Chính quyền Taliban yêu cầu quốc tế công nhận và đòi ghế đại diện tại Liên Hợp Quốc
Chính quyền Taliban đã họp báo, thông tin về một loạt vấn đề từ bổ nhiệm nốt các thành viên chính phủ, yêu cầu quốc tế công nhận, đòi ghế đại diện tại Liên Hợp Quốc và bác bỏ quan hệ với các nhóm khủng bố...
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, ngày 21/9, Taliban đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế tại Trung tâm Báo chí Kabul (GMIC). Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid chủ trì cuộc họp báo đã thông tin về một loạt vấn đề.
Mujahid đã công bố danh sách các bộ trưởng và thứ trưởng còn lại của chính phủ lâm thời, tất cả đều là nam giới, nhưng nói sẽ không loại trừ có phụ nữ trong tương lai. Ông ta thông báo Taliban đã bổ nhiệm nốt các thành viên chính phủ lâm thời còn lại, nói họ được bổ nhiệm thông qua khuôn khổ mệnh lệnh hành pháp của Lãnh tụ tối cao Mullah Hebtullah Akhund, tuyên bố rằng danh sách này có người của các nhóm sắc tộc khác như Hazara và sau này có thể có phụ nữ trong nội các, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Ông ta cũng nói, Taliban sẽ công bố chấp thuận cho các nữ sinh trung học trở lại trường học và cho phép phụ nữ đi làm “căn cứ theo luật Hồi giáo”.
Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban chủ trì cuộc họp báo ngày 21/9 (Ảnh: Đông Phương).
Trước đó, ông Mujahid nói với truyền thông Đức rằng một môi trường an toàn cần được tạo ra trước khi các học sinh nữ trung học có thể trở lại trường học. Taliban đã cấm học sinh nữ tiếp nhận giáo dục trong thời gian họ cầm quyền từ năm 1996 đến 2001. Do đó, sau khi Taliban lên nắm quyền trở lại ở Afghanistan hôm 15/8, câu hỏi liệu các nữ sinh có thể được đến trường học hay không đã thu hút sự chú ý của dư luận. Hiện tại, học sinh nữ tiểu học và nữ sinh viên đại học đã được trở lại lớp học, trong đó nam và nữ học lớp riêng, ở một số trường đại học còn dùng rèm vải hoặc vách gỗ ngăn cách học sinh nam và nữ trong một lớp.
Mujahid nói trong cuộc họp báo, về vấn đề trường học, Bộ Giáo dục đang nỗ lực mở đường cho việc giáo dục học sinh nữ trung học, và ông hy vọng điều đó sẽ xảy ra càng sớm càng tốt. Theo một bài báo của Russia Today ngày 19/9, Mujahid nói với truyền thông Đức Der Spiegel rằng một "môi trường an toàn" cần phải được tạo ra trước khi các học sinh nữ trung học có thể trở lại trường học.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul - một trong số rất ít cơ quan ngoại giao nước ngoài vẫn còn hoạt động sau khi Taliban quay trở lại nắm quyền (Ảnh: Đông Phương).
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo Mujahid đã lên tiếng chỉ trích cộng đồng quốc tế “đến nay vẫn chưa công nhận chế độ Taliban một cách hết sức vô lý”. Ông ta nói: “Liên Hợp Quốc có trách nhiệm công nhận Taliban, cho phép các nước Á - Âu và Hồi giáo phát triển quan hệ ngoại giao với Afghanistan”.
Tại cuộc họp báo, Mujahid cảm ơn sự ủng hộ lâu dài của Trung Quốc đối với Afghanistan cũng như những tuyên bố gần đây của Bắc Kinh, đồng thời lạc quan về mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai và cho rằng hai nước đã bắt đầu thiết lập mối quan hệ tốt đẹp. Trước đó, Taliban Afghanistan nhiều lần bày tỏ mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc là một đối tác lớn.
Khi được tờ báo La Repubblica của Italy phỏng vấn vào ngày 2/9, Mujahid đã chỉ ra rằng sau khi quân đội nước ngoài rút đi, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác chính của chính phủ mới của Afghanistan, đây là cơ hội tốt để Trung Quốc có kế hoạch đầu tư vào Afghanistan và hỗ trợ công việc tái thiết nước này. Mujahid cũng nói rằng Taliban rất quan tâm đến sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.
Khả năng quyền Ngoại trưởng Muttaqi của chính quyền Taliban được phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gần như không có (Ảnh: Đông Phương).
Hãng tin Anh Reuters hôm thứ Ba (21/9) đưa tin Taliban đã yêu cầu được phát biểu tại Đại hội đồng LHQ trong tuần này và đề cử một trong những người phát ngôn của họ là Suhail Shaheen làm đại sứ tại LHQ.
Theo bản tin, quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi do Taliban bổ nhiệm hôm thứ Hai (20/9) đã gửi một lá thư cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, yêu cầu được phát biểu tại cuộc tranh luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres, ông Farhan Haq xác nhận đã nhận được thư của Muttaqi và đã chuyển yêu cầu của Taliban về việc đề cử đại sứ cho "Credentials Committee" (Ủy ban Chứng nhận) xử lý. Ủy ban này có 9 quốc gia thành viên, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Bahamas, Bhutan, Chile, Namibia, Sierra Leone và Thụy Điển, chịu trách nhiệm quyết định những thực thể chính trị nào được Liên Hợp Quốc công nhận là đại diện hợp pháp của họ tại tổ chức này. Tuy nhiên, các tin tức chỉ ra rằng Ủy ban Chứng nhận khó có thể họp về vấn đề của các đại diện Afghanistan cho đến thứ Hai tuần sau (ngày 27/9), vì vậy người ta nghi ngờ khả năng Muttaqi được phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Taliban đã bổ nhiệm Suhail Shaheen làm đại sứ tại LHQ nhưng chưa được công nhận (Ảnh: Đông Phương).
Reuters cho rằng nếu Liên Hợp Quốc chấp nhận tư cách đại sứ của Taliban tại tổ chức này, đó sẽ là một bước quan trọng để Taliban phấn đấu được quốc tế công nhận, điều này sẽ giúp giải phóng ngân quỹ cho Afghanistan, tình trạng kinh tế đang bên bờ vực thẳm.
Hiện nay, ghế đại diện của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc vẫn thuộc về chính phủ Afghanistan đã bị lật đổ. Đại sứ Ghulam Isaczai, người đại diện cho chính quyền cũ dự kiến sẽ phát biểu vào ngày thứ Hai tuần tới (27/9), tức ngày họp cuối cùng của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hiện tại vẫn chưa biết có quốc gia nào phản đối ông phát biểu hay không.
Một vấn đề quan trọng khác là, sau khi lực lượng Taliban quay lại cầm quyền ở Afghanistan, cộng đồng quốc tế lo ngại liệu khủng bố có sống lại ở đây hay không. Zabihullah Mujahid nói tại cuộc họp báo hôm 21/9: “Không có bằng chứng nào cho thấy các tay súng của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc tổ chức khủng bố Al-Qaeda đang ở Afghanistan”, nhấn mạnh rằng Afghanistan sẽ không đe dọa các nước khác.
Mujahid bác bỏ thông tin Al-Qaeda vẫn tồn tại ở Afghanistan, đồng thời nói rằng sẽ không có ai được phát động các hoạt động quân sự từ Afghanistan để tấn công các nước thứ ba. Ông ta chỉ ra rằng: “Không có người Afghanistan quan hệ với Al-Qaeda, tình hình của IS ở Iraq và Syria sẽ không lặp lại ở Afghanistan; mặc dù một số người Afghanistan có thể đồng ý với lý tưởng của IS, nhưng không ủng hộ rộng rãi”. Mujahid nhấn mạnh: “Các lực lượng an ninh của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan đã sẵn sàng ngăn chặn IS ngồi dậy bất cứ lúc nào”.
Các thành viên tổ chức cực đoan ISIS-K tại Afghanistan (Ảnh: Đông Phương).
Chi nhánh ở Afghanistan của IS mang tên “Nhà nước Hồi giáo - Tỉnh Khorasan” (ISIS-K), đã thừa nhận phát động một loạt vụ tấn công gần đây, bao gồm một vụ đánh bom liều chết tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai của thủ đô Kabul hồi tháng trước, khiến 13 binh sĩ Mỹ và 170 thường dân Afghanistan thiệt mạng. ISIS-K có căn cứ ở miền đông Afghanistan và có xung đột từ lâu với Taliban do sự bất đồng về kinh tế và ý thức hệ.
Mới đây nhất, một loạt vụ nổ đã xảy ra tại Jalalabad, tỉnh Nagarha, Afghanistan vào hôm thứ Bảy tuần trước (18/9), khiến nhiều thành viên Taliban và dân thường thiệt mạng và bị thương. Đây là cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Taliban kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo-Tỉnh Khorasan (ISIS-K)”, chi nhánh của tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Afghanistan, hôm 19/9 thừa nhận đã phát động loạt vụ tấn công này và khoe đã khiến ít nhất 35 thành viên Taliban thương vong.