Chính sách chống ô nhiễm không khí của các nước

Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng do khí thải công nghiệp, xây dựng, cháy rừng, khói xe cộ… đang là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa sức khỏe của người dân toàn cầu.

Thậm chí châu Âu còn coi ô nhiễm không khí là mối lo ngại môi trường lớn thứ hai, chỉ sau biến đổi khí hậu. Tình trạng này buộc nhà chức trách các nước phải tăng cường các nỗ lực để kiểm soát lượng khí thải gây ô nhiễm bầu không khí.

Châu Âu coi ô nhiễm không khí là mối lo ngại môi trường lớn thứ hai, chỉ sau biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Châu Âu coi ô nhiễm không khí là mối lo ngại môi trường lớn thứ hai, chỉ sau biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Ô nhiễm không khí khiến thế giới lâm nguy

Không khí là một trong những thành phần cơ bản của môi trường, có vai trò rất quan trọng đối với sự sống trên trái đất. Nếu như không có không khí thì sự sống không thể duy trì được. Nhưng nếu không khí bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người và các sinh vật khác.

Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí không phải bây giờ mới bùng phát mà đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, nhưng trong năm nay, do cộng hưởng từ tình trạng thời tiết hanh khô gây cháy rừng… đã làm trầm trọng hơn tình hình ô nhiễm. Ngoài ra việc các công trình lớn được xây dựng hàng loạt, lượng khí thải từ xe cộ, nhà máy tăng đáng kể, hay đốt rơm rạ… cũng là những yếu tố khiến không khí bị ô nhiễm hơn.

Theo báo cáo thường niên của của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi giữa tháng 11-2019, khí thải nhà kính trên toàn cầu đã tăng trong năm thứ hai liên tiếp, làm gián đoạn quá trình giảm phát thải và khiến thế giới gia tăng ô nhiễm. Báo cáo chỉ ra rằng, mức phát thải phải giảm ngay lập tức thì mới giúp thế giới trở lại con đường hướng đến tham vọng của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, đó là mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, IEA cho rằng, việc kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và tăng nhu cầu về điện đã góp phần làm tăng 1,9% lượng khí thải CO2 kể từ năm 2018. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy những nỗ lực nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm nhất trên thế giới tiến triển quá chậm để có thể tạo ra tác động lớn giúp bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia, cơn khát năng lượng của thế giới ngày càng tăng đã khiến mức tiêu thụ than và các nhiên liệu hóa thạch khác, gây ô nhiễm không khí ngày càng nhiều hơn. Thực tế nhu cầu về than trên toàn cầu vẫn tăng và 3/4 trong số nhu cầu đó là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

IEA khuyến cáo nếu không hành động ngay lập tức thì thế giới sẽ chứng kiến những hậu quả thảm khốc. Điển hình như tình trạng ô nhiễm ở Afghanistan gây chết chóc còn nhiều hơn cuộc nội chiến kéo dài 18 năm ở nước này. Tuy chưa, có số liệu thống kê chính thức về số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm ở Afghanistan nhưng nhóm nghiên cứu về môi trường State of Global Air (Mỹ) cho biết, có hơn 26.000 người thiệt mạng vì ô nhiễm không khí ở Afghanistan vào năm 2017.

Còn tại Đông Nam Á, trong năm qua, ô nhiễm không khí đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia khu vực này. Tại Thái Lan, khói bụi đã trở thành một trong những từ khóa hàng đầu khi nhắc đến nước này trên Twitter, buộc các nhà chức trách phải tăng cường nỗ lực để kiểm soát vấn đề.

Trong năm 2019, thủ đô Bangkok của Thái Lan đã phải đối mặt những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi nhiều khu vực bị bao phủ bởi những đám mây bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet), là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Thủ đô Hà Nội của Việt Nam cũng cho thấy chỉ số chất lượng không khí ở mức ảnh hưởng tới sức khỏe.

Còn tại các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore…, tình hình ô nhiễm không khí vẫn đang là nỗi lo thường trực. Khói mù từ các đám cháy rừng ở Indonesia hồi tháng 9-2019 đã lan sang các nước láng giềng khác, đặc biệt là Malaysia, Singapore và Thái Lan, buộc các nước này phải đưa ra cảnh báo về ô nhiễm không khí.

Tại Trung Quốc, người dân ở thủ đô Bắc Kinh vẫn đang phải đương đầu với cuộc chiến chống lại không khí ô nhiễm. Ngay cả khi Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ thoát khỏi danh sách 200 khu vực ô nhiễm nhất thế giới, một màn sương mờ đục vẫn thường bao trùm thành phố này, che khuất đường chân trời, thậm chí nhấn chìm cả các nhà ga tàu điện ngầm. Vào mùa đông, chất lượng không khí tại Bắc Kinh có xu hướng tệ hơn, và gần như tất cả mọi người đi lại trên đường đều đeo khẩu trang.

Còn tại Ấn Độ, là quốc gia đông dân thứ hai thế giới nhưng Ấn Độ đang vượt qua Trung Quốc về độ ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cho 1,24 triệu người Ấn Độ vào năm 2017.

Thủ phạm lớn nhất của thảm họa này là bụi mịn - hạt vật chất có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống (PM2.5). Chúng nhỏ đến mức có thể bị vô tình hít sâu vào phổi, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Các hạt bụi mịn liên tục được tạo ra bởi khí thải từ động cơ xe, nhà máy, công trường, thói quen đốt rác, rơm rạ của nông dân, bắn pháo hoa trong các lễ hội tôn giáo và các nhà máy nhiệt điện. Ít nhất 140 triệu dân Ấn Độ đã phải hít không khí ô nhiễm gấp 10 lần trở lên so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra.

Mới đây nhất, trong tháng 11-2019, chỉ số ô nhiễm không khí ở thủ đô New Delhi và các khu vực lân cận đã đạt mức tồi tệ nhất trong năm nay, với nồng độ PM2.5 ở mức tương ứng là 407 µg và hơn 500 µg/m3. Trong khi thông thường, các kết quả trên mức 100 µg/m3 đều đã bị đánh giá là “không an toàn”. Có thể ví độ ô nhiễm nghiêm trọng đó tương đương với việc hút 50 điếu thuốc lá mỗi ngày…

Tại châu Âu, ô nhiễm không khí hiện đang được xem là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người và là mối lo ngại môi trường lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau biến đổi khí hậu. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), chất lượng không khí ở mức kém đã gây ra khoảng 400 nghìn trường hợp chết yểu tại châu lục này trong năm 2016. Chính vì thế, EU đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chính sách cải thiện chất lượng không khí.

Nhanh tay hành động

Tình trạng ô nhiễm không khí đặt chính phủ các nước phải gấp rút đưa ra những chính sách mới để cứu vãn tình hình.

- Tại Thái Lan, nhằm đối phó tình trạng ô nhiễm không khí thời gian gần đây, vào tháng 10-2019 vừa qua, chính phủ Thái Lan đã thông qua các biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí ở vùng Bangkok mở rộng, như tiến hành các chiến dịch phun nước nhằm giảm nồng độ bụi mịn, và lắp đặt tháp lọc không khí cỡ lớn ở trung tâm thủ đô.

Song song với đó, Cục Giao thông đường bộ Thái Lan (DLT) đã công bố 7 biện pháp giảm khí thải từ các phương tiện cơ giới nhằm kiểm soát nguồn phát tán bụi mịn bằng và nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5) trong bối cảnh vùng đô thị Bangkok vừa trải qua một đợt ô nhiễm không khí khi nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nhiều khu vực vượt quá ngưỡng an toàn tối đa là 50 µg/m3 lên những mức có hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, Ủy ban Môi trường quốc gia Thái Lan đã kêu gọi và cân nhắc kế hoạch thực hiện tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trong 5 năm tới, cũng như đạt mục tiêu giảm nồng độ bụi mịn PM2,5 từ 50 µg /m3 xuống 35 µg/m3 trong 3-5 năm tới, và giảm tiếp xuống 25 µg/m3 (mức hướng dẫn của WHO) trong 10-20 năm tới.

- Đối với Trung Quốc, hồi tháng 10-2019, các quan chức Trung Quốc đã công bố “kế hoạch hành động” để kiểm soát ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh và các vùng lân cận, nhằm hạ thấp nồng độ bụi mịn PM 2.5 thêm tiếp 4% trước tháng 3 năm sau. PM2.5 là loại hạt nhỏ gây ô nhiễm không khí và có hại cho sức khỏe của con người, có thể gây các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và phổi.

Thực tế, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù nồng độ bụi mịn PM2.5 hiện tại ở Bắc Kinh vẫn cao hơn nhiều so với mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), song đã có sự giảm thiểu đáng kể so với cách đây một thập niên.

Kể từ năm 2017, chính quyền Trung Quốc cho biết khoảng 4 triệu hộ gia đình ở phía bắc nước này đã được yêu cầu chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn như khí gas hay điện, thay vì các chất đốt truyền thống như than hay củi gỗ. Việc chuyển đổi này đã giúp làm giảm mức độ tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 của một người trung bình ở Trung Quốc tới 47%.

Ở góc độ quốc gia, chính phủ Trung Quốc đưa ra những quy định khắt khe hơn về việc phát thải khí tại các nhà máy. Trung Quốc đã đóng cửa gần 2.500 nhà máy và hạn chế việc cấp phép mở các nhà máy mới, đồng thời lên kế hoạch tiếp tục đóng cửa khoảng 1.000 nhà máy nữa ở Bắc Kinh. Kết quả là trong 5 năm qua, Trung Quốc đã giảm được khoảng 30% nồng độ bụi mịn PM2.5.

- Tại Ấn Độ, nhằm đối phó tình trạng ô nhiễm không khí khẩn cấp gần đây, giới chức trách của New Delhi buộc phải yêu cầu các trường học đóng cửa, phát khẩu trang cho 5 triệu học sinh và hạn chế số lượng ô tô trên đường. Chính quyền thành phố cũng đưa ra quy định mới về ngày chạy xe dựa trên hệ thống biển số chẵn-lẻ, nhằm giảm bớt khoảng 4 triệu xe lưu thông trên đường mỗi ngày. Các tài xế vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt 4.000 rupee.

Trước đó, từ đầu năm 2019, Ấn Độ đã đưa ra Chương trình Không khí sạch quốc gia, một kế hoạch hành động 5 năm nhằm hạn chế ô nhiễm không khí bằng cách xây dựng một mạng lưới giám sát chất lượng không khí và nâng cao nhận thức của người dân. Chương trình tập trung vào 102 thành phố Ấn Độ bị ô nhiễm và nhằm mục đích giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 xuống 20-30% trong 5 năm tới (2024).

Hồi tháng 11-2019 vừa qua, Ấn Độ còn ban hành biện pháp ưu đãi, cấp 100.000 rupi cho tất cả nông dân để ngăn họ đốt đồng ruộng chuẩn bị cho mùa sau, đồng thời cung cấp cho họ máy móc miễn phí để xử lý rơm rạ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và nguồn năng lương này đang trở thành nguồn phát điện lớn thứ hai trong nước. Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết rằng nước này sẽ tăng gấp đôi việc sản xuất năng lượng tái tạo, từ 175 GW lên 450 GW vào năm 2022. Mới đây nhất, với sự trợ giúp của Anh, Ấn Độ thậm chí đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng là chuyển toàn bộ ngành đường sắt với hơn 67.000km sang dùng động cơ điện vào giai đoạn 2021-2022. Mục tiêu chính là hướng tới giảm lượng khí thải carbon dioxide.

- Còn tại EU, trong nhiều thập kỷ qua, EU đã nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí bằng cách kiểm soát sự phát thải những chất có hại vào khí quyển, cải thiện chất lượng nhiên liệu và tích hợp các yêu cầu bảo vệ môi trường vào ngành vận tải, công nghiệp và năng lượng.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), chính sách không khí sạch của EU dựa trên ba trụ cột chính, đó là: Các tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh được quy định trong Chỉ thị Chất lượng không khí xung quanh của EU năm 2004, 2008 để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường; Các cam kết giảm phát thải quốc gia được thiết lập trong Chỉ thị Quy định về trần phát thải quốc gia (NEC) của EU vào năm 2016; Các tiêu chuẩn khí thải và hiệu quả năng lượng đối với các nguồn ô nhiễm không khí chính, từ khí thải xe cộ đến các ngành công nghiệp.

- Tại Mexico, vấn đề ô nhiễm tại thủ đô Mexico City hiện nay đã đỡ nghiêm trọng hơn nhiều so với thời điểm thập niên 80 và 90, khi đô thị này có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới. Mọi thứ trở nên tốt hơn khi chính quyền đưa ra các quy định như đóng cửa các nhà máy, hạn chế xăng dầu, và cấm xe ô tô phát thải khí gây ô nhiễm ít nhất một ngày trong tuần. Lượng xe ô tô lưu thông trên đường mỗi ngày tại Mexico City được kiểm soát chỉ ở mức 20%...

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/chinh-sach-chong-o-nhiem-khong-khi-cua-cac-nuoc-124231