Chính sách của Mỹ với Trung Quốc sau khi ông Trump hoặc bà Harris thắng cử
Nhìn chung, Trung Quốc chiếm một vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm gần đây. Bất chấp các cuộc xung đột Nga – Ukraina hay Israel - Hamas ở dải Gaza, Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Dường như có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington về việc coi Trung Quốc là một đối thủ lớn.
Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, với những gì đã xảy ra cho quan hệ Trung-Mỹ trong nhiệm kỳ trước của nhà lãnh đạo này, thì vấn đề chính mà mối quan hệ giữa hai cường quốc phải giải quyết không phải là bằng cách nào để tiếp tục duy trì sự ổn định, mà là làm thế nào để ứng phó với sự không chắc chắn có thể còn nghiêm trọng và gai góc hơn.
Ngược lại, trong trường hợp trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, chính quyền của bà Harris có thể sẽ giữ lại phần lớn cách tiếp cận của ông Biden, tăng cường cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh và củng cố nỗ lực xây dựng liên minh với các nước phương Tây và châu Á để đối trọng với Trung Quốc. So với chính sách ngẫu hứng, bất thường của ông Trump, chiến lược này có thể sẽ dễ dự đoán hơn cho Trung Quốc.
Có thể nói, từ góc độ của Trung Quốc, dù là chính quyền của ông Trump bước vào nhiệm kỳ hai, hay là chính phủ mới của bà Harris lên nắm quyền, thì nước Mỹ dường như vẫn sẽ nhất quán về mặt chiến lược trong chính sách đối với Trung Quốc. Do vậy, hai ứng viên này, với tư cách là Tổng thống, đều sẽ đặt ra những thách thức và bất lợi cho Trung Quốc, nhưng cả hai đều không muốn xảy ra xung đột quân sự lớn, hoặc cắt đứt mọi liên hệ kinh tế và xã hội giữa hai bên. Hay nói cách khác, Washington sẽ nỗ lực kiểm soát bất đồng trong khi vẫn cạnh tranh gay gắt với Bắc Kinh.