận hành hiệu quả bộ máy mới.
Mặc dù trời có mưa, song ngay từ sáng sớm, không khí làm việc tại trụ sở xã biên giới Sam Mứn đã diễn ra tất bật, khẩn trương. Đội ngũ cán bộ, công chức đều chung niềm phấn khởi, khí thế trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công của xã, người dân được đón tiếp chu đáo, nhiệt tình và hướng dẫn cặn kẽ quy trình làm hồ sơ trực tuyến. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quy trình kỹ thuật, hệ thống máy móc, đường truyền, nên những bộ hồ sơ đầu tiên đã được tiếp nhận, xử lý theo lộ trình mới nhanh chóng, thời gian trung bình 15 phút/hồ sơ.
Là một trong những người đầu tiên đến “xông đất” tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sam Mứn, anh Phạm Quang Hải, ở thôn 1, được cán bộ đón tiếp, hướng dẫn đúng theo quy trình. Do không phải chính chủ, cộng thêm một số vướng mắc liên quan đến chủ sở hữu phần đất, nên hồ sơ của anh vẫn chưa thể giải quyết. Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn đã tận tình giải thích, hướng dẫn giúp anh Hải nắm bắt quy trình cụ thể và những việc cần làm để giải quyết hồ sơ thuận lợi.
Anh Hải chia sẻ: “Mặc dù hồ sơ chưa thể giải quyết được ngay, nhưng tôi rất hài lòng với thái độ và sự đón tiếp của cán bộ xã mới. Tôi hy vọng không chỉ ngày đầu, mà sau này vẫn tiếp tục duy trì được như vậy.”
Ông Phạm Thiết Chùy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sam Mứn cho biết, với biên chế gần 80 cán bộ, công chức, xã đang dốc toàn lực tập trung cho công việc.
Do khoảng cách 2 trụ sở xã cũ trước khi sáp nhập cách xa nhau nên hầu hết các bộ phận đều đang phải làm việc tại trụ sở xã Sam Mứn trong tình trạng thiếu phòng làm việc; phần lớn cán bộ, công chức của xã đang phải làm việc trong nhà thi đấu thể thao.
Chính quyền xã đang thực hiện song hành 2 nhiệm vụ tiếp tục ổn định tổ chức, con người, vị trí làm việc, nơi ăn chốn nghỉ; đảm bảo vận hành bộ máy thông suốt, không làm gián đoạn nhu cầu liên quan đến thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Xã biên giới Thanh Nưa, địa bàn mới được sáp nhập từ 5 xã cũ của huyện Điện Biên, có gần 30.000 dân số và 73 thôn, bản, là một xã có số dân đông nhất tỉnh sau sáp nhập. Cơ sở vật chất của xã Thanh Nưa đang rất khó khăn, thiếu thốn trong khi biên chế có hơn 100 người.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nưa Nguyễn Thái Bình, với tinh thần phục vụ nhân dân, việc đầu tiên khi vận hành bộ máy mới là xã tập trung vào hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công.
Chính quyền địa phương đã bố trí 3 điểm giao dịch hành chính tại trung tâm xã Thanh Nưa, trụ sở xã Hua Thanh và Thanh Hưng cũ. Mỗi điểm đều có cán bộ túc trực để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, các nhu cầu chính đáng của người dân, không để trường hợp nào phải đi lại quá xa.
Trong sáng 1/7, tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Nưa có 10 người dân đến giao dịch về đất đai, trong đó có 1 bộ hồ sơ được giải quyết, những hồ sơ còn vướng mắc đều hướng dẫn về các thủ tục cần bổ sung, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả./.