Chính sách kinh tế của ông Trump tác động thế giới ra sao?

Ông Trump cam kết giúp kinh tế Mỹ bùng nổ trở lại, thông qua các chính sách như giảm thuế trong nước, tăng thuế nhập khẩu và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

 Chính sách kinh tế mạnh tay của Donald Trump được dự đoán xoay chuyển nền kinh tế Mỹ và thế giới. Ảnh: NYT.

Chính sách kinh tế mạnh tay của Donald Trump được dự đoán xoay chuyển nền kinh tế Mỹ và thế giới. Ảnh: NYT.

Ngày 6/11, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Đảng Dân chủ Kamala Harris để chính thức trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ.

Tờ New York Times nhận định ông Trump đã thành công trong việc giành lấy sự ủng hộ từ cử tri khi đánh mạnh vào sự bất mãn về nền kinh tế cùng tình trạng nhập cư dưới thời tổng thống tiền nhiệm.

Giới phân tích cho rằng các đề xuất của ông Trump quyết liệt hơn hẳn bà Harris. Trong khi bà Harris ưu tiên thay đổi từng bước, ông Trump muốn đảo ngược chính sách hiện tại bằng cách trục xuất nhiều người nhập cư bất hợp pháp, tăng thuế nhập khẩu và giảm mạnh thuế trong nước.

Tân tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ chấm dứt "cơn ác mộng lạm phát" và đưa giá cả xuống "rất nhanh". Đây cũng là mối quan tâm lớn nhất của phần lớn cử tri Mỹ trong bối cảnh lạm phát kéo dài.

Tuy nhiên, những biện pháp kinh tế có phần "cực đoạn" trên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà kinh tế do lo ngại về chiến tranh thương mại và có thể gây trầm trọng thêm tình trạng lạm phát.

Để được thi hành, các chính sách kinh tế của Trump vẫn cần được quốc hội Mỹ thông qua.

Áp thuế nhập khẩu lên tới 200%

Ông Trump từng tuyên bố nếu tái đắc cử, ông sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ, và 60% trở lên cho hàng hóa từ Trung Quốc.

Đáng chú ý, ông cũng đề xuất mức thuế 100-200% đối với ôtô sản xuất tại Mexico và các sản phẩm của công ty chuyển sản xuất từ Mỹ sang Mexico.

Tổng thống Mỹ khẳng định mức thuế này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo việc làm và thu về hàng tỷ USD để hỗ trợ cho các chính sách giảm thuế khác.

 Đánh thuế nhập khẩu mạnh tay là chủ trương hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NYT.

Đánh thuế nhập khẩu mạnh tay là chủ trương hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NYT.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng kế hoạch tăng thuế quan của ông Trump có thể châm ngòi cho các cuộc trả đũa thương mại, gây tổn thất cho nền kinh tế Mỹ. Theo Euromonitor International, điều này có thể gây ra "phân mảnh toàn cầu" và làm giảm 0,4% GDP của Mỹ vào năm 2025 và 0,5% vào năm 2026.

Thực tế trong nhiệm kỳ trước, mức thuế nhập khẩu cao mà ông Trump áp lên thép và nhôm từ Canada và EU đã khiến 2 đối tác này đáp trả bằng thuế nông sản, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân Mỹ. Trump cũng phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế 25% lên 350 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa tương tự, làm tăng chi phí cho cả hai bên.

"Nếu Mỹ thực hiện chính sách thuế quan trên, hàng hóa nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng giá. Thậm chí, hàng nội địa cũng sẽ tăng theo, vì chúng là lựa chọn thay thế cho hàng nhập khẩu", Robert Lawrence, Giáo sư Thương mại và đầu tư tại Đại học Harvard khẳng định.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, kế hoạch áp thuế của ông Trump có thể khiến hộ gia đình trung lưu phải trả thêm ít nhất 1.700 USD mỗi năm.

"Giá cả các sản phẩm thiết yếu không chỉ không hạ giá như ông ấy cam kết, mà còn có thể leo thang hơn bất kỳ giai đoạn nào", bà Harris từng chỉ trích chính sách kinh tế của đối thủ.

Andrzej Skiba từ RBC Global Asset Management dự đoán kế hoạch này sẽ đẩy lạm phát Mỹ thêm 1%, nâng lạm phát hàng năm lên khoảng 3,4% - vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Gia hạn chính sách giảm thuế năm 2017

Một số điều khoản trong Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (TCJA) 2017, thành tựu nổi bật của ông Trump tại Nhà Trắng nhiệm kỳ trước, sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025.

Dù đạo luật này đã giảm thuế cho hầu hết công dân Mỹ, các đảng viên Dân chủ vẫn chỉ trích đạo luật này vì cho rằng phần lớn lợi ích tập trung vào tầng lớp giàu có.

Tuy vậy, ông Trump vẫn muốn gia hạn toàn bộ TCJA, đồng thời giảm thêm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân.

Tổng thống Mỹ kêu gọi hạ thuế doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15% với một số công ty, việc này được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Trước đó, đạo luật này đã giảm vĩnh viễn thuế doanh nghiệp cao nhất từ 35% xuống 21%.

Ông Trump cũng đề xuất xóa bỏ giới hạn đối với các khoản khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương (SALT). TCJA đã giới hạn mức khấu trừ này ở mức 10.000 USD, nhưng giới hạn này sẽ hết hạn vào cuối năm 2025.

Ngoài ra, ông cũng sẽ khôi phục khả năng cho các công ty khấu trừ ngay lập tức các khoản đầu tư vào thiết bị và nghiên cứu.

 Thống kê biến động thu nhập của người Mỹ nếu áp dụng chính sách giảm thuế của ông Trump. Ảnh: CBS.

Thống kê biến động thu nhập của người Mỹ nếu áp dụng chính sách giảm thuế của ông Trump. Ảnh: CBS.

Những người ủng hộ cho rằng việc giảm thuế giúp giảm gánh nặng tài chính, trong khi phe phản đối khẳng định lợi ích thực sự chỉ chủ yếu thuộc về người giàu.

Ngoài ra, nếu chính quyền ông Trump tiếp tục duy trì chi tiêu và chính sách thuế này, nợ công Mỹ có thể tăng thêm 7.750 tỷ USD vào 2035, theo Ủy ban Ngân sách Liên bang.

Xóa thuế

Tương tự bà Harris, ông Trump đã cam kết không cắt chương trình giảm An sinh Xã hội và Medicare, đồng thời không tăng tuổi nghỉ hưu. Thay vào đó, ông dự định tập trung vào giải quyết tình trạng lãng phí và ngăn chặn gian lận.

Donald Trump đã đề xuất một loạt biện pháp giảm thuế nhằm tạo thuận lợi cho người lao động và người cao tuổi, bao gồm xóa bỏ thuế liên bang đối với tiền tip, trợ cấp xã hội và tiền làm thêm giờ.

Theo Trung tâm Chính sách Thuế, biện pháp này sẽ giúp giảm gánh nặng thuế cho nhóm đối tượng dễ bị "tổn thương" trong xã hội. Tuy nhiên, nếu không có nguồn tài trợ thay thế cho quỹ tín thác của chương trình, khoản trợ cấp an sinh xã hội mà họ nhận được khi nghỉ hưu có thể giảm 30% so với trước đây.

Dữ liệu từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho thấy việc bỏ các loại thuế này có thể khiến ngân sách Mỹ thiếu hụt khoảng 1.600 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Bên cạnh đó, ông Trump đã đề xuất thay thế thuế thu nhập liên bang bằng nguồn thu từ thuế nhập khẩu.

 Nhiều người bất mãn với quyết định "khai tử" Obamacare trong nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump. Ảnh: La Presse.

Nhiều người bất mãn với quyết định "khai tử" Obamacare trong nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump. Ảnh: La Presse.

Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dù từng coi đây là ưu tiên trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump không đặt trọng tâm vào vấn đề này trong chiến dịch lần này. Ông đã cho biết có thể thử lại việc hủy bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) và thay thế bằng một chương trình tốt hơn, dù chưa công bố kế hoạch cụ thể.

Ngoài ra, dù chưa công bố chính sách cụ thể về các gói vay sinh viên, ông Trump luôn phản đối việc xóa nợ trên diện rộng. Tháng 6/2023, ông ca ngợi Tòa án Tối cao ngăn chặn kế hoạch xóa nợ của Tổng thống Biden, cho rằng điều này bảo vệ sự công bằng cho những người đã tự trả nợ.

Giảm giá nhà

Ông Trump đã cam kết thực hiện một chương trình trục xuất quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông cho rằng việc siết chặt nhập cư sẽ giúp giảm nhiều chi phí, bớt gánh nặng cho các dịch vụ công, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.

Để tăng nguồn cung và giảm giá nhà, ông Trump cam kết loại bỏ các quy định làm gia tăng chi phí xây dựng, đồng thời mở rộng diện tích đất đai liên bang để phục vụ cho các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, theo CNN.

Tổng thống Mỹ cũng đề xuất giảm lãi suất cho vay mua nhà xuống còn 3% hoặc thậm chí thấp hơn, điều này sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho người mua nhà, đặc biệt là người trẻ.

Ngoài ra, ông cũng hứa hẹn "khuyến khích quyền sở hữu nhà ở thông qua các ưu đãi thuế và hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu".

Thực tế, giá nhà ở Mỹ đã tăng hơn 50% kể từ khi đại dịch Covid bùng phát. Một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa nhập cư và sự tăng cao của giá thuê nhà. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng chưa có mối quan hệ rõ ràng giữa nhập cư bất hợp pháp và sự tăng giá nhà.

Giới phân tích cảnh báo chính sách này sẽ khiến Mỹ mất đi hàng triệu lao động giá rẻ, khiến lương nhân công tăng vọt và giá tiêu dùng leo thang.

Đồng thời, chi phí để trục xuất cũng khiến Mỹ mất đi một khoản tiền khổng lồ khi một nghiên cứu từ Hội đồng Nhập cư Mỹ ước tính chi phí để trục xuất 11 triệu người sẽ lên tới 315 tỷ USD.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/chinh-sach-kinh-te-cua-ong-trump-tac-dong-the-gioi-ra-sao-post1509451.html