Chính quyền ông Donald Trump muốn 'lật lại' vụ ám sát Tổng thống John F.Kennedy?
Ngày 18/3/2025, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ đã công bố hàng ngàn trang tài liệu trong hồ sơ liên quan vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp vào tháng 1/2025, yêu cầu giải mật toàn bộ tài liệu về vụ ám sát Tổng thống Kennedy, cựu Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy và mục sư Martin Luther King Jr., thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông về việc mang lại "tính minh bạch tối đa" cho chính phủ.
Quyết định này cũng được coi là một bước đi chiến lược nhằm củng cố hình ảnh của ông Trump với cử tri, đặc biệt là những người có niềm tin rằng chính phủ Mỹ trong nhiều thập kỷ qua đã che giấu sự thật về các vụ ám sát này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công bố hồ sơ vụ ám sát cựu Tổng thống John F. Kennedy tại Phòng Bầu dục hồi tháng 1. Ảnh: AFP.
Ngày kinh hoàng
Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 22/11/1963 tại Dealey Plaza, Dallas, Texas khi đang diễu hành vận động tranh cử cùng phu nhân Jacqueline Kennedy và Thống đốc Texas John Connally. Ông Kennedy trúng đạn và qua đời lúc 13 giờ cùng ngày tại bệnh viện Parkland. Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson ngay lập tức tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Sau 10 tháng điều tra, Ủy ban Warren kết luận rằng Oswald hành động một mình. Tuy nhiên, vào năm 1979, Ủy ban Các vụ ám sát Mỹ (HSCA) lại đưa ra một kết luận khác, cho rằng có khả năng đây là một âm mưu, dựa trên phân tích âm thanh và xác định có ít nhất 2 tay súng tham gia. Tuy nhiên, họ không thể xác định rõ danh tính những kẻ chủ mưu.
Chỉ 7 tuần trước khi vụ ám sát xảy ra, CIA đã chặn được một cuộc gọi khả nghi đến Đại sứ quán Liên Xô tại Mexico City. Trong cuộc gọi này, một người đàn ông nói tiếng Nga không trôi chảy đã tự xưng là "Oswald" và yêu cầu thông tin về việc xin thị thực để trở lại Liên Xô. Đó chính là Lee Harvey Oswald, kẻ sau này sẽ bị xác định là thủ phạm ám sát Tổng thống Kennedy. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện không mang lại thông tin gì đáng kể khi viên chức Liên Xô trả lời rằng họ không có cập nhật nào và nhanh chóng cúp máy.
Nội dung cuộc điện thoại này đã được ghi lại trong một bản ghi nhớ dài 23 trang của CIA. Dù phần lớn nội dung đã được công bố từ nhiều năm trước, một số chi tiết từng bị xếp vào diện tối mật mãi đến năm 2022 mới được tiết lộ cùng hơn 13.000 hồ sơ nguyên gốc do Cục Lưu trữ Quốc gia công bố theo quy định của pháp luật.
Phần thông tin từng bị giữ kín trong tài liệu này chủ yếu liên quan đến cách thức CIA tiến hành việc giám sát. Theo bản ghi nhớ, CIA đã có được thông tin về cuộc gọi của Oswald nhờ hệ thống nghe lén điện thoại bí mật có sự phối hợp của cơ quan này với Văn phòng Tổng thống Mexico. Điều đáng chú ý là ngay cả giới chức an ninh và thực thi pháp luật Mexico cũng không được biết về hoạt động này.
Nhiều thuyết âm mưu cho rằng dù không có bằng chứng cụ thể chứng minh rằng vụ ám sát Kennedy là một âm mưu phức tạp do chính CIA, mafia, hoặc các thế lực nước ngoài dàn dựng, những góc khuất được công bố càng khiến dư luận thêm hoài nghi về cách CIA che đậy các hoạt động tình báo, đặc biệt là những chiến dịch giám sát tại nước ngoài. Sự thiếu minh bạch của CIA cũng làm dấy lên nghi ngờ về khả năng chính phủ Mỹ che giấu điều gì đó liên quan đến vụ ám sát.
Nhiều người đã đặt dấu hỏi rằng liệu Oswald có liên hệ với bất kỳ tổ chức nào của Mỹ trước vụ ám sát hay không? Theo các tài liệu công bố năm 2022, Oswald từng nằm trong danh sách theo dõi của FBI do từng đào tẩu sang Liên Xô. Một đặc vụ FBI tại Dallas đã được giao nhiệm vụ giám sát Oswald, tuy nhiên một số tài liệu liên quan đến hoạt động này đã bị Ủy ban Warren - nhóm điều tra chính thức về vụ ám sát - hủy bỏ hoặc giữ kín.
Những người ủng hộ thuyết âm mưu tin rằng có thể CIA đã có liên hệ đặc biệt với Oswald. Tài liệu cho thấy cơ quan này đã biết về hắn trước đó và lưu hồ sơ chi tiết về hắn. Khi Oswald bị bắt giữ sau vụ ám sát, thông tin này đã gây ra một sự xáo trộn tại trụ sở CIA. Một bản ghi nhớ nội bộ mô tả phản ứng của các quan chức CIA khi nghe tin về vụ ám sát: "Khi tin tức về vụ ám sát Tổng thống Kennedy lan truyền vào chiều ngày 22/11/1963, các nhân viên bật đài radio ở khắp nơi để theo dõi. Khi cái tên Lee Oswald được nhắc đến, bầu không khí giống như bị điện giật. Ngay sau đó, FBI đã gửi một thông điệp khẩn cấp, xác định Oswald là nghi phạm chính và yêu cầu CIA cung cấp tất cả thông tin có thể".
Ngay lập tức, các đặc vụ CIA đã rà soát lại hồ sơ của Oswald, trong khi các văn phòng tại Mexico City và Washington nhanh chóng trao đổi thông tin. Một số quan chức CIA cũng lo lắng rằng họ có thể bị đổ lỗi vì không giám sát chặt chẽ Oswald trước đó.
Thời điểm đó, CIA thừa nhận vẫn còn giữ lại một số tài liệu liên quan đến vụ ám sát ông Kennedy. Trong một bức thư gửi Nhà Trắng, CIA giải thích rằng việc công bố các tài liệu này có thể tiết lộ danh tính các nhân viên tình báo, phương pháp hoạt động bí mật, và các chương trình gián điệp vẫn đang có hiệu lực. Nhiều chuyên gia cho rằng những tài liệu này có thể chứa bằng chứng cho thấy ông Kennedy bị sát hại bởi những kẻ thù chính trị trong chính phủ, những người đã thao túng cuộc điều tra để lái sự chú ý theo hướng khác. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể để chứng minh những hoài nghi này.
Nhiều người cho rằng những gì được tiết lộ cũng chưa đủ để xé bức màn hoài nghi về một trong những sự kiện gây tranh cãi với nhiều thuyết âm mưu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng thống John F. Kennedy và Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy ngồi trên xe ở Dallas, Texas, ngày 22/11/1963, ngay trước thời điểm ông bị ám sát. Ảnh: Bettmann Archive.
Những tiết lộ chấn động
Lần này, số hồ sơ dự kiến được công bố gồm hơn 80.000 tài liệu, hé lộ nhiều chi tiết chưa từng lộ sáng. Ngày 18/3, hơn 1.100 tài liệu, hơn 31.000 trang liên quan đến vụ ám sát đã được đăng tải lên trang mạng của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ. Trước đó, Cơ quan này đã công bố phần lớn 6 triệu trang tài liệu gồm hồ sơ, ảnh, phim ảnh, bản ghi âm và hiện vật liên quan đến vụ ám sát cựu Tổng thống Kenedy được lưu trữ tại đây.
Trong số các tài liệu kỹ thuật số có các bản PDF, trong đó có một bản đóng dấu "Mật", ghi lại cuộc phỏng vấn năm 1964 của một nhà nghiên cứu Ủy ban Warren, người đã thẩm vấn Lee Wigren - một nhân viên CIA, về những điều không nhất quán trong các tài liệu mà Bộ Ngoại giao và CIA cung cấp cho Ủy ban. Bên cạnh đó, còn có các tài liệu từ năm 1963 của Bộ Quốc phòng đề cập đến Chiến tranh Lạnh đầu những năm 60 của thế kỷ trước và sự tham gia của Mỹ ở Mỹ Latinh.
Lee Harvey Oswald từng đào tẩu sang Liên Xô vào năm 1959 và kết hôn với Marina Oswald, một phụ nữ Nga. Tài liệu cho thấy FBI và CIA đã giám sát Oswald từ trước khi người này quay trở lại Mỹ. Các báo cáo tình báo từ KGB ghi nhận Oswald là một kẻ có tâm lý bất ổn, không phù hợp để hoạt động như một điệp viên.
Một số tài liệu tiết lộ về chiến dịch "Operation Mongoose" - kế hoạch bí mật của CIA nhằm lật đổ chính quyền Fidel Castro. Nhiều giả thuyết cho rằng ông Kennedy bị ám sát vì những quyết định liên quan đến Cuba. Có tài liệu cho thấy Oswald từng có liên hệ với những nhóm ủng hộ ông Castro, làm dấy lên nghi vấn về việc ông có thể là quân cờ trong một âm mưu lớn hơn.
Robert F. Kennedy Jr., cháu trai của ông Kennedy, công khai bày tỏ nghi ngờ rằng CIA có thể đã liên quan đến cái chết của cố Tổng thống. Nhiều tài liệu trước đây bị kiểm duyệt nay đã được công bố, cho thấy một số quan chức tình báo từng tìm cách bưng bít thông tin về vụ ám sát. Tuy nhiên, CIA vẫn phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc dính líu.
Một số tài liệu mới được tìm thấy tại FBI tiết lộ rằng Oswald đã bị theo dõi gắt gao trong nhiều tháng trước vụ ám sát. Một tài liệu đề cập rằng ông ta có thể đã liên hệ với Đại sứ quán Cuba tại Mexico City vài tuần trước khi Tổng thống Kennedy bị bắn, làm dấy lên suy đoán về sự tham gia của các thế lực nước ngoài.
Việc công bố tài liệu đã làm dấy lên những phản ứng trái chiều. Giáo sư Fredrik Logevall (Đại học Harvard) cho rằng tài liệu mới có thể làm sáng tỏ một số khía cạnh của vụ ám sát, nhưng khó có thể lật ngược kết luận chính thức rằng Oswald là kẻ ám sát đơn độc. Trong khi đó, một số thành viên gia đình ông Kennedy chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump vì không thông báo trước cho gia đình ông trước khi công bố hồ sơ.
Chỉ là bước khởi đầu
Thực tế vụ ám sát Tổng thống Kennedy vẫn luôn là một trong những sự kiện gây tranh cãi và đi cùng nhiều thuyết âm mưu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong nhiều thập kỷ qua, dư luận Mỹ chưa bao giờ chấp nhận hoàn toàn kết luận của Ủy ban Warren rằng Oswald hành động một mình. Thậm chí vài cuộc khảo sát gần đây cho thấy vẫn có hơn 60% người Mỹ tin rằng có một âm mưu lớn đằng sau vụ ám sát chấn động này.
Tổng thống Trump tuyên bố đây chưa phải là điểm dừng. Chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch công bố thêm hồ sơ về vụ ám sát mục sư Martin Luther King Jr. và Tổng thống Robert F. Kennedy năm 1968. Nếu được thực hiện, đây có thể sẽ là những diễn biến làm thay đổi cách nhìn nhận của công chúng về những vụ ám sát chấn động lịch sử nước Mỹ.
Các chuyên gia đang tích cực tiếp tục phân tích tài liệu mới công bố để tìm kiếm những chi tiết có thể giúp giải mã vụ án. Dù hiện tại chưa có bằng chứng nào bác bỏ kết luận rằng Oswald hành động độc lập, nhưng với việc giải mật toàn bộ hồ sơ, công chúng có thể tiếp cận nhiều hơn với các dữ kiện lịch sử và có những nhận định riêng. Vẫn còn nhiều câu hỏi mà công chúng muốn có lời hồi đáp rõ ràng: Ai thực sự đứng sau vụ ám sát? Liệu còn tài liệu nào chưa được công khai? Những thế lực nào có thể đã can thiệp vào sự kiện chấn động này?