Chính sách kìm hãm lạm phát ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Lạm phát đã tạo nên những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó mức lãi suất trở thành điểm quan trọng đối với Việt Nam.
Một trong những bước đột phá gần đây của Fed là việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Mục tiêu chính của việc này là ổn định giá cả và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Các mức lãi suất tăng đã tạo ra những làn sóng đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài quy luật này.
Kể từ sau đại dịch COVID-19, Fed đã thực hiện một loạt các bước điều chỉnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế. Các mốc tăng lãi suất chủ yếu diễn ra trong năm 2022 và đầu 2023. Vào tháng 3/2022, Fed tăng 25 điểm cơ bản lần đầu tiên sau đại dịch COVID-19. Lãi suất tăng từ khoảng 0% - 0,25% lên 0,25% - 0,50% . Đây là một phần của nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát, đã gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch và các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quyết định này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của Fed về áp lực lạm phát, đồng thời cũng là một bước đi nhằm bình thường hóa chính sách tiền tệ sau một thời gian dài của lãi suất thấp và các biện pháp kích thích khác nhằm ứng phó với suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra.
Động thái này cũng là sự khởi đầu của một chu kỳ tăng lãi suất dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2022, nhằm ứng phó với tình trạng lạm phát và hỗ trợ sự ổn định và tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế Mỹ.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết: "Chúng tôi nhận thấy chính sách tiền tệ chặt vẫn chưa đủ lâu để có tác động đầy đủ. Chúng tôi sẽ duy trì chính sách hiện nay đến khi có thể chắc chắn lạm phát đang về mục tiêu 2% và sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu cần thiết".
Trong 9 cuộc họp tiếp theo, Fed nâng thêm 475 điểm cơ bản với mong muốn kiềm chế được lạm phát. Tại cuộc họp tháng 7/2023, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên mức 5,25% đến 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001.
Tuy nhiên, sau đó, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong 3 kỳ họp tiếp theo. Gần đây nhất, trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Fed đã giữ nguyên lãi suất. Trong bối cảnh hiện nay, các thành viên Fed cũng dự báo có ít nhất 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, với giả định mỗi lần giảm 25 điểm cơ bản.
Con số này thấp hơn dự báo có tới 4 lần giảm 25 điểm cơ bản của thị trường nhưng đã quyết liệt hơn so với dự báo của Fed tại cuộc họp tháng 9/2023. Nhìn rộng ra, việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn kết thúc chu kỳ nâng lãi suất đã có tác động tích cực tới thị trường toàn cầu.
Lãi suất giảm: Nhẹ áp lực kiềm chế tỷ giá, kích thích tiêu dùng
Sau quyết định giữ nguyên mức lãi suất của Fed lần thứ 3 liên tiếp, hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh tỷ giá niêm yết giữa đồng Việt Nam và USD. Theo các dự báo từ các chuyên gia kinh tế, Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Một số dự báo cho rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất tới 6 lần trong năm 2024. Các cắt giảm này có thể bắt đầu từ quý thứ hai của năm 2024 và kéo dài vào năm 2025.
Ông Huỳnh Duy Sang - Giám đốc Khối thị trường Tài chính - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhận định: "Chúng tôi nhận thấy tâm lý thị trường rất tích cực. Về dài hạn khi lãi suất USD đạt đỉnh và theo xu hướng giảm dần thì những kỳ vọng về tỷ giá, lãi suất sẽ được điều chỉnh tương ứng, tạo ra lợi thế dài hạn đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng, làm giảm nhẹ đi áp lực kiềm chế tỷ giá của mình".
Bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng: "Với những tín hiệu tích cực như thế thì tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để giảm thêm mặt bằng lãi suất trong nước, giảm bớt gánh nặng nợ, kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024".
Đà tăng của tỷ giá trong năm 2023 bắt đầu từ giữa tháng 8 và lên cao nhất vào nửa cuối tháng 10. Trên thị trường liên ngân hàng, đã có thời điểm tỷ giá lên mức 24.600 đồng/USD, trong khi ngày 14/12 chỉ được giao dịch ở mức 24.235 đồng/USD, giảm khoảng 1,48%. Và so với đầu năm, tỷ giá hiện chỉ tăng khoảng 2,7%, nằm trong biên độ mục tiêu +-3% đề ra đầu năm.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang thặng dư thương mại, FDI và kiều hối tịch cực, cộng với tâm lý kỳ vọng tăng giá không còn nữa sẽ là cơ sở để tỷ giá vào xu hướng ổn định.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank đánh giá: "Trước mắt đồng USD hạ nhiệt thì yếu tố đầu cơ giảm đi giúp tỷ giá của chúng ta có không gian ổn định. Nếu giai đoạn nửa sau của 2024 khi lãi suất đồng USD thực sự giảm, Fed cắt lãi suất, phần lượng tiền gửi đâu đó bên ngoài hệ thống sẽ quay trở lại và sẽ giúp VND thậm chí tăng giá trở lại".
Với những động thái mới đây của Fed, có thể thấy tín hiệu đã rõ: Quá trình tăng lãi suất đã qua, giai đoạn thăm dò đã kết thúc và sắp đến là giai đoạn giảm lãi suất. Tuy nhiên, với mức giảm 4,75% năm 2024 và xuống 3,6% năm 2025 vẫn cao so với giai đoạn trước. Sau động thái này sức ép lên tỷ giá đã giảm bớt và Việt Nam cũng đã có chính sách tền tệ, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, vẫn cần duy trì lãi suất ở mức hợp lý, để duy trì ổn định tỷ giá, hỗ trợ cho xuất khẩu và nhập khẩu.