Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Công cụ quản trị thị trường lao động

Số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm (BH) thất nghiệp liên tục tăng qua các năm, đến nay đã đạt gần 13 triệu người cho thấy, chính sách BH thất nghiệp đã đi vào cuộc sống, thực sự là điểm tựa của cả người lao động, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Chính sách BH thất nghiệp là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, được triển khai để chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Ngoài ra, người lao động còn được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm.

Theo tổng kết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 10 năm thực hiện chính sách BH thất nghiệp, số lượng người tham gia và đóng BH thất nghiệp liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BH thất nghiệp thì đến năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia, tăng 11,8% so với năm 2014; năm 2016 có 11.061.562 người tham gia, tăng 7,3% so với năm 2015; năm 2017 có 11.774.742 người tham gia, tăng 8,1% so với năm 2016 và năm 2018 có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia BH xã hội bắt buộc (14,45 triệu người). Tổng số đơn vị tham gia BH thất nghiệp là 361.586 đơn vị.

Người lao động đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Người lao động đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Số người tham gia tăng, đồng nghĩa với tổng số tiền thu BH thất nghiệp không ngừng tăng qua các năm. Tính đến thời điểm năm 2018, bình quân tiền đóng BH thất nghiệp hằng tháng của người lao động là 4.937.117 đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017, tổng số tiền thu BH thất nghiệp năm 2018 là 15.531 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tổng số tiền thu năm 2017 (13.517 tỷ đồng).

Đánh giá về việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp trong 10 năm qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khẳng định: Chính sách BH thất nghiệp đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Việc thực hiện BH thất nghiệp thực sự đã đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng và an toàn Quỹ, thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau của những người lao động, giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, thể hiện tính nhân văn và thúc đẩy gắn kết xã hội.

Việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách BH thất nghiệp đã được chuẩn bị đầy đủ cả về cơ sở vật chất và nhân lực, ở cả Trung ương và địa phương đảm bảo chính sách được ban hành là triển khai ngay theo đúng pháp luật, đảm bảo giải quyết bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng tăng cường và hiệu quả. Các trung tâm dịch vụ việc làm đã tập trung triển khai thực hiện, đa dạng hóa các hình thức và cải tiến quy trình thực hiện, số lượng và hiệu quả người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (trên 96,8% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Về hỗ trợ đào tạo nghề, theo báo cáo của 63 Trung tâm dịch vụ việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay đã có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm và ổn định cuộc sống. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...

Tuy nhiên, nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách BH thất nghiệp, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa nhận, chính sách chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để người lao động duy trì việc làm cho người lao động để tránh sa thải lao động; đối tượng tham gia BH thất nghiệp chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng – trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.

Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là khá chặt chẽ, ít xảy ra và chưa có giải pháp hơn nữa để hỗ trợ người sử dụng lao động duy trì việc làm, ngăn ngừa sa thải lao động; chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề...

Do đó, để chính sách được triển khai hiệu quả, gắn kết với thị trường lao động, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần xem xét nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BH thất nghiệp tại Luật Việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm BH thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

N.Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-cong-cu-quan-tri-thi-truong-lao-dong-93853.html