Chính quyền phố cổ Hội An chỉ đạo 'nóng' sơn lại Chùa Cầu sau khi có dư luận di tích bị làm mới
Ngày 29/7, Chủ tịch UBND TP Hội An ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân và du khách cho rằng Chùa Cầu sau trùng tu trở nên lạ lẫm vì màu sắc di tích quá mới và hiện đại, đích thân ông đã chỉ đạo nóng đơn vị thực hiện trùng tu di tích - Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, xử lý lại màu cho Chùa Cầu.
Trao đổi với Báo CAND ông Nguyễn Văn Sơn sáng nay (29/7), Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) khẳng định, thành phố đang giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An xử lý, "làm cũ" Chùa Cầu trước khi khánh thành vào ngày 3/8 sắp đến; cụ thể, sẽ sơn lại màu nhạt hơn so với màu đỏ phía trước và sau Chùa Cầu, còn bên hông sẽ sơn lại màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.
"Quá trình trùng tu Chùa Cầu, đơn vị thực hiện trùng tu di tích đã rất trung thành với nguyên bản, song màu mới của sơn vôi có sáng hơn màu sắc rêu cũ, cổ kính vốn có của phố Cổ. Sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân, du khách và báo chí, Hội An sẽ sơn lại màu công trình phù hợp hơn, sát với màu cũ của công trình", Chủ tịch UBND TP Hội An nói.
Như Báo CAND đã thông tin, diện mạo mới của Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu nhận nhiều ý kiến trái chiều từ du khách, dư luận ngay từ ngày 25/7 khi đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn sau gần 2 năm tiến hành trung tu. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, khiến di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây.
Ngày 29/7, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cũng cho biết: "Màu sắc trước trùng tu là màu của gần 20 năm phai nhạt theo thời gian và chưa được sơn phết. Còn bây giờ chúng ta thấy đậm hơn là do màu gốc như vậy. Đây là quét vôi chứ không phải sơn vôi, nên theo thời gian nó sẽ phai màu rất nhanh.
Có ý kiến cho rằng, nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho Chùa Cầu bớt “mới” đi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc “không làm giả” mà Dự án đã đề ra, đặc biệt dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.
Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu, hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, tết đến xuân về hằng năm.
"Trung tâm cũng sẽ xuất bản công khai cuốn sách ghi chép lại tất cả quá trình nghiên cứu, trùng tu vào đúng ngày khánh thành trung tu di tích Chùa Cầu vào 3/8/2024 để du khách, người dân được hiểu hơn”, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An khẳng định.