Chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm: Rà soát để gỡ vướng
Sau 2 năm triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên sư phạm cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ sinh hoạt phí khiến người học băn khoăn.
Tới đây, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) rà soát về kinh phí thực hiện chính sách của Nghị định 116 để người học yên tâm với lựa chọn vào sư phạm.
Áp lực cho ngân sách, thiếu hiệu quả
Liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ GDĐT. Trong đó nêu rõ, quá trình triển khai Nghị định 116 cho thấy phát sinh nhiều vướng mắc liên quan tới việc hướng dẫn triển khai chậm, vấn đề quy hoạch tổng thể về nhu cầu đào tạo sư phạm theo từng phương thức đào tạo, sử dụng kinh phí với việc sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo, vấn đề triển khai thực hiện của các địa phương và các cơ sở đào tạo.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân vướng mắc trong triển khai Nghị định 116 thời gian qua là chưa phân biệt rõ sự khác nhau của việc xác định 2 chỉ tiêu “đào tạo theo nhu cầu xã hội” với chỉ tiêu “đào tạo theo đặt hàng, giao nhiệm vụ của các địa phương”, trong khi việc đào tạo theo nhu cầu xã hội cũng chủ yếu cần xuất phát từ chính nhu cầu đặt hàng, sử dụng của chính các địa phương.
Từ đó, việc xác định tỷ lệ chỉ tiêu đào tạo 90%/10% tương ứng với 2 chỉ tiêu nêu trên như Bộ GDĐT triển khai thời gian qua là chưa phù hợp. Điều này không những gây áp lực đối với ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách trung ương nói riêng, thiếu tính hiệu quả, lãng phí nguồn lực và tạo áp lực xã hội vì cần phải bố trí nơi làm việc đối với số học sinh, sinh viên sư phạm sau khi được đào tạo xong.
Cụ thể, đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ GDĐT, năm 2021 kinh phí đã bố trí thực hiện chính sách là 652 tỷ đồng; năm 2022 kinh phí đã bố trí thực hiện chính sách là 908 tỷ đồng, bằng 140% số kinh phí bố trí năm 2021, dự kiến đạt 50% nhu cầu. Năm 2023 Bộ GDĐT đề nghị bố trí dự toán là 2.660 tỷ đồng, bằng 292% số kinh phí bố trí năm 2022, tăng thêm 1.722 tỷ đồng.
Để tránh tình trạng chậm, muộn trong quá trình thực hiện chính sách, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GDĐT chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, cần đề xuất phương án tháo gỡ đảm bảo tuân thủ nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước theo phân cấp quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành có liên quan.
Tăng sức hút bền vững
Từ phía nhà trường, PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương cho biết, năm học 2021, Trường đã nhận được đặt hàng đấu thầu của tỉnh Yên Bái đối với 100 sinh viên của nhà trường, bao gồm cả sinh viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Theo đánh giá chung, việc đặt hàng đào tạo giáo viên còn chậm, tuy nhiên cũng có địa phương đã chủ động tìm nguồn để tuyển biên chế. Ví dụ như tỉnh Điện Biên, Lai Châu đã có những văn bản đề xuất Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương giới thiệu những người học tốt nghiệp ra trường để tuyển dụng.
Thống kê của Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho thấy, hiện có 40/63 tỉnh, thành phố chưa triển khai việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116. Trong nhiều lý do được đưa ra, có nguyên nhân về nguồn kinh phí của địa phương có hạn, chưa thể cân đối ngân sách để đặt hàng đào tạo. Bên cạnh đó, còn có những vướng mắc như nội dung công văn của Bộ Tài chính đã nêu chờ Bộ GDĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện Nghị định 116 được rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa các địa phương và trường sư phạm.
Nhìn từ thực tế sau khi Nghị định 116 được công bố, sức hút vào ngành Sư phạm có chiều hướng gia tăng thể hiện qua số lượng thí sinh đăng ký vào ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Đặc biệt, năm 2022 tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc của ngành Sư phạm khi điểm chuẩn của ngành này nằm trong top 5 ngành có mức điểm chuẩn cao nhất. Nhiều ngành thí sinh phải đạt 29 - 30 điểm/3 môn mới có cơ hội đỗ.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, việc thu hút thí sinh theo học ngành Sư phạm mới chỉ là sự khởi đầu của quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo. Quan trọng hơn là việc giữ ổn định đội ngũ này và tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Điều này gắn với chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc của nhà giáo cần cải thiện để thầy cô yên tâm bám trụ với nghề, cống hiến cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục.