Chính sách nào phù hợp để vực dậy nền kinh tế trong thời gian tới?

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều thiệt hại bởi Covid-19, giới chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến tranh cãi về cách thức và cường độ của các gói hỗ trợ cũng như chính sách kích thích phục hồi kinh tế.

Gói cứu trợ trị giá 62 nghìn tỷ đồng mới chỉ giải ngân được khoảng 20%.

Gói cứu trợ trị giá 62 nghìn tỷ đồng mới chỉ giải ngân được khoảng 20%.

Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu gây ra thiệt hại nghiêm trọng, chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm duy trì tiêu dùng và bảo vệ nền kinh tế, đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các biện pháp này không đạt được hiệu quả cao.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV cho biết, gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đồng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt từ tháng 3 nhưng tính đến giữa tháng 8 mới chỉ giải ngân được khoảng 17 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 19%.

Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lý giải, tốc độ giải ngân của gói cứu trợ thấp do mạng lưới thực thi kém hiệu quả, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu cơ sở dữ liệu quản lý thông tin về đối tượng hưởng hỗ trợ, gây bất tiện cho người dân. Đặc biệt, qua điều tra, có dấu hiệu của việc lẩn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR, đối tượng trong nhóm được nhận hỗ trợ cũng chưa đủ rộng, chủ yếu tập trung vào hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng và lao động được bảo trợ. Trong khi đó, khối lao động tự do, lao động phi chính thức mới chịu nhiều tổn thất hơn cả.

Như vậy, gói 62 nghìn tỷ đồng không tạo được hiệu quả lan tỏa tích cực, lại làm tăng thêm gánh nặng ngân sách. Cùng với đó, nguồn lực tài khóa hạn hẹp do thâm hụt ngân sách trong nhiều năm và sẽ tiếp tục thâm hụt nặng hơn do chi phí ứng phó dịch bệnh khiến Việt Nam không thể thực hiện các chính sách vĩ mô quy mô lớn như một số nước khác.

Các chuyên gia thảo luận về chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: VEPR.

Các chuyên gia thảo luận về chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: VEPR.

Ông Thành nhận định, việc tung thêm gói cứu trợ mới là không cần thiết, mà thay vào đó cần thực hiện giải ngân nhanh chóng đối với gói cứu trợ 62 nghìn tỷ, thông qua tinh gọn thủ tục, chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm, đồng thời mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ. Đây cũng là đề xuất của nhiều bộ, ban, ngành và địa phương trong thời gian qua.

Cùng chung quan điểm về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc ban hành thêm gói hỗ trợ mới là cần thiết.

Cụ thể, gói hỗ trợ mới sẽ có quy mô khoảng 150 nghìn tỷ đồng cho cả an sinh xã hội và doanh nghiệp, đưa tổng mức hỗ trợ của chính phủ Việt Nam lên mức 5 – 5,5% GDP, tương đương với trung bình chung của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Gói cứu trợ này cần được triển khai theo hướng mới, song song với việc thực hiện giải ngân gấp cho gói 62 nghìn tỷ đồng để đạt được hiệu quả lan tỏa và lâu dài.

Theo đó, ông Lực khuyến nghị Chính phủ nên mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ sang cả nhóm lao động phi chính thức, đồng thời hỗ trợ lao động mất việc trong việc đào tạo tay nghề để có thể chớp lấy cơ hội nghề nghiệp mới đến từ xu hướng chuyển dịch trong tương lai.

Lý giải về đề xuất này, ông Lực nhấn mạnh, đại dịch chưa thể chấm dứt ngay lập tức, thậm chí còn có khả năng sẽ bùng phát bất ngờ, gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Hơn nữa, các diễn biến khó lường trong quan hệ thương mại và chính trị cũng là mối đe dọa lớn. Trước tình trạng này, doanh nghiệp cũng như người dân vẫn còn chịu nhiều khó khăn, cần có những hỗ trợ dài hạn hơn để đảm bảo phục hồi hiệu quả.

Thận trọng trong chính sách tiền tệ

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất sẽ không tạo ra được những hiệu quả như kỳ vọng.

Lý giải về điều này, ông Thành cho biết, việc hạ mức lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng về lý thuyết sẽ tạo ra động lực kích thích doanh nghiệp vay vốn đầu tư. Tuy nhiên, với thực tế về mức tiêu dùng đang sụt giảm thì dù có hạ lãi suất, doanh nghiệp cũng sẽ không mạo hiểm để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ mở rộng có thể là tác nhân gây ra lạm phát, đặc biệt không phù hợp khi Mỹ chính thức đưa Việt Nam vào danh sách điều tra thao túng tiền tệ, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn giữ ở mức ổn định 3,85%.

Cố vấn trưởng của VEPR nhấn mạnh, trong mọi tình huống, lãi suất, lạm phát và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hậu đại dịch, đồng thời tránh khỏi những rủi ro tương tự như Covid-19 trong tương lai.

Đồng quan điểm với ông Thành, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận xét, dù mức tăng trưởng thấp, khủng hoảng lần này sẽ không gây ra những hậu quả lâu dài so với cuộc khủng hoảng 2008 – 2009 bởi những nền tảng vĩ mô, bao gồm lạm phát vẫn giữ được ở mức ổn định.

Nền tảng vĩ mô ổn định sẽ là điều kiện then chốt nhằm duy trì niềm tin, tinh thần lạc quan đối với người dân và nhà đầu tư, tạo ra nền tảng giúp cho quá trình phục hồi nền kinh tế.

Các chuyên gia VEPR cho rằng, dư địa của chính sách tiền tệ vẫn còn nhờ vào thanh khoản dồi dào, tuy nhiên cần được tính toán kỹ lưỡng thời điểm cũng như mức độ sử dụng.

Cụ thể, chính sách tiền tệ nên được tập trung vào hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn, gia hạn khoản nợ, miễn giảm lãi, phí… giúp các doanh nghiệp này giải tỏa áp lực dòng tiền.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chinh-sach-nao-phu-hop-de-vuc-day-nen-kinh-te-trong-thoi-gian-toi-1603507716203.htm