Chính sách bảo hộ công dân lao động tại nước ngoài của Việt Nam
Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài được Nhà nước bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Bên cạnh số lao động định cư, làm việc ổn định theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền còn có nhiều lao động di trú (LĐDT) tại nước trên thế giới vì thế công tác bảo hộ công dân (BHCD) đối với nhóm người này được Nhà nước đặc biệt chú trọng.
Người lao động di trú ở nước ngoài
Là một bộ phận công dân Việt Nam ở nước ngoài, người LĐDT được hiểu là một cá nhân hay một nhóm di chuyển tự do địa bàn lao động, cư trú không theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đã, đang, sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân. Đội ngũ lao động này được phân thành hai dạng:
Một là, lao động hợp pháp, bao gồm: nhân công di trú, thường trú không thường xuyên tại vùng biên với một nước láng giềng; người làm những công việc có tính chất mùa vụ và chỉ làm một thời gian nhất định trong một năm; người đi biển được tuyển dụng làm việc trên một tàu đăng ký ở một quốc gia hay nhân công làm việc tại một công trình trên biển hoặc lưu động theo dự án trên biển mà họ không phải là công dân ở nước sở tại và hưởng lương ở quốc gia sở tại đó; nhân công phải di chuyển lao động do tính chất công việc của họ tại một hoặc nhiều nước khác nhau trong những khoảng thời gian nhất định; nhân công lao động chuyên dụng được người sử dụng lao động của mình cử đến quốc gia nơi có việc làm trong một khoảng thời gian hạn chế nhất định để thực hiện một công việc hoặc một nhiệm vụ cụ thể mang tính chuyên môn kỹ thuật; nhân công tự chủ là những người tham gia làm một công việc có hưởng lương nhưng không phải dưới dạng hợp đồng lao động mà dưới tư cách độc lập hoặc cùng với các thành viên gia đình của mình, nhưng hông trái với pháp luật quốc gia có việc làm đó hoặc phải tuân thủ theo các điều ước quốc tế.
Hai là, lao động bất hợp pháp: là những người LĐDT không có giấy tờ pháp lý, nên họ không được trao các quyền được một nước cho phép vào, ở lại và làm một công việc được trả lương tại nước đó.
Do đó, đối tượng sau không được coi là người LĐDT ở nước ngoài: những người được cử hoặc tuyển dụng bởi các cơ quan và tổ chức quốc tế, hay được cử hoặc được tuyển dụng bởi một nước này sang một nước khác (do được điều chỉnh bởi các hiệp định hay công ước quốc tế cụ thể), để tham gia các chương trình phát triển hay các chương trình hợp tác; nhà đầu tư, người tị nạn và không có quốc tịch, sinh viên và học viên, người đi biển hay người làm việc trên các công trình trên biển không được tiếp nhận để tham gia vào một công việc có hưởng lương ở quốc gia sở tại.
Từ năm 2022, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng trở lại. Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động (50.561 lao động nữ) đạt 121,8% kế hoạch năm 2023. Họ chủ yếu làm trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Hiện nay, ngoài LĐDT “chui”, bất hợp pháp, Việt Nam có khoảng 650.000 người LĐDT theo hợp đồng ở nước ngoài. LĐDT ở Hàn Quốc có mức lương, thu nhập cao nhất, khoảng 1.600 đến 2.000 đô-la Mỹ/người/tháng; ở Nhật Bản là 1.200 đến 1.500 đô-la Mỹ/người/tháng; tại Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu là khoảng 800 đến 1.200 đô-la Mỹ/ngươi/tháng. Tại thị trường Trung Đông và Ma-lai-xi-a, nếu có nghề, thu nhập của họ từ khoảng 600 - 1.000 đô-la Mỹ/người/tháng; còn lao động phổ thông, không nghề nghiệp có thu nhập 400 - 600 đô-la Mỹ/người/tháng.
Người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài được đánh giá cao cao vì nhanh nhẹn, thông minh. Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không chỉ giúp người lao động, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, cải thiện được cuộc sống bản thân và gia đình, còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bảo hộ công dân đối với lao động di trú Việt Nam
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Trong những năm qua, Nhà nước luôn thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác BHCD, đặc biệt là đối với số LĐDT tại nước ngoài.
Về mặt pháp lý, nhiều văn bản pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung làm cơ sở pháp lý cho công tác BHCD đối với người LĐDT ở nước ngoài.
Luật Quốc tịch Việt Nam ghi rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó”. Mới đây, căn cứ theo Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 225/NQ-CP ngày 31-12-2023 về kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12-12-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Về trách nhiệm BHCD, Việt Nam đã thành lập ban quản lý lao động ở 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam đang làm việc, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ả-rập Xê-út. Đối với các nước khác, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ thay mặt Nhà nước quản lý và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan tới người lao động Việt Nam. Các cơ quan này đã phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài nhất là trong những trường hợp giải cứu, bảo vệ công dân Việt Nam khỏi nước sở tại. Điển hình, năm 2011 và năm 2014, sơ tán người lao động ở Libya; tổ chức gần 600 chuyến bay giải cứu hơn 130.000 công dân và người lao động từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước do dịch COVID-19 năm 2021. Hay năm 2022 đã giải cứu hơn 1.000 lao động Việt Nam làm việc tại Căm-pu-chia và mới đây nhất, đã đưa gần 800 công dân Việt Nam, trong đó có nhiều người dân LĐDT về nước từ Mi-an-ma trước tình hình nguy hiểm đe dọa đến tính mạng và an toàn của công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác BHCD đối với người LĐDT còn gặp khó khăn do phần lớn lao động di cư ở nông thôn, với trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế, khó kiểm soát khi lao động tự do; chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ và qui định trách nhiệm giữa cơ quan chức năng trong nước với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cơ chế phối hợp của Việt Nam với các quốc gia sở tại vẫn đang là một khâu yếu, nhất là tại những địa bàn chưa có cơ quan đại diện ngoại giao. Chẳng hạn tại các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta, công dân Việt Nam sẽ phải làm thủ tục hợp pháp hóa nếu muốn sử dụng các giấy tờ pháp lý do các cơ quan của Việt Nam cấp; phải nộp tiền tạm ứng án phí khi bị khởi kiện tại tòa án, mà bản án, quyết định của tòa án nước ngoài lại không được công nhận, thi hành tại Việt Nam.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân
Trước những khó khăn, thách thức đó, cần triển khai công tác BHCD đối với người LĐDT Việt Nam ở nước ngoài theo hướng:
Thứ nhất, cần kết chặt chẽ giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế và pháp luật nước sở tại. Tiếp tục tăng cường cơ quan đại diện, hạn chế cơ quan đại diện kiêm nhiệm, đặc biệt tại các địa bàn có đông người lao động Việt Nam làm việc và cư trú để kịp thời nắm bắt tình hình, thực hiện các biện pháp, công tác bảo hộ người LDDT Việt Nam ở nước ngoài.
Có cơ chế phối hợp thường xuyên và định kỳ giữa các cơ quan chức năng, trước hết là giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp… để thống nhất cách thức BHCD.
Chú trọng xây dựng, thực hiện công tác phối hợp giữa nước ta với quốc gia tiếp nhận người lao động thông qua các hiệp định song phương, đa phương về xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc BHCD đi làm việc ở nước ngoài khi gặp khó khăn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống di cư bất hợp pháp; tăng cường hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như của cơ quan chức năng quốc gia sở tại.
Thứ hai, xác định nội dung BHCD gồm: (1) Hỗ trợ việc làm, đời sống và bảo vệ người LĐDT khỏi sự phân biệt đối xử và ngược đãi; (2) Xác lập và bảo vệ các quyền của người lao động di trú về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và nhóm quyền đặc thù (nhân công vùng biên, theo mùa, đi biển,...); (3) Ngăn chặn tình trạng buôn bán người nhập cư theo Nghị định thư về chống buôn bán người nhập cư bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không được bổ sung trong Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thông qua ngày 15-11-2020.
Thứ ba, xây dựng chiến lược, chính sách quốc gia và khuôn khổ pháp luật có sự liên kết trong hợp tác quốc tế về lao động nói chung và người LĐDT nói riêng, gắn với định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác ngoại giao kinh tế, quan hệ đối ngoại để thực hiện tốt Nghị quyết số 225/NQ-CP ngày 31-12-2023 của Chính phủ.
Trên định hướng đó, cần thực hiện các biện pháp cụ thể như:
Xây dựng Trung tâm xử lý khủng hoảng trực thuộc Bộ Ngoại giao với bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để xây dựng kế hoạch quốc gia về xử lý khủng hoảng. Khi có tình huống khủng hoảng xảy ra, Trung tâm sẽ vận hành quy trình xử lý tình huống khủng hoảng; tổ chức trực 24/7 để tiếp nhận, đề xuất, xử lý các thông tin liên quan. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ xây dựng bộ tài liệu tập huấn cho công tác BHCD trong tình huống khủng hoảng; thống nhất quy trình xử lý khủng hoảng ở các cấp độ khác nhau. Trong trường hợp cần thiết, cần nghiên cứu lập các văn phòng lưu động để giải quyết các công việc lãnh sự tại các nước lân cận thuộc khu vực lãnh sự, kịp thời HTCD khi cần thiết. Ngoài ra, cần tăng cường thiết lập sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với các quốc gia có người LĐDT Việt Nam.
Có chế tài nghiêm khắc, cụ thể đối với các doanh nghiệp, chủ cơ sở lao động có hành vi vi phạm pháp luật lao động xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của người LĐDT tự do theo các tiêu chuẩn, Công ước quốc tế về lao động, quyền con người, nhất là khi mang tính nhạy cảm giới ở những nước gửi và nhận lao động Việt Nam.
Cung cấp thông tin về các quyền lao động và quyền con người cho người LĐDT và hỗ trợ họ thực hiện các quyền này nhằm hỗ trợ BHCD và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; tập huấn về quyền con người cho tất cả các quan chức chính phủ và phi chính phủ có liên quan đến vấn đề di cư lao động; chống buôn bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ người lao động trong tất cả các giai đoạn di cư thông qua việc cung cấp thông tin, tập huấn và dạy tiếng cho họ; phê chuẩn và thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật quốc tế về người LĐDT...