Chính sách khí hậu của Mỹ sẽ thế nào khi ông Trump quay lại?

Các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cho thấy chính sách khí hậu của Mỹ dưới giai đoạn lãnh đạo sắp tới của ông sẽ có nhiều thay đổi.

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 khiến các nhà hoạt động môi trường trên toàn thế giới lo ngại.

Các chuyên gia dự đoán chính sách khí hậu của nước Mỹ dưới chính quyền ông Trump sắp tới sẽ có nhiều thay đổi.

 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Chính sách khí hậu của Mỹ

Chưa đầy 6 tháng sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã chính thức tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu – thỏa thuận quốc tế được hầu hết quốc gia ký kết vào năm 2015, nhằm thể hiện cam kết sẽ nỗ lực kiểm soát nhiệt độ tăng cao và các tác động khác của biến đổi khí hậu.

Mặc dù Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và chủ yếu dựa trên lòng tin, sự lãnh đạo, nhưng lập trường của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quan điểm của các quốc gia khác.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền ông Trump không thừa nhận tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Ông cũng từng cho rằng các tua bin là “xấu xí” và sử dụng quyền lực tổng thống để bổ nhiệm những người theo chủ nghĩa hoài nghi về biến đổi khí hậu vào các vị trí quan trọng.

Đến thời Tổng thống Joe Biden, các nhà phân tích cho rằng dù ông đã đưa Mỹ quay lại Thỏa thuận Paris nhưng nhìn chung nước Mỹ vẫn chưa hành động đủ mạnh để chống biến đổi khí hậu.

Theo kênh Channel News Asia (CNA), chính quyền ông Biden đã cấp giấy phép thăm dò dầu khí nhiều hơn 20% giấy phép được cấp dưới thời ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Ông Biden cũng không tham dự các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan vừa qua.

 Giàn khoan dầu tại Texas (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Giàn khoan dầu tại Texas (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Chính sách khí hậu của Mỹ trong nhiệm kỳ mới của ông Trump sẽ ra sao?

Đài CNA dự đoán trong nhiệm kỳ mới, ông Trump có thể thay đổi một số quy định về môi trường tại Mỹ, bao gồm hủy bỏ bao gồm các ưu đãi và trợ cấp cho năng lượng sạch như năng lượng gió và mặt trời.

Tuy nhiên, theo trang tin The Conversation, ông Trump có thể gặp khó khăn trong việc xóa bỏ các khoản đầu tư lớn của chính quyền ông Biden vào năng lượng sạch. Nguyên nhân được cho là do những khoản đầu tư khí hậu này có liên quan các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất, vốn nằm trong Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm, cũng như Đạo luật Giảm lạm phát.

Cả hai đạo luật này đều được lưỡng viện thông qua nên nếu chính quyền ông Trump muốn bãi bỏ chúng, yêu cầu bãi bỏ phải nhận được đa số phiếu ủng hộ ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Trong các cuộc vận động tranh cử vừa qua, ông Trump thường xuyên nhắc đến cam kết tăng sản lượng khai thác nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, hoạt động khoan dầu tại khu bảo tồn động vật hoang dã Alaska có thể sẽ được khởi động lại dưới thời chính quyền ông Trump.

 Bên ngoài Hội nghị COP29 tại Azerbaijan. Ảnh: REUTERS

Bên ngoài Hội nghị COP29 tại Azerbaijan. Ảnh: REUTERS

Theo CNA, Mỹ là quốc gia gây ô nhiễm carbon lớn nhất. Các nhà hoạt động môi trường kêu gọi Mỹ cần áp dụng các biện pháp để giảm khí thải. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không thể thực hiện được khi ông Trump cho áp dụng thêm biện pháp khoan và đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, The Conversation dự đoán ông Trump có thể hủy bỏ các chính sách về khí hậu liên quan nhiên liệu hóa thạch và khí thải, như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Các chính sách này có thể bao gồm bỏ áp dụng thuế đối với khí thải nhà kính và có thể sẽ phê duyệt việc xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng.

Giới quan sát cảnh báo rằng nếu Mỹ không quan tâm nhiều đến các chính sách khí hậu, nước này có thể đánh mất vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu cấp bách này.

Vai trò Trung Quốc với các vấn đề khí hậu

Trong khi Mỹ dường như có xu hướng chậm lại trong việc thực hiện các hành động chống biến đổi khí hậu thì nhiều nước khác đã đẩy mạnh cam kết của họ.

Hội nghị COP29 năm nay đã kết thúc với thỏa thuận hỗ trợ 300 tỉ USD cho các nước đang phát triển để chống biến đổi khí hậu. Theo Channel News Asia, Trung Quốc (TQ) và nhiều quốc gia mới nổi đã thúc đẩy chương trình nghị sự để giúp COP29 đạt được thỏa thuận này.

Điều này là một minh chứng cho thấy TQ đang ngày càng thể hiện vai trò trong việc thúc đẩy các cam kết chống biến đổi khí hậu. Đến nay, TQ đã có quan hệ hợp tác về vấn đề khí hậu với các quốc gia phát triển như Đức, Pháp, Úc. Ngoài ra, TQ cũng tham gia hơn 120 dự án khí hậu trên khắp châu Phi.

TQ cũng hợp tác với các nước Đông Nam Á về trao đổi công nghệ và ứng dụng giám sát môi trường. Hiện tại, TQ có thể xem là một trong những quốc gia đầy tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Theo CNA, những điều này cho thấy trong trường hợp Mỹ không còn muốn hợp tác và đầu tư vào khí hậu toàn cầu, TQ và các quốc gia khác có thể đẩy mạnh vai trò của họ và đóng vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết vấn đề này.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chinh-sach-khi-hau-cua-my-se-the-nao-khi-ong-trump-quay-lai-post822233.html