Chính sách công kiểm soát giá cả: Cần minh bạch hóa dữ liệu thị trường, tăng năng suất sản xuất

Để chính sách kiểm soát giá đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Sự phối hợp này sẽ giúp duy trì ổn định giá cả, bảo vệ lợi ích chung và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn...

Kinh nghiệm quốc tế cung cấp nhiều bài học quý giá mà Việt Nam có thể học hỏi. Những mô hình thành công từ các quốc gia như Pháp, Singapore và Canada cho thấy, kiểm soát giá cả cần đi kèm với minh bạch thông tin, hỗ trợ sản xuất và giám sát chặt chẽ. Đồng thời, các bài học từ thất bại của Venezuela hay Zimbabwe nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh linh hoạt và tránh áp đặt cứng nhắc.

KẾT HỢP KIỂM SOÁT GIÁ VÀ TĂNG NĂNG SUẤT SẢN XUẤT

Đưa ra quan điểm của mình nhằm khuyến nghị cho chính phủ có những ứng phó cần thiết trong việc kiểm soát giá cả, PGS.TS. Trương Thị Thủy, Phó Giám đốc Học viện Tài cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để kiểm soát giá cả hiệu quả là minh bạch hóa dữ liệu thị trường. Do đó, chính phủ cần xây dựng một hệ thống quản lý và công khai thông tin liên quan đến giá cả, cung cầu, và các chi phí sản xuất.

Theo bà Thủy, việc minh bạch hóa giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, giảm sự hoang mang của người tiêu dùng và hỗ trợ ra quyết định chính sách tốt hơn. Theo đó, chúng ta cần thực hiện các biện pháp như công bố định kỳ dữ liệu thị trường và áp dụng công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn, có thể giúp nâng cao tính hiệu quả của chính sách kiểm soát giá.

 Việt Nam cần thiết lập quỹ dự trữ chiến lược cho các sản phẩm quan trọng

Việt Nam cần thiết lập quỹ dự trữ chiến lược cho các sản phẩm quan trọng

Tiếp lời, bà Thủy nêu ý kiến bên cạnh yếu tố minh bạch hóa dữ liệu thị trường thì việc kiểm soát giá cả chỉ có hiệu quả khi đi kèm với các biện pháp thúc đẩy sản xuất. Bài học từ các quốc gia như Singapore cho thấy, việc tăng cường năng suất không chỉ giúp ổn định giá mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ sản xuất, cải thiện hạ tầng và hỗ trợ kỹ thuật cho các ngành công nghiệp chiến lược. Các mô hình hợp tác công - tư (PPP) cũng cần được khuyến khích để huy động nguồn lực xã hội, đảm bảo cung ứng ổn định cho thị trường.

Cuối cùng, bà Thủy khuyến nghị sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng là điều kiện tiên quyết để chính sách kiểm soát giá thành công. Do đó, chính phủ Việt Nam nên tổ chức các diễn đàn định kỳ nhằm tạo cơ hội đối thoại và trao đổi thông tin giữa các bên liên quan. Việc xây dựng các kênh phản hồi minh bạch và thành lập hội đồng tư vấn độc lập sẽ giúp chính sách phản ánh thực tế hơn, đồng thời tạo ra sự đồng thuận và giảm xung đột lợi ích giữa các bên.

THIẾT LẬP QUỸ DỰ TRỮ CHIẾN LƯỢC CHO CÁC SẢN PHẨM QUAN TRỌNG

Đóng góp ý kiến của mình về chính sách kiểm soát giá, TS. Hoàng Trung Đức, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, chúng ta cần áp dụng giá trần cho các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh lạm phát.

Theo ông Đức, trong thời kỳ lạm phát cao, việc áp dụng giá trần cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và thuốc men là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, giá trần phải được xác định ở mức hợp lý, vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất và nhà phân phối. Chính phủ cần đồng thời cung cấp trợ cấp hoặc bù lỗ để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động từ việc áp dụng giá trần. Quan trọng hơn, giá trần chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn và được điều chỉnh linh hoạt dựa trên tình hình kinh tế.

Đặc biệt, ông Đức nhấn mạnh, Việt Nam cần thiết lập quỹ dự trữ chiến lược cho các sản phẩm quan trọng. Bởi, quỹ dự trữ chiến lược là một công cụ hữu hiệu để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong các giai đoạn khủng hoảng. Chính vì vậy, Việt Nam cần xây dựng các kho dự trữ chiến lược cho các sản phẩm quan trọng như gạo, dầu ăn, và xăng dầu. Điều này không chỉ giúp kiểm soát giá mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, việc quản lý và phân phối nguồn dự trữ này cần được thực hiện minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lạm dụng.

Bên cạnh hai yếu tố trên, ông Đức nêu quan điểm Việt Nam cần tăng cường hệ thống giám sát và chế tài xử lý vi phạm. Bởi, hệ thống giám sát hiệu quả là yếu tố quyết định sự thành công của chính sách kiểm soát giá. Việt Nam cần thiết lập các cơ chế kiểm tra chặt chẽ để phát hiện và ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tích trữ và buôn lậu. Đồng thời, các chế tài xử phạt cần đủ mạnh để răn đe các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ số trong giám sát giá cả và theo dõi thị trường sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu rủi ro gian lận và tăng cường tính minh bạch trong thực thi chính sách, ông Đức nói.

Từ những phân tích trên có thể nói, kiểm soát giá cả đóng vai trò quan trọng trong chính sách công, là công cụ giúp đảm bảo an ninh kinh tế và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và lạm phát tăng cao. Chính sách này không chỉ bảo vệ người tiêu dùng - đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp, mà còn góp phần ổn định thị trường và giảm nguy cơ bất ổn xã hội.

Việt Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chinh-sach-cong-kiem-soat-gia-ca-can-minh-bach-hoa-du-lieu-thi-truong-tang-nang-suat-san-xuat-post557172.html