Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021

Từ tháng 4/2021, nhiều chính sách sẽ chính thức có hiệu lực, nổi bật trong đó là quy định về đổi thẻ bảo hiểm y tế, phí hải quan, giá điện đối với điện sinh khối và thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động dịch vụ kế toán.

Hoạt động sản xuất điện sinh khối

Hoạt động sản xuất điện sinh khối

Cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới

Từ ngày 1/4/2021, Quyết định 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó, áp dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới với nhiều cải tiến so với trước đây.

Kích thước thẻ nhỏ gọn như một chiếc thẻ ATM, chỉ dài 85,6mm và rộng 53,98mm trong khi mẫu thẻ cũ dài đến 98mm và rộng 66mm. Thẻ sẽ được in plastic sau khi in, thay vì chỉ là một mảnh giấy mỏng manh như thẻ cũ.

Mã số thẻ sẽ chỉ còn 10 chữ số cũng chính là mã số bảo hiểm xã hội thay vì 15 ký tự như trước đây. Mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được thể hiện tại góc bên phải của thẻ, theo các kí tự từ 1 đến 5. Mặt sau của thẻ có các thông tin mà mẫu thẻ trước đây không hề có về nơi cấp, đổi thẻ; hướng dẫn kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh.

Những trường hợp sẽ được cấp thẻ bảo hiểm mẫu mới gồm: người mới tham gia bảo hiểm y tế, người cần cấp lại thẻ do thẻ cũ bị mất, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do bị rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.

Thêm một loại phí hải quan mới

Từ ngày 5/4/2021, Thông tư 14/2021/TT-BTC chính thức có hiệu lực. Thông tư này bổ sung một loại phí hải quan mới là phí cấp, cấp lại sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất, tái nhập theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP.

Mức thu phí hải quan cấp sổ ATA là 1.000.000 đồng/sổ và phí cấp lại sổ ATA là 500.000 đồng/sổ.

Ngoài bổ sung loại phí nêu trên, mức thu các loại phí khác vẫn được giữ nguyên như trước đây. Trong đó, phí hải quan đối với hàng xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh là 200.000 đồng/tờ khai; lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (ô tô, đầu kéo, máy kéo) là 200.000 đồng/phương tiện…

Cũng theo thông tư này, phí hải quan sẽ được miễn đối với các trường hợp như: hàng viện trợ nhận đạo, viện trợ không hoàn lại; hàng xuất, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng…

Sửa đổi quy định giá điện đối với dự án điện sinh khối

Ngày 5/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 25/4/2021.

Thêm cơ hội cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Theo đó, đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh tương đương 7,03 UScents/kWh (quy định cũ là 1.220 đồng/kWh tương đương 5,8 UScents/kWh), theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.

Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh tương đương 8,47 UScents/kWh, theo tỷ giá tính theo tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.

Giá mua điện quy định nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của đồng USD (tính tương đương UScents/kWh), tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày Bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.

Các dự án điện sinh khối đã vận hành phát điện trước thời điểm 5/3/2020 được áp dụng mức giá mua điện nêu trên kể từ ngày 25/4/2020 cho thời gian còn lại của Hợp đồng mua bán điện đã ký.

Chi phí mua điện từ các dự án điện sinh khối nêu trên được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các dự án điện sinh khối áp dụng giá mua điện theo quy định này không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

Thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động dịch vụ kế toán

Ngày 25/1/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán. Thông tư này có hiệu lực từ 1/4/2021.

Theo đó, thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ là 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên, mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên.

Còn đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng nêu trên thì thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ ít nhất 5 năm/lần.

Hiện nay, Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 32/2007/QĐ-BTC quy định: “Các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán phải được kiểm tra chất lượng định kỳ 3 năm một lần”.

Tùng Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-42021-1617178044604.htm