Chính sách đối ngoại của Đức: Bước điều chỉnh chiến lược

Chính phủ Đức vừa đưa ra một điều chỉnh chính sách đối ngoại chiến lược, được giới quan sát quốc tế đặc biệt chú ý. Đó là việc thông qua chiến lược đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy can dự mạnh mẽ hơn nữa của Berlin với vai trò là một bên tạo lập và là đối tác của khu vực vốn ngày càng có ý nghĩa quan trọng trên thế giới.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực có nhiều tuyến giao thương quan trọng của các cường quốc, trong đó có Đức.

Trong nội dung kế hoạch có tên gọi “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, chủ trương của Đức là đa dạng hóa quan hệ mọi mặt, đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN, Australia và Ấn Độ bằng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thông qua cách tiếp cận này, Berlin có kế hoạch xây dựng khung chiến lược với nhiều giải pháp chính trị đối với khu vực và hình thành các điểm kết nối tăng cường hợp tác, kể cả trong chính sách an ninh, với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Đức, trong thế kỷ XXI, các lực lượng kinh tế và chính trị ngày càng chuyển dịch về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời có tới 20 siêu đô thị (thế giới có tổng cộng 33 siêu đô thị). Tham vọng của quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) là muốn định hình các chính sách nhằm nêu bật những lợi ích, nguyên tắc và sáng kiến trong các lĩnh vực hành động chính, cũng như đưa ra đề xuất với các đối tác trong khu vực.

Là một quốc gia có thương mại quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, sự thịnh vượng của Đức phụ thuộc trực tiếp vào tự do thương mại và tự do hàng hải phần lớn đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính vì thế, lâu nay, khu vực này đã là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đức. Cùng sự điều chỉnh chính sách đối ngoại mới, Berlin có thể đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có biến đổi khí hậu, thương mại tự do dựa trên quy tắc, kết nối số hóa và đặc biệt là an ninh.

Theo nhận định của thời báo The Diplomat (Mỹ), Đức là quốc gia châu Âu thứ hai, sau Pháp, chính thức thông qua chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc này được cho là có nhiều hàm ý đối với “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Thời gian gần đây, Washington đã có nhiều động thái muốn chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia để hình thành mô hình hoạt động tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong một bài phát biểu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho hay, mục tiêu của Chính phủ Mỹ là cùng các nước trong khu vực ngăn chặn những thách thức tiềm tàng và tạo ra lực lượng then chốt để chia sẻ các giá trị lợi ích nhằm thu hút thêm nhiều quốc gia khác ở khu vực cũng như trên thế giới. Cùng quan điểm với Nhà Trắng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas khẳng định: “Chúng tôi muốn giúp định hình trật tự toàn cầu trong tương lai dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế, không dựa trên luật của kẻ mạnh”. Cũng theo ông H.Maas, Đức quan ngại về chạy đua vũ trang ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như về các xung đột tiềm ẩn mà nếu bùng phát sẽ gây ra những chấn động toàn cầu.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, với vai trò là một quốc gia đầu tàu của Cựu lục địa, Chính phủ Đức đang muốn lấy định hướng của mình làm cơ sở nền tảng cho chiến lược chung của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì thế, thời gian tới, Đức sẽ hợp tác với các đối tác EU, đặc biệt là Pháp, để xây dựng chiến lược chung của khối. Điều này sẽ giúp Berlin củng cố ý tưởng về một thế giới đa cực, trong đó, không quốc gia nào phải lựa chọn giữa các cực quyền lực.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/978137/chinh-sach-doi-ngoai-cua-duc-buoc-dieu-chinh-chien-luoc