Chính sách đất đai để bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số

Chiều 3/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số ý kiến nêu vấn đề đất đai gắn với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cử tri và nhân dân đang mong đợi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật này; đồng thời, bày tỏ quan tâm đến chính sách đất đai bảo tồn văn hóa các dân tộc…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Tuy chỉ là bổ sung một từ “tín ngưỡng”, nhưng đã phản ánh được đầy đủ ý nghĩa, vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống vật chất và tâm linh của đồng bào, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo truyền thống đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên, đất đai không đơn thuần là nguồn tài nguyên mang lại giá trị vật chất, mà còn thể hiện quyền sở hữu tài sản, vị thế xã hội và đặc biệt là mang tính tâm linh. Điều kiện cần và đủ cho mỗi buôn làng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nhận thấy dự thảo đã bổ sung nhiều chính sách mới về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật lần này đã quy định rõ hơn về đối tượng, địa bàn, chính sách được hỗ trợ và tương đối rõ về trách nhiệm thực hiện từ Chính phủ đến HĐND và UBND các cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu chiều 3/11. Ảnh: KH

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu chiều 3/11. Ảnh: KH

Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ, Điều 16 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phải là cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đang phải sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy, cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tuy thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhưng không sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để thể chế hóa đúng, đủ tinh thần của Nghị quyết Trung ương...

Về việc thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Điều 48, đại biểu nhận thấy, việc thiết kế chính sách như dự thảo Luật nhằm bảo toàn quỹ đất để thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc tính khả thi của quy định này; đồng thời đề nghị các cơ quan đánh giá kỹ hơn về tác động của vấn đề này.

Quyền và nghĩa vụ của người dân tộc thiểu số với quỹ đất

Trong buổi thảo luận sáng 3/11, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) thống nhất cao với các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 48 quy định về trường hợp cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp...

Tuy nhiên, nếu quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi diện tích đất này để tiếp tục giao đất, cho thuê đất tới cá nhân là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này sẽ khó khả thi. Bởi trường hợp không có đối tượng để giao đất, gây lãng phí và khó khăn cho công tác quản lý.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị quyết định lại theo hướng diện tích đất đã thu hồi sẽ được giao cho UBND cấp huyện xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất. Trong đó, ưu tiên tiếp tục giao đất, cho thuê đất tới cá nhân là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này.

Về công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại điểm a khoản 4 Điều 75 quy định: "Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt phải thực hiện việc công bố, công khai". Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, quy định như vậy gây khó khăn cho các địa phương trong thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trên thực tế, sau khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt, cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn phải thực hiện phát hành, làm nhiệm vụ bàn giao hồ sơ nghiệm thu cho chủ đầu tư. Trong khi đó, khối lượng hồ sơ lớn, phải thực hiện bàn giao trực tiếp. Trong thời hạn 10 ngày phải thực hiện đồng thời vừa phát hành, sắp xếp, bàn giao hồ sơ, vừa phải công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì khó thực hiện trong thực tế. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét sửa đổi thời điểm thực hiện công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ chậm nhất là 10 ngày thành chậm nhất là 15 ngày để đảm bảo tính khả thi.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chinh-sach-dat-dai-de-bao-ton-van-hoa-dan-toc-thieu-so-20231103152653287.htm