Chính sách công nghiệp quốc gia: Hướng tới công nghệ cao
Ngày 20-12, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo 'Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam'.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, chính sách công nghiệp không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, mà còn là công cụ đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, những xu hướng mới đòi hỏi chính sách công nghiệp của Việt Nam cũng phải có sự thích ứng. Trong số đó, thích ứng với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh càng trở nên cấp thiết.
“Kết quả trao đổi hôm nay sẽ giúp gợi mở tư duy về chính sách công nghiệp mới, kiến nghị nhiều nội dung để hoàn thiện chính sách công nghiệp, đưa nền kinh tế tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, bà Trần Thị Hồng Minh nhận định.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nêu, chính sách công nghiệp quốc gia phải tạo động lực cho phát triển các ngành kinh tế riêng lẻ, tăng cường mức độ và hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Qua phân tích xu hướng chính sách công nghiệp quốc gia trên thế giới, đánh giá mức độ thích ứng với Việt Nam, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, như công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và các lĩnh vực gắn với công nghệ số để tạo nền tảng đột phá cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Khai thác giá trị từ các mô hình mới như kinh tế tuần hoàn, ứng dụng đổi mới sáng tạo cũng là một hướng đi quan trọng để chuyển đổi sản xuất công nghiệp theo hướng “xanh hóa”, “hiện đại hóa”.
Ngoài ra, các đại biểu kiến nghị tháo gỡ những hạn chế cố hữu của Việt Nam, như năng suất lao động thấp, khả năng phát triển công nghệ hạn chế và sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động.
Cùng với đó là đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước kết nối hiệu quả vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.