Chính sách mới về tiền lương công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 7-2023
Mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 1-7-2023 là 1.800.000 đồng/tháng.
1. Tăng mức lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng
Ngày 14-5-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 01/7/2023 là 1.800.000 đồng/tháng.
(Trong khi đó tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì mức lương cơ sở được quy định là 1.490.000 đồng/tháng.)
Theo đó, các đối tượng cán bộ, công chức và viên chức áp dụng mức lương cơ sở mới gồm có:
- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019).
- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019).
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức 2010 (sửa đổi 2019).
- Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP).
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
2. Cách xác định tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế với cán bộ, công chức, viên chức từ 20-7-2023
Đây là nội dung tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3-6-2023 quy định về tinh giản biên chế.
Cụ thể, cách xác định xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế như sau:
- Tiền lương hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi tinh giản biên chế. Tiền lương tháng được tính bao gồm:
+ Mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận của hợp đồng lao động hoặc mức lương của người quản lý công ty;
+ Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, tiền lương và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.
- Tiền lương bình quân là tiền lương tháng bình quân của 05 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản biên chế. Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 05 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác có đóng bảo hiểm xã hội, thì tiền lương tháng bình quân của toàn bộ thời gian công tác.
- Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không xác định ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh của đối tượng.
- Thời gian để tính trợ cấp quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Nghị định 29/2023/NĐ-CP là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo số bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.
Nếu tổng thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 1/2 năm và được hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.
- Thời gian để tính trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 5, Điều 8 Nghị định 29/2023/NĐ-CP nếu có số tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 1/2 năm và được hưởng trợ cấp bằng mức trợ cấp của 1/2 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.
3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên từ ngày 1-7-2023
Ngày 1-7-2023, Luật Thanh tra 2022 chính thức bắt đầu có hiệu lực và thay thế Luật Thanh tra 2010. Theo đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên tại Điều 39 Luật Thanh tra 2022 như sau:
- Là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, trừ trường hợp Chính phủ quy định khác đối với Thanh tra viên của cơ quan thanh tra được thành lập theo quy định của luật hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Thanh tra 2022.
- Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kiến thức quản lý nhà nước và am hiểu pháp luật; đối với Thanh tra viên trong lĩnh vực chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
- Có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra không kể thời gian tập sự hoặc có ít nhất 05 năm công tác trở lên đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra.
4. Tiêu chuẩn dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ 20-7-2023
Ngày 2-6-2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 02/2023/TT-BNNPTNT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cụ thể, viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều 3 Thông tư 02/2023/TT-BNNPTNT và các tiêu chuẩn, điều kiện sau để được dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
- Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hạng II và đáp ứng yêu cầu điểm quy đổi kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đạt tối thiểu 3,0 điểm trở lên quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BNNPTNT.
- Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hạng III.