Chính sách hỗ trợ - động lực phát triển nông nghiệp
PTĐT - Với mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng NTM, bảo vệ môi trường, cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh đã chủ động ban hành nhiều chính sách...
PTĐT - Với mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng NTM, bảo vệ môi trường, cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, cho hiệu quả kinh tế cao.
Để thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh đã xây dựng các Nghị quyết chuyên đề về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Tú Anh-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Cùng với đầu tư nguồn lực xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất; các chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp được tỉnh quan tâm chỉ đạo, điều hành, xây dựng và ban hành các chính sách có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế theo từng giai đoạn phát triển và mục tiêu cơ cấu lại ngành. Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tư duy, tập quán của người dân, mạnh dạn đổi mới hình thức tổ chức sản xuất từ quy mô nhỏ chuyển sang quy mô lớn có tính liên kết, hình thành các vùng tập trung. Từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với chủ động cụ thể hóa các chính sách của Trung ương theo quy định, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh. Nghị quyết số 01 đã xác định 7 nội dung cần hỗ trợ tập trung vào phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, xử lý môi trường chăn nuôi, phát triển đất sản xuất nông nghiệp. Từ việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 01 sau 2 năm thực hiện và để cụ thể hóa một số chương trình, chính sách mới do Trung ương ban hành; UBND tỉnh tiếp tục đề xuất xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở điều chỉnh một số nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 01, đồng thời bổ sung một số nội dung hỗ trợ được tích hợp từ các chính sách của Trung ương. Theo đó, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục ban hành với quan điểm hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bền vững; tập trung hỗ trợ vào những khâu khó, khâu mới trong quá trình thực hiện…Trong giai đoạn 2017-2020, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, các ngành, địa phương đã triển khai hỗ trợ các mô hình với tổng kinh phí gần 59 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết số 01 trên 38 tỷ đồng; đã thực hiện hỗ trợ hàng chục ngàn (lượt) hecta lúa chất lượng cao có quy mô liền vùng 10ha trở lên, trên 8.200ha rừng sản xuất, 31 công trình xử lý chất thải chăn nuôi quy mô lớn, 4 vườn ươm bưởi, 209 cây bưởi Diễn đầu dòng, trên 65ha bưởi Diễn tập trung, trên 700ha thủy sản, gần 80ha đất thuê phục vụ sản xuất nông nghiệp, trên 850ha dồn đổi ruộng đất... Thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 05 với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng; hỗ trợ cho 4 dự án sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh, 300ha trồng mới bưởi, 1.460ha bưởi kinh doanh theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; 600ha chuyển hóa rừng gỗ lớn, 8.500ha rừng được cấp chứng chỉ...
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương còn tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình MTQG xây dựng NTM, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), Dự án LCASP khí sinh học... Ngoài thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh, các huyện còn chủ động dành nguồn lực của địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ sát với tình hình thực tế để khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với số kinh phí hỗ trợ lên đến hàng chục tỷ đồng.Lâm Thao là một trong những địa phương tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Được biết, chỉ tính riêng nguồn lực của huyện từ năm 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng trợ giá giống, hỗ trợ phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, hỗ trợ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao... Từ các nguồn hỗ trợ đã giúp một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện giá trị bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác của huyện đạt 149 triệu đồng/ha; năng suất lúa bình quân đạt trên 62 tạ/ha và luôn đứng đầu toàn tỉnh. Trao đổi về chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Nghĩa-Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã cho biết: Năm 2018, HTX được hưởng thụ chính sách hỗ trợ thực hiện chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện với kinh phí hỗ trợ trên 470 triệu đồng. Tiếp đó, sản phẩm rau an toàn của Tứ Xã được tạo lập nhãn hiệu tập thể với tổng kinh phí 530 triệu đồng. Việc xây dựng chuỗi, tạo lập nhãn hiệu đã giúp các sản phẩm rau an toàn của Tứ Xã ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với 4 siêu thị lớn là Vinmart, Big C, Goldengate, CoopMart và một số bếp ăn tập thể, trường học. Sản lượng bình quân 90 tấn/tháng, mang lại thu nhập ổn định và nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân.Với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện được điều chỉnh, ban hành trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, ứng dụng KHKT gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; khuyến khích phát triển doanh nghiệp, HTX, trang trại, tăng cường liên kết sản xuất, bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, mặc dù nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương và của các địa phương đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 3,88%/năm, trong đó năm 2020 giá trị tăng thêm ước tăng 3,2%; sản lượng lương thực bình quân đạt 440 nghìn tấn/năm; giá trị sản phẩm bình quân trên diện tích canh tác đạt 108 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm.Các chính sách hỗ trợ cũng như việc xác định hướng đi đúng cho nông nghiệp của tỉnh đã thực sự là đòn bẩy trợ lực để ngành nông nghiệp khởi sắc, góp phần tích cực vào sự phát triển đi lên của tỉnh. Tuy nhiên, từ thực tế có thể thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, huyện thời gian qua còn có những điểm chưa thực sự đồng bộ, mức hỗ trợ chưa cao, chưa nhiều, mới chỉ tập trung hỗ trợ vật tư đầu vào là chủ yếu; việc hỗ trợ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn có hạn; việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất nông nghiệp hạn chế… Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất phát triển, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Các địa phương, đơn vị liên quan cần rà soát các bước trong hướng dẫn thực hiện chính sách theo hướng đơn giản, linh hoạt, phù hợp với tình hình sản xuất để người dân được thụ hưởng chính sách tốt hơn.