Chính quyền Tổng thống Mỹ: Hai bức tranh trái ngược

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có màn thể hiện tương đối trái ngược trên bình diện đối nội và đối ngoại.

Hai cuộc khảo sát cho thấy những tín hiệu khác nhau về sự ủng hộ đối với chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Hai cuộc khảo sát cho thấy những tín hiệu khác nhau về sự ủng hộ đối với chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 26 và 27/6, Ipsos (Pháp)/Reuters (Mỹ) và Pew Research (Mỹ) lần lượt công bố kết quả khảo sát về tỷ lệ ủng hộ nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden. Nếu như IpsosGallup khảo sát về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với chính quyền đương nhiệm, Pew Research lại thăm dò thái độ của cộng đồng quốc tế đối với ông chủ Nhà Trắng và nội các hiện nay. Tuy nhiên, điểm thú vị hơn cả lại đến từ sự tương phản giữa hai khảo sát này.

Bài toán khó nhằn

Có ba nét lớn trong khảo sát thái độ của cử tri Mỹ về chính quyền đương nhiệm.

Trước hết, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden, sau khi chạm đáy trong hai tháng trước, đã có xu hướng tăng trở lại, song vẫn ở mức thấp so với thời gian trước.

Cụ thể, khảo sát của Ipsos, phối hợp với Reuters (Mỹ) triển khai trong bốn ngày với mẫu số 1.056 người trưởng thành, cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri với Tổng thống Joe Biden hiện ở mức 41%. Con số này cho thấy sự cải thiện so với tháng trước – khi chỉ 40% ủng hộ cách điều hành của chính phủ. Tuy nhiên, chừng đó chắc chắn là chưa đủ với ông chủ Nhà Trắng, nhất là khi nỗ lực thương thảo trần nợ công với Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm giữ chưa mang lại thêm nhiều sự tin tưởng của cử tri đối với năng lực điều hành của ông Biden.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý khác trong khảo sát này là tỷ lệ ủng hộ thấp với Quốc hội Mỹ. Khảo sát của Ipsos/Reuters cho thấy chỉ có 27% cử tri đồng tình với cách thức điều hành của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Tương tự, tỷ lệ ủng hộ các quan chức cấp cao khác ở Quốc hội, cho dù là lãnh đạo thiểu số/đa số của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) đều ở mức thấp. Tỷ lệ ủng hộ của Thượng viện lẫn Hạ viện hiện chỉ ở mức dưới 40%.

Cuối cùng, kinh tế tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu. Theo khảo sát của Ipsos/Reuters, cử tri được hỏi cho biết thúc đẩy tăng trưởng, giảm thất nghiệp và tạo việc làm là vấn đề quan trọng nhất (22%), theo sau là chống tham nhũng và tội phạm (12%), quản lý nhập cư (8%), bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc (8%). Các vấn đề về đối ngoại như chiến tranh và xung đột ở nước ngoài (3%) hay chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan (4%), không nhận nhiều sự quan tâm.

Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đối với chính quyền của ông Joe Biden, bao gồm cá nhân nhà lãnh đạo này cùng Quốc hội, vẫn ở mức thấp dù có cải thiện so với trước. Tỷ lệ lạm phát giảm, thất nghiệp ở mức thấp và diễn biến trên thị trường chứng khoán đã khiến ông chủ Nhà Trắng tạm thời thoát khó.

Bức tranh sáng màu

Ở chiều ngược lại, hình ảnh nước Mỹ tại cộng đồng quốc tế có xu hướng cải thiện trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden. Khảo sát của Pew Research thực hiện từ ngày 20/2–22/5 với hơn 27.000 người từ 23 quốc gia trải dài từ các đối tác truyền thống của Mỹ ở Tây Âu, Đông Á, tới các nền kinh tế đang phát triển hay các nước thu nhập trung bình, cho thấy tín hiệu tích cực đối với chính quyền đương nhiệm.

Trong đó, gần 60% số người được hỏi đánh giá tích cực về nước Mỹ, với 54% có lòng tin vào ông Joe Biden. Đáng chú ý, dù có tới 82% số người được hỏi nhận định xứ cờ hoa có can thiệp công việc của nước khác, song 61% nhận định Washington đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của các nước trên thế giới.

Một điểm thú vị là tỷ lệ ủng hộ vai trò quốc tế của Mỹ tại một số nước dường như có mối liên kết với diễn biến ở Ukraine. Tại châu Âu, tỷ lệ ủng hộ Mỹ của Ba Lan, quốc gia có biên giới sát với xứ bạch dương tăng mạnh, đạt 93% sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Trong khi đó, con số này ở Hungary, quốc gia có lập trường thân thiện hơn với Nga và phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây, lại có xu hướng sụt giảm và chỉ ở mức 44%. Tỷ lệ ủng hộ của các nước châu Âu được khảo sát cũng ở mức ổn định và đều ở mức trên 50%.

Tuy nhiên, chỉ có 30% số người được hỏi ở Pháp và 19% ở Tây Ban Nha nhận định chính sách đối ngoại của Mỹ có tính đến lợi ích của các nước này.

Tại những nước ở Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á có thu nhập trung bình như Nigeria, Mexico, Kenya hay Ấn Độ, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden tăng mạnh so với người tiền nhiệm Donald Trump. Hơn 70% số người được hỏi ở các nước này coi đầu tư Mỹ là tích cực. Đồng thời, tỷ lệ tin tưởng vào sức mạnh kinh tế Mỹ tăng trở lại: 41% nhận định Mỹ là cường quốc kinh tế hàng đầu, trong khi 33% lại nói vị trí nêu trên thuộc về Trung Quốc.

Các chỉ số như tiến bộ về công nghệ, sự phát triển trong ngành giải trí, sức mạnh quân sự hay giáo dục đại học của Mỹ tiếp tục nhận được đánh giá cao. Đặc biệt, phần lớn giới trẻ của các nước được khảo sát nhận định sự phổ biến của ngành giải trí và nền văn hóa Mỹ tiếp tục vượt trội so với phần còn lại của thế giới. Đây là yếu tố quan trọng để xứ cờ hoa có thể tận dụng để tiếp tục thúc đẩy sức mạnh mềm.

Nhà phân tích Ishaan Tharoor của Pew Research nhận định thống kê “không phải thước đo cho thành công cho chính sách đối ngoại”. Song theo ông, với nhiều thay đổi tích cực trong những chỉ số lớn, kết quả này phản ánh phần nào chuyển biến đáng chú ý dưới thời ông Joe Biden so với ông Donald Trump.

Như vậy, cuộc thăm dò do Pew Research thực hiện cho thấy bức tranh có phần tương phản, với gam màu tươi sáng hơn nhiều so với khảo sát của Ipsos/Reuters.

Tuy nhiên, năm 2023 đã đi được một nửa chặng đường và bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm sau. Trong bối cảnh đó, Washington có thể sẽ dành nhiều sự chú ý hơn cho nỗ lực ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri thời gian tới. Mặc dù vậy, điều này đồng nghĩa với việc xứ cờ hoa có thể phải cắt giảm ưu tiên và nguồn lực trong giải quyết một số vấn đề quốc tế khác, bao gồm xung đột Nga - Ukraine hay cạnh tranh với Trung Quốc.

Khi ấy, liệu sự tương phản này giữa ưu tiên đối nội và câu chuyện đối ngoại của chính quyền Mỹ hiện nay có tiếp tục?

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-quyen-tong-thong-my-hai-buc-tranh-trai-nguoc-233597.html