Chính quyền đô thị và quyền của người dân

Mới đây,TP Hồ Chí Minh đã tái khởi động Đề án chính quyền đô thị sau một thời gian khá dài im ắng. Cụ thể, Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND TP Dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP HCM được thí điểm mô hình chính quyền đô thị, từng trình lên Trung ương Đề án Chính quyền đô thị vào năm 2014 nhưng không được thông qua.

Triều cường gây ngập tại nhiều nơi TP HCM.

Triều cường gây ngập tại nhiều nơi TP HCM.

Có thể coi khởi điểm quan trọng là vào cuối tháng 8/2013, Thành ủy TP HCM đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt góp ý Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị. Cốt lõi của Chính quyền đô thị trong Đề án là nâng cao quyền tự chủ, phát huy tính năng động, sáng tạo của TP HCM thông qua các thiết kế về tổ chức bộ máy, tái bố trí lại địa giới hành chính, thay đổi phương thức phân cấp nhằm củng cố các cơ sở cần thiết cho một chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân; thay đổi tư duy, phương thức quản lý điều hành.

Cũng dịp này, cụm từ “chiếc áo của TP HCM đã chật”được nêu ra để sau này thường được nhắc đến mỗi khi đề cập đến việc cần có cơ chế “thoáng” cho thành phố.

Sau đó chừng 1 tháng, cuối tháng 9/2013, HĐND TP HCM khóa VIII tổ chức kỳ họp thứ 11 về chuyên đề: Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP HCM. Được biết, cho tới thời điểm đó, Đề án Chính quyền đô thị đã được TP HCM tổ chức 7 hội nghị lấy ý kiến. Theo Dự thảo đề án, Chính quyền đô thị TP HCM được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương có hai cấp: Chính quyền thành phố và chính quyền cấp cơ sở.

Khi trao đổi về Đề án, nhiều đại biểu HĐND TP HCM cho rằng, Chính quyền đô thị phải giảm được tầng nấc trung gian, tinh gọn bộ máy, trách nhiệm rõ ràng. Chính quyền đô thị là yêu cầu của thực tiễn nhằm phát triển TP HCM thành một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao lưu và hợp tác, hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Lần này, tái khởi động Đề án Chính quyền đô thị, theo Sở Nội vụ TP HCM, điểm khác biệt lớn nhất là thành phố sẽ xin chủ trương trước. Nếu được Bộ Chính trị đồng thuận mới bắt tay xây dựng đề án cụ thể, chi tiết. Hơn nữa, lần này trong Đề án sẽ chỉ còn một thành phố vệ tinh phía Đông gắn liền với khu đô thị sáng tạo ở quận 2, 9 và Thủ Đức, thay vì 4 như trước đây.

Cách làm này nhận được đồng thuận của cán bộ quản lý cũng như giới chuyên gia đô thị. Việc chuẩn bị kỹ càng, xin phép trước là cần thiết vì rằng nền hành chính có sự thay đổi lớn một cách đột ngột sẽ khó tránh khỏi lực cản từ đó nảy sinh bất cập khiến hoạt động của bộ máy không trơn tru.

Trong Đề án lần này, TP HCM đề xuất xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, thành phố thuộc thành phố và phường, xã, thị trấn). Cùng với đó là việc không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố - ở đây là thành phố vệ tinh phía Đông - thuộc TP HCM; phường, xã, thị trấn, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Cách đây 10 năm, TP HCM là 1 trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII có hiệu lực vào ngày 1/4/2009. Việc thí điểm cho thấy đã giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan. Khi tái lập lại HĐND cấp huyện, quận, phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì bộ máy hành chính TP thêm cồng kềnh khi tăng hơn 8.000 biên chế.

Vì thế, lần này, với việc tái khởi động Đề án Chính quyền đô thị, người ta kỳ vọng vào sự năng động của mô hình, cũng như tinh gọn đội ngũ, để cuối cùng là có thể vận hành tốt một đô thị hơn 10 triệu dân, có vị trí đặc biệt quan trọng của đất nước. Nhưng, mấu chốt vẫn là vận hành thế nào. Khi không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố thuộc thành phố, phường, xã, thị trấn thì vẫn phải làm sao bảo đảm cho được quyền làm chủ của người dân, cử tri ở những nơi này. Để làm được điều đó, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận phải được củng cố, phát huy thông qua việc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là phải tập trung vào những vấn đề bức xúc của người dân. Có Chính quyền đô thị rồi thì quyền của người dân thế nào, chí ít có bằng như trước hay lại bị giảm đi, là vấn đề rất hệ trọng, phải được rõ ràng, minh bạch và rất thực tế. Cùng đó, những vấn đề rất dân sinh trong cuộc sống hàng ngày thành phố sẽ giải quyết ra sao, như việc ùn tắc giao thông đã thành “bệnh mãn tính”; triều cường, mưa to gây ngập lội; ô nhiễm không khí; ma túy cùng các tệ nạn xã hội… Người dân trông chờ điều đó với bất cứ mô hình chính quyền nào.

Một trong những ý kiến rất đáng chú ý nữa khi bàn về Chính quyền đô thị là phân cấp chứ không “bán cái”. Việc mở rộng sự phân cấp cho chính quyền thành phố trên một số lĩnh vực theo Đề án Chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện thuận lợi để TP HCM chủ động, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tăng các khoản đầu tư cho thành phố. Nhưng, phân cấp chứ không “bán cái”, mà không có sự giám sát. Giao quyền cho cơ sở để họ chủ động, nhưng không phải như thế là xong, không thể nếu xảy ra chuyện gì thì mình vẫn “vô can”.

Nhìn chung, việc TP HCM tái khởi động Đề án Chính quyền đô thị cùng với việc Thủ đô Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 là những động thái mạnh mẽ trong việc đổi mới tổ chức bộ máy phù hợp với sự phát triển của tình hình mới. Tuy nhiên, khi đầu mối ít đi thì quyền lực của những đầu mối mới sẽ tăng lên. “Tâm” và “tầm” của những vị công bộc đó ra sao thì vẫn là chuyện “hãy đợi đấy!”.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chinh-quyen-do-thi-va-quyen-cua-nguoi-dan-tintuc452503