Chính quyền địa phương 2 cấp: Khi thanh niên làm 'cầu nối' công nghệ
Nhằm hỗ trợ địa phương vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Đoàn thanh niên 126 xã, phường của Thủ đô Hà Nội đã thành lập các đội hình tình nguyện chuyển đổi số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân tra cứu thông tin tại Điểm phục vụ hành chính công phường Đống Đa. Ảnh: Bảo Lâm
Hỗ trợ công nghệ cho người cao tuổi
Trong những ngày đầu của tuần thứ hai vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tại Hà Nội, một hình ảnh đẹp đã hiện diện khắp 126 xã, phường, đó là những đoàn viên, thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện tận tâm hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
Các đội hình từ 3-7 đoàn viên, thanh niên được phân công trực tại các điểm phục vụ hành chính công, bảo đảm hỗ trợ thao tác, hướng dẫn quy trình và phổ biến kiến thức số cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế.
"Bác có cần cháu giúp gì không ạ?", "Cháu giúp bác lấy số thứ tự nhé", "Bác ơi, để cháu kê khai giúp bác"... Những câu hỏi thân thiện này đã trở thành giai điệu quen thuộc tại Điểm phục vụ hành chính công phường Láng.

Bí thư Chi đoàn khu dân cư Trần Quyết Toán hỗ trợ người cao tuổi lấy số làm thủ tục. Ảnh: Bảo Lâm
Không chỉ đơn thuần là hỗ trợ, các đội hình thanh niên tình nguyện đã được tổ chức một cách bài bản với sự phân công rõ ràng: Nhóm phân luồng người dân theo từng loại dịch vụ; nhóm hỗ trợ lấy số thứ tự; nhóm hướng dẫn điền hồ sơ, biểu mẫu…
Bí thư Chi đoàn khu dân cư 8, phường Láng Thượng (cũ) Trần Quyết Toán chia sẻ: "Hầu hết những người lớn tuổi đều gặp khó khăn vì không quen dùng thiết bị điện tử và không nhớ các thông tin. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải kiên nhẫn, linh hoạt hỗ trợ".
Câu chuyện của ông Hà Văn Lợi, 68 tuổi, tại phường Cầu Giấy là minh chứng. Từ sự lúng túng ban đầu khi đến làm thủ tục cấp sổ đỏ, ông đã được sinh viên tình nguyện Nguyễn Hương Ly (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường) tận tình hỗ trợ.
"Tôi già rồi, mắt kém, chữ nghĩa giờ đọc chẳng rõ. May mà các cháu thanh niên tình nguyện giúp điền thông tin, hướng dẫn lấy số thứ tự, đưa đến tận bàn giải quyết thủ tục. Sự tận tình của các cháu khiến tôi cảm thấy yên tâm và tin tưởng hơn rất nhiều”, ông Lợi vui mừng chia sẻ.

Các bạn trẻ phường Cầu Giấy hỗ trợ người cao tuổi thực hiện dịch vụ công. Ảnh: Bảo Lâm
Đặc biệt, tại xã đảo Minh Châu, mô hình "2 phục vụ" đã được triển khai sáng tạo: Vừa phục vụ tại cơ quan, vừa phục vụ tại gia đình. Hiểu được đặc thù ban ngày người dân thường đi làm, các đoàn viên thanh niên đã linh hoạt chia ca làm việc, có mặt cả trưa, tối, cuối tuần.
"Nhiều trường hợp, chúng tôi phải mang theo laptop, điện thoại dự phòng, kiên nhẫn hỏi từng thông tin để giúp người lớn tuổi hoàn thiện hồ sơ trực tuyến", Bí thư Đoàn Thanh niên xã Minh Châu Nguyễn Tuyển Tùng cho biết.
Không dừng lại ở hỗ trợ trực tiếp, các đoàn viên thanh niên còn tận dụng công nghệ để tạo kết nối bền vững. Nhóm Zalo được lập cho từng đơn vị dân cư, giúp thông tin từ chính quyền đến người dân một cách nhanh chóng và chính xác.
"Mỗi đoàn viên không chỉ là một tình nguyện viên, mà còn là một 'cầu nối' công nghệ giúp bà con tiếp cận dịch vụ công", anh Nguyễn Tuyển Tùng khẳng định.
Cầu nối giữa chính quyền và người dân
Theo chỉ đạo của Trung ương Đoàn, các tỉnh, thành đoàn đã nhanh chóng triển khai 3.321 đội thanh niên tình nguyện tại 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu trên toàn quốc. Đây không chỉ là con số thống kê, mà là minh chứng cho sự quyết liệt trong việc đưa công nghệ đến từng làng xóm, ngõ phố.

Đoàn viên, thanh niên phường Tây Hồ hỗ trợ thông tin cho người dân. Ảnh: PV
Tại Hà Nội, sự phản ứng nhanh chóng của tuổi trẻ Thủ đô đã tạo nên hình ảnh ấn tượng. Phó Bí thư phụ trách Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết, ngay sau khi thành phố triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, 126 đội hình tình nguyện đã nhanh chóng được triển khai tại 126 điểm phục vụ hành chính công và được chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Đặc biệt, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố đã chú trọng tập huấn đội ngũ tình nguyện viên gắn với các nội dung, điểm mới của chiến dịch năm nay, nhất là đội ngũ tham gia hoạt động chuyển đổi số để phục vụ các dịch vụ hành chính công của thành phố Hà Nội.

Sinh viên Lê Hải Yến (Học viện Ngoại giao) giải đáp câu hỏi của người dân tại phường Đống Đa. Ảnh: Bảo Lâm
Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn phối hợp với các trường đại học, học viện trên địa bàn thường xuyên mở các lớp “Bình dân học vụ số” dựa trên nhu cầu của người dân địa phương. Trong đó, triển khai một số mô hình điểm tại các địa bàn có điều kiện đặc thù như khu vực đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp…
Trước mắt, các đội hình thanh niên sẽ đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và người dân, nhất là tập trung hướng dẫn bà con thực hiện thủ tục liên quan đến căn cước công dân, sử dụng VNeID; hỗ trợ cập nhật, đồng bộ dữ liệu hành chính; phối hợp hỗ trợ các thủ tục chuyển đổi thông tin cá nhân, tổ chức… Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công tại cơ sở.

Đoàn viên, thanh niên xã Thanh Trì tận tình hỗ trợ người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: PV
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thanh Trì Hoàng Minh Hằng cho rằng: “Một chính quyền gần dân phải cởi mở, lắng nghe, cung cấp dịch vụ công minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý xã hội. Thanh niên chính là lực lượng then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này, thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tham gia tổ công nghệ số cộng đồng”.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, hình ảnh thanh niên tình nguyện tận tâm hỗ trợ người dân không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, mà còn khẳng định vai trò của thế hệ trẻ trong quá trình hiện đại hóa hành chính.