Chính quyền quân sự Niger cho phép quân đội Mali, Burkina Faso can thiệp nếu bị tấn công
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, chính quyền quân sự lên nắm quyền ở Niger sau cuộc đảo chính tháng trước tuyên bố sẽ ủy quyền cho lực lượng vũ trang các nước láng giềng Mali và Burkina Faso can thiệp vào lãnh thổ Niger trong trường hợp nước này bị tấn công.
Nội dung trên được nêu rõ trong một tuyên bố chung nhân dịp các Ngoại trưởng Olivia Rouamba của Burkina Faso và Abdoulaye Diop của Mali thăm Niamey ngày 24/8. Người đứng đầu chính quyền quân sự ở Niger, Tướng Abdourahamane Tiani đã tiếp Ngoại trưởng hai nước láng giềng này.
Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhiều lần tìm cách đàm phán với chính quyền quân sự ở Niger, nhưng cũng cảnh báo sẵn sàng can thiệp quân sự để khôi phục trật tự hiến pháp tại nước này nếu nỗ lực ngoại giao thất bại.
Trong khi đó, các nước láng giềng Mali và Burkina Faso tuyên bố sẽ ủng hộ Niger nếu nổ ra một cuộc xung đột với ECOWAS. Ngày 24/8, Ngoại trưởng Mali và Burkina Faso đến Niamey đã thảo luận với người đồng cấp trong chính quyền quân sự Niger về việc thúc đẩy hợp tác an ninh và các vấn đề chung khác. Tuyên bố chung sau cuộc họp tái khẳng định lập trường phản đối việc can thiệp vũ trang vào Niger, coi hành động đó là tuyên chiến.
Cùng ngày 24/8, Algeria thông báo cử Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Algeria Lounes Magramane tới nước láng giềng Niger để tìm kiếm một sáng kiến ngoại giao. Trong chuyến thăm, ông Lounes Magramane đã gặp các thành viên chính phủ Niger do quân đội bổ nhiệm, gồm Thủ tướng Ali Mahaman Lamine Zeine, Bộ trưởng Quốc phòng Salifou Mody, Ngoại trưởng Bakary Yaou Sangare và Bộ trưởng Tư pháp Alio Daouda. Tại các cuộc gặp, nhà ngoại giao Algeria nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán giải quyết khủng hoảng.
Về vấn đề ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger, trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Sahel, ông Lounes Magramane nhận định mọi hoạt động can thiệp vào Niger đều sẽ gây ra hậu quả không chỉ đối với Niger mà còn đối với tất cả các nước trong khu vực. Ông bày tỏ hy vọng tăng cường nỗ lực quốc tế và khu vực thúc đẩy sự ủng hộ đối với tiến trình chính trị và hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger.
Trước đó 1 ngày, Ngoại trưởng Algeria Ahmed Attaf cũng đã thăm 3 quốc gia thuộc ECOWAS là Nigeria, Benin và Ghana để thảo luận tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Niger. Ngày 24/8, Ngoại trưởng Attaf cho biết Algeria và Nigeria đã nhất trí cần phối hợp các nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị và hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Niger hiện nay.
Cùng ngày 24/8, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Florencia Soto Nino-Martinez, cho biết tình hình ở Niger đang khiến việc rút lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ khỏi nước láng giềng Mali trở nên phức tạp hơn. LHQ đang đánh giá lại những tác động của tình hình Niger đối với hoạt động nêu trên.
Tháng 6 vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ quyết định chấm dứt sứ mệnh của phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA), theo đó hoàn tất rút lực lượng này trong vòng 6 tháng (đến ngày 31/12/2023). Người phát ngôn cho biết cuộc đảo chính ở Niger có thể “tác động đáng kể” đến quá trình rút quân do Niger là một trong những tuyến đường chính để đưa nhân viên và các thiết bị rời khỏi Mali. Việc Niger đóng cửa biên giới khiến LHQ buộc phải tìm các tuyến đường thay thế.
MINUSMA được HĐBA LHQ triển khai vào năm 2013. Đây là một trong những nhiệm vụ gìn giữ hòa bình gian nan nhất của LHQ, hơn 300 binh lính gìn giữ hòa bình đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ tính đến ngày 30/6/2023.