Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải do Quốc hội quyết định
Đó là mong muốn thiết tha của đồng bào các dân tộc thiểu số được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trên diễn đàn của Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hôm nay, 3.11. Việc Quốc hội quyết định chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số vừa đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp, vừa thể hiện rõ trách nhiệm của Quốc hội đối với chính sách hết sức quan trọng này.
ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk): Đáp ứng mong đợi của đồng bào dân tộc thiểu số
Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung từ "tín ngưỡng" vào điểm a khoản 4 Điều 179, đó là "cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc". Tuy chỉ là bổ sung một từ nhưng đã phản ánh đầy đủ ý nghĩa, vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống vật chất và tâm linh của đồng bào, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo truyền thống đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là đối với người Tây Nguyên, đất đai không đơn thuần là nguồn tài nguyên mang lại giá trị vật chất mà trên hết nó thể hiện quyền sở hữu tài sản, vị thế xã hội và đặc biệt là mang tính tâm linh. Khi chính sách đất đai thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến không gian sinh tồn và truyền thống văn hóa của đồng bào, đã ít nhiều làm mai một văn hóa truyền thống. Chúng tôi rất kỳ vọng về những chính sách trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là tiền đề cơ bản để giải quyết những vấn đề về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào trong việc có điều kiện để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong bối cảnh cùng đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, quy định này trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa rõ việc Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất trong những trường hợp như thế nào, điều kiện ra sao. Hơn nữa dự thảo Luật mới chỉ quy định đối với đất nông nghiệp, chưa đề cập đến đất khác sử dụng cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Do đó, đề nghị mở rộng quy định cả các loại đất khác dành cho đất sinh hoạt, đồng thời, để đảm bảo tính khả thi của chính sách này, đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể.
Tôi xin nhắc lại mong muốn thiết tha của đồng bào các dân tộc thiểu số, đó là chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải do Quốc hội quyết định. Dự thảo Luật cần dành một chương riêng hoặc ít nhất là một mục riêng quy định về chính sách này. Việc Quốc hội quy định chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số vừa đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 70 của Hiến pháp, vừa thể hiện rõ trách nhiệm của Quốc hội đối với chính sách lớn quan trọng này, chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc, một bước tiến vượt bậc trong xây dựng thể chế pháp luật về đất đai đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, là minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn): Đã bổ sung nhiều chính sách mới
Dự thảo Luật hiện nay đã bổ sung nhiều chính sách mới về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm đã quy định rõ hơn 4 nội dung: đối tượng được hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; chính sách để hỗ trợ và trách nhiệm thực hiện từ Chính phủ đến HĐND và UBND các cấp.
Tuy nhiên, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Điều 16 thì cá nhân là người dân tộc thiểu số, tuy thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tức ngoài phạm vi 3.434 xã đã được phân định thuộc vùng này sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ đối với đồng bào theo quy định tại Điều 16. Trong khi đó, Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về đất đai không đặt vấn đề về phân biệt địa bàn đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để thể chế hóa đúng, đủ tinh thần Nghị quyết của Trung ương.
Về việc thừa kế tặng cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Điều 48, dự thảo Luật quy định đối với người đã được hỗ trợ đất lần 2 chỉ được phép để lại thừa kế, tặng, cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với người thuộc hàng thừa kế và người này phải có hoàn cảnh giống mình, tức là cũng phải là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và phải là đã được hỗ trợ đất lần đầu nhưng đến nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức.
Việc thiết kế chính sách như vậy nhằm bảo toàn quỹ đất để thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, ý tưởng rất tốt nhưng đề nghị cần cân nhắc tính khả thi của quy định này. Ví dụ trong trường hợp được người hỗ trợ đất theo trường hợp nêu trên, sau khi được hỗ trợ đất, người này sinh con và sinh sống cùng với cả gia đình trên mảnh đất này cho đến khi người đó mất và mảnh đất này là nơi ăn chốn ở của cả gia đình và là nơi thờ tự tổ tiên theo truyền thống của người Việt. Sau khi người này mất, các thành viên trong gia đình không thuộc trường hợp tại khoản 3 Điều 16, mảnh đất đã gắn bó cả đời với gia đình của họ sẽ bị Nhà nước thu hồi theo chính sách này. Tôi cảm thấy rất băn khoăn đối với việc thực thi chính sách này. Tôi cũng e ngại rằng, việc thực thi chính sách thu hồi như thế này có thể làm phát sinh vấn đề mới về xã hội và có thể làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện mà chúng ta đang cố gắng sửa Luật Đất đai để giải quyết vấn đề này. Do đó, chúng tôi đề nghị các cơ quan cần đánh giá kỹ hơn về tác động của vấn đề này.
ĐBQH Vi Đức Thọ (Sơn La): Không phân biệt vùng, địa bàn hay đối tượng nghèo
Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều điều, khoản khác nhau. Tuy nhiên, tôi thấy phạm vi, đối tượng trong dự thảo là đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Như vậy đã bị thu hẹp so với chủ trương tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Theo Nghị quyết số 18, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, không phân biệt vùng, địa bàn hay đối tượng nghèo. Vì vậy, đề nghị tiếp tục xem xét quy định chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng và có ưu tiên cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo.
Về trách nhiệm của Nhà nước, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 về chính sách hỗ trợ đất đai có nội dung có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tôi cho rằng quy định như dự thảo Luật là chưa đầy đủ và sẽ tạo ra sự không công bằng. Đề nghị điều chỉnh bổ sung một số nội dung tại khoản 2 như sau: "Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, địa phương để đảm bảo ổn định cuộc sống. Ưu tiên đối với trường hợp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định sau đây: Giao đất ở trong hạn mức và được miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, giảm tiền sử dụng đất đối với các trường hợp còn lại".